Xuất bản thông tin

null Bàn về những khó khăn, vướng mắc do quy định về thời gian nghiên cứu hồ sơ còn ngắn

Trang chủ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Bàn về những khó khăn, vướng mắc do quy định về thời gian nghiên cứu hồ sơ còn ngắn

Trong thực tế trong quá trình công tác áp dụng pháp luật còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đúng thời gian theo luật tố tụng...

= = =

Về thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án: Theo khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015 thì “… Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật này thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án”.

Hình ảnh phiên tòa dân sự

Trong thực tế trong quá trình công tác áp dụng pháp luật, bản thân thấy còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định trong thời gian này, Kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên phải thực hiện rất nhiều thủ tục như lập, trích cứu hồ sơ; nghiên cứu hồ sơ (kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án và những người tham gia tố tụng; xem xét yêu cầu khởi kiện; thẩm quyền giải quyết của vụ án; kiểm tra đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ; việc xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án...) và ban hành văn bản yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ (nếu xét thấy việc thu thập chứng cứ Tòa án chưa đầy đủ); báo cáo Lãnh đạo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án; dự kiến nội dung hỏi tại phiên tòa; dự thảo bài phát biểu tại phiên tòa nên đối với những vụ án phức tạp thì khoảng thời gian 15 ngày (tính cả ngày nghỉ) là rất khó để Kiểm sát viên hoàn thành việc nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách toàn diện và đầy đủ.

Thậm chí, trên thực tế khá phổ biến là Toà án thường chuyển nhiều hồ sơ vụ án cùng lúc để tổ chức xét xử theo đợt và chuyển hồ sơ cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử nên áp lực đối với Kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên trong một thời điểm lại càng lớn. Do thời hạn nghiên cứu ngắn nên việc nắm bắt nội dung vụ việc, tham mưu giải quyết còn hạn chế, làm giảm vai trò của Viện kiểm sát; khó khăn cho việc phối hợp với Tòa án khi giải quyết các vụ việc.

Tình hình tranh chấp dân sự ngày càng phức tạp, số vụ việc phải giải quyết ngày càng gia tăng, một số quy định về thời hạn tố tụng còn ngắn, trong khi đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ít, một kiểm sát viên cùng lúc phải kiểm sát giải quyết nhiều vụ việc, đã và đang làm hạn chế thời gian, chất lượng nghiên cứu hồ sơ và kiểm sát các hoạt động tố tụng của Kiểm sát viên, kiểm tra viên từ đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng giải quyết án.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án, bản thân xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất: Cần sửa đổi khoản 2 Điều 220 BLTTDS theo hướng tăng thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự đối với Viện kiểm sát lên 30 ngày thay vì 15 ngày như quy định hiện nay, nhằm tạo điều kiện thời gian để cán bộ kiểm sát nghiên cứu kĩ hồ sơ, hạn chế các vụ án hủy, sửa ngay từ giai đoạn ban đầu.

Thứ hai: Cần bổ sung vào BLTTDS các chế tài xử lý rõ ràng, đủ nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện các yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các yêu cầu của Viện kiểm sát.

Thứ ba: Cần quan tâm việc hệ thống hoá văn bản pháp luật về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự trong ngành Kiểm sát nhân dân để thuận tiện cho việc tra cứu của Kiểm sát viên; thường xuyên tập hợp thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ đầy đủ, kịp thời để tháo gỡ khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Về lâu dài, ngành Kiểm sát nhân dân cần xây dựng kho dữ liệu điện tử để hệ thống hoá văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo hướng mở để Kiểm sát viên chia sẻ, cập nhật thường xuyên.

Thứ tư: Kiểm sát viên phải không ngừng tự học tập, tự nghiên cứu thông qua từng vụ án, vụ việc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các kiểm sát viên, cũng như những người có kinh nghiệm đi trước. Khi tham mưu xây dựng các văn bản yêu cầu phải đảm bảo đúng quy định, chất lượng về nội dung và đầy đủ căn cứ pháp luật. Đối với các vấn đề, nội dung còn chưa thống nhất các quan điểm, Kiểm sát viên cần báo cáo Lãnh đạo cho ý kiến chỉ đạo trước khi ban hành. Sau khi ban hành, Kiểm sát viên phải thường xuyên quan tâm theo dõi về thời hạn các cơ quan, tổ chức, các nhân phải trả lời yêu cầu của Viện kiểm sát, kịp thời trao đổi đôn đốc, báo cáo Lãnh đạo viện trong trường hợp hết thời hạn trả lời yêu cầu nhưng cơ quan, tổ chức, các nhân chưa trả lời.

         Thứ năm:  Cần duy trì và tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới; giữa Viện kiểm sát với Toà án trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị được kịp thời và đúng quy định pháp luật.

Thứ sáu:  Có chế độ ưu tiên động viên, khen thưởng đối với cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự; đồng thời, khuyến khích tự nghiên cứu, đào tạo và đúc rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, coi đây là yếu tố chính để nâng cao chất lượng công tác này nói chung và việc thực hiện quyền yêu cầu nói riêng. 

       Thứ bảy:  Trên cơ sở rà soát số lượng và đánh giá chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, cùng với số lượng vụ, việc thụ lý hàng năm, cần bố trí, sắp xếp cán bộ, Kiểm sát viên bảo đảm đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; nên bố trí Kiểm sát viên làm việc lâu dài, hạn chế tối đa việc luân chuyển, nếu có thì phải đảm bảo những cán bộ luân chuyển phải cùng khâu công tác kiểm sát hoặc đã hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ đủ điều kiện để thay thế, bảo đảm tính kế thừa và ổn định.

Văn Luân-Viện KSND huyện Thanh Bình