Xuất bản thông tin

null Một số bất cập của luật thi hành án dân sự trong thực tiễn và đề xuất, kiến nghị hướng hoàn thiện

Trang chủ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Một số bất cập của luật thi hành án dân sự trong thực tiễn và đề xuất, kiến nghị hướng hoàn thiện

Trong thực tiễn thi hành bản án, quyết định của Tòa án nói chung, một số quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu...

= = =

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2014, đặc biệt là Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự ra đời đã tạo cơ sở pháp lý để phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự. Tạo điều kiện cho bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Từ đó, đảm bảo hoạt động tổ chức thi hành án ngày càng đi vào nề nếp, ổn định. Chi cục Thi hành án dân sự tại địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức thi hành án dân sự, chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy vậy, trong thực tiễn thi hành bản án, quyết định của Tòa án nói chung, một số quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, nhằm thống nhất áp dụng, cụ thể ở những nội dung sau:

Một là, quy định việc cung cấp thông tin về tài sản thi hành án của người phải thi hành án,

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật THADS năm 2014, đơn yêu cầu phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Quy định này không phù hợp với thực tế đời sống xã hội và gây khó khăn, trở ngại trong hoạt động thi hành án dân sự, bởi lẽ, người có đơn yêu cầu thi hành án bắt buộc phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trên thực tế, việc người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, xác định người phải thi hành án có tài sản để thi hành án hay không là rất khó khăn, họ khó có thể tự xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án mà thường yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án hoặc trường hợp người được thi hành án có xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì kết quả xác minh đó chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan.

Mặt khác, tài sản, tài khoản, nguồn thu nhập là bí mật thông tin của cá nhân được pháp luật bảo vệ, không thể tùy tiện cung cấp, chỉ được phép cung cấp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án, từ chối cung cấp thông tin cho người được thi hành án, mà không có cơ sở để xử lý trong những trường hợp này. Thực tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thông tin cho người được thi hành án chưa có chế tài xử lý. Nếu bị xử lý thì cơ quan nào có thẩm quyền xử lý, chế tài xử lý ra sao? Chưa có văn bản nào quy định cụ thể.

Hai là, thực hiện quy định về miễn, giảm thi hành án,

Điều 61 Luật THADS năm 2014, quy định:

“1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;

b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:

a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;

b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng...”. 

Theo quy định vừa nêu, đối với người được xét miễn nghĩa vụ thi hành án theo khoản 1 phải là người không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước:“Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có).”

Thực tiễn hiện nay nhiều bản án tuyên phần lãi suất chậm thi hành án đối với người phải thi hành án. Trong khi đó người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước là người không tài sản hoặc là người không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Mặt khác, điều kiện về thời gian được xét miễn tối thiểu là 05 năm đối với khoản tiền dưới 2.000.000 đồng. Như vậy, sau 05 năm khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách không phải là nhỏ. Nếu cộng thêm khoản tiền lãi này vào khoản phải thi hành án thì lớn hơn 2.000.000 đồng, với số tiền trên 2.000.000 đồng thì điều kiện về thời gian để được xét miễn lại là 10 năm, và sau 10 năm khoản tiền lãi cộng vào sẽ là trên 5.000.000 đồng, như vậy, sẽ không đủ điều kiện để được xét miễn thi hành án mà chỉ đủ điều kiện để xét giảm thi hành án. Do đó việc xét miễn nghĩa vụ thi hành án đối với khoản tiền còn phải thi hành từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 61 là rất khó có tính khả thi.

Ba là, về vấn đề kê biên tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, hiện nay chưa có quan điểm thống nhất giữa các ngành,

Liên quan đến việc xác định và xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của hộ gia đình và của vợ chồng, theo khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự thì trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, nếu đương sự không thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết và Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Để hướng dẫn quy định này, điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định số  62/2015/NĐ-CP quy định Chấp hành viên tiến hành tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình; nếu vợ chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình không đồng ý với việc phân chia của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa phân chia tài sản chung; hết thời hạn mà họ không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo sự phân chia của Chấp hành viên nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, việc Chấp hành viên khi tự xác định và phân chia còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:  

Tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS có quy định:

Điều 74. Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án

1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án”.

Và tại điểm b khoản 2 Nghị định 62/2015/NĐ-CP có quy định:

Điều 24. Kê biên tài sản để thi hành án

….

2. Việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:

a) Cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của đương sự theo quy định tại Khoản 4 Điều này;

b) Trường hợp người phải thi hành án có chung tài sản với người khác mà đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người thì Chấp hành viên kê biên phần tài sản, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này;…”.

Nhìn chung, Luật THADS và Nghị định 62/2015/NĐ-CP đều đã quy định rõ đối với trường hợp xử lý tài sản chung hộ, Chấp hành viên chỉ được quyền xử lý tài sản khi đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người trong khối tài sản chung. Ngược lại, trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự và Luật quy định bắt buộc Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn thì đa phần Chấp hành viên thường vận dụng khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-BTP để kê biên, xử lý tài sản luôn, trong khi chưa yêu cầu Tòa án phân chia cụ thể phần tài sản, quyền sử dụng của từng thành viên trong khối tài sản chung dẫn đến có nhiều vụ việc gặp khó khăn đến nay chưa giải quyết xong.

Bốn là, về nghĩa vụ giao nộp tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ,

Tại Điều 81 Luật Thi hành án dân sự quy định: “trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án...”. Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho Chấp hành viên có thể chủ động hơn trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quy định này không có tính khả thi và không thực hiện được trên thực tế, bởi khi Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án thì người thứ ba không thực hiện giao nộp tiền và pháp luật cũng chỉ quy định người thứ ba có nghĩa vụ giao nộp tiền nhưng không quy định chế tài đối với người thứ ba không thực hiện giao nộp tiền. Do vậy, không thể xử lý trách nhiệm của người thứ ba khi họ không thực hiện giao nộp tiền được, gây khó khăn cho việc thi hành án vì chưa có chế tài xử lý đối với họ.

Năm là, vấn đề khấu trừ tiền trong tài khoản,

Quy định của Luật Thi hành án dân sự và Luật Bảo hiểm xã hội còn chưa thống nhất: Việc nghiên cứu cho thấy khấu trừ lương hưu, trợ cấp gặp khó khăn, trường hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội không phối hợp, không thực hiện việc chuyển tiền lương hưu, trợ cấp của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự theo quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên. Bởi vì, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án có trách nhiệm trong việc thực hiện khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án theo quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội quy định Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm “thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn” cho người lao động. Sự thiếu thống nhất này có thể dẫn tới có nơi cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ thực hiện việc cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến thu nhập của người phải thi hành án mà không thực hiện việc khấu trừ thu nhập theo yêu cầu của Chấp hành viên.

Mặt khác, Luật Thi hành án dân sự chưa có quy định về chế tài cụ thể đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện quyết định cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, Luật chỉ quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội trong việc phối hợp cưỡng chế nhưng chưa có chế tài cụ thể trong trường hợp các chủ thể này không thực hiện quyết định của Chấp hành viên nên có trường hợp khó thi hành án, có trường hợp đương sự có cơ hội tẩu tán tài sản.

Sáu là, về yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới trong bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của họ,

Tại Điều 288 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới:

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình…”.

Và tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định hoặc xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự…”.

Theo quy định nêu trên, trường hợp bản án của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới đã xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người và 01 hoặc một số người trong số những người phải thi hành án đã thi hành xong phần nghĩa vụ của mình mà có điều kiện thi hành (có tài sản) thì Chấp hành viên vẫn có quyền yêu cầu họ phải thi hành phần nghĩa vụ thay cho người khác (người không có điều kiện để thi hành án), trường hợp họ không tự nguyện thi hành thì có thể bị cưỡng chế (kê biên tài sản) để thi hành án (theo Điều 46 Luật THADS).

Qua thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự nhận thấy, đối với bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, việc yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới chỉ có thể thực hiện được nếu họ tự nguyện thi hành thay cho người khác. Trường hợp họ không tự nguyện thi hành bởi họ đã thực hiện xong phần nghĩa vụ của mình theo quyết định của bản án thì sẽ bị cưỡng chế (kê biên tài sản) để thi hành án (theo Điều 46 Luật THADS). Như vậy, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không và trong trường hợp này họ có quyền khiếu nại quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên? Thiết nghĩ cần có quy định cụ thể.

Bảy là, mức giảm giá khi không có người tham gia đấu giá,

Điều 104 của Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung) năm 2014, quy định xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành. Tại khoản 1 quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá. Trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản. Trong trường hợp 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về mức giảm giá thì Chấp hành viên quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá”.

Theo nguyên tắc, tài sản của người phải thi hành án khi được bán đấu giá nếu không có người mua thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần bán liền kề trước đó cho đến khi có người mua tài sản, nhưng không được thấp hơn chi phí cưỡng chế (trên thực tế có trường hợp giảm trên 10 lần nhưng không có người mua). Điều 104 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014: mỗi lần giảm giá không quy định phải có sự tham gia của Cơ quan chuyên môn, nên Viện kiểm sát khó có căn cứ để kiến nghị, kháng nghị (nếu có vi phạm). Điều này trái với Điều 12 của Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014; vì quyết định giảm giá cũng là quyết định về thi hành án. Về giảm giá như vậy sẽ làm giảm giá trị tài sản thì không đảm bảo được quyền và lợi ích cho người phải thi hành án. Đồng thời thi hành án sẽ kéo dài thậm chí không thi hành được…

* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật nói chung hiện nay chưa đồng nhất, pháp luật về THADS còn nhiều bất cập như đã nêu,  cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn xã hội.

Thứ hai, việc tuân thủ các quy định về nghiệp vụ của một số Chấp hành viên đôi lúc chưa cao; vẫn còn tình trạng Chấp hành viên chưa chủ động thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình tác nghiệp thi hành án dân sự, để xảy ra những sai sót, vi phạm.

Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành hoặc lợi dụng kẻ hở của pháp luật để  khiếu nại nhằm mục đích trì hoãn, kéo dài thời gian.

Thứ tư, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự đôi lúc chưa được kịp thời và thống nhất, dẫn đến công tác giải quyết việc thi hành án còn gặp khó khăn.

Từ thực tiễn khó khăn, vướng mắc, bất cập của Luật THADS và văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên, để hoàn thiện Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo quan điểm tác giả cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số nội dung kiến nghị, đề xuất cụ thể như sau:

* Kiến nghị:

Một là, đối với việc quy định về cung cấp thông tin tài sản của người phải thi hành án theo Điều 31 Luật THADS, theo quan điểm của tác giả cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng: bãi bỏ điều luật này, bởi Điều luật đưa ra nội dung trên chỉ mang tính hình thức, thiếu tính khả thi khó thực hiện trên thực tế.

Hai là, đối với việc quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo Điều 61 Luật THADS, theo quan điểm của tác giả, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng: người phải thi hành án đã thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước thì không tính lãi chậm thi hành vào phần nghĩa vụ phải thi hành án phải thực hiện.

Ba là, đối với việc quy định về kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo Điều 74 Luật THADS, theo quan điểm của tác giả, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng thống nhất: Chấp hành viên chỉ được quyền xử lý tài sản chung hộ khi quyết định phân chia cụ thể của Tòa án hoặc bãi bỏ phần nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định hướng dẫn chi tiết Luật THADS (phù hợp với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS).

Bốn là, đối với việc quy định về vấn đề khấu trừ tiền trong tài khoản theo Điều 76 Luật THADS, theo quan điểm của tác giả, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng: Cần quy định bổ sung chế tài cụ thể trong trường hợp các cơ quan, tổ chức liên quan không thực hiện quyết định hoặc yêu cầu phối hợp của Chấp hành viên trong việc khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

Năm là, đối với việc quy định về nghĩa vụ giao nộp tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ theo Điều 81 Luật THADS, theo quan điểm của tác giả, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng: Cần nghiên cứu, bổ sung trong Luật THADS quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba trong trường hợp họ đang giữ tiền, giấy tờ có giá hoặc tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý của người phải thi hành án, khi không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao tiền, tài sản, giấy tờ có giá đó. Đồng thời, cần quy định bổ sung chế tài cụ thể đối với người thứ 3 đang giữ tiền của người phải thi hành án mà không chịu giao nộp cho Cơ quan THADS.

Sáu là, đối với việc quy định về yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới trong bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của họ theo Điều Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, theo quan điểm của tác giả, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng: Cần quy định cụ thể việc Cơ quan thi hành án yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới trong bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của họ chỉ được thực hiện trong trường hợp họ tự nguyện thi hành thay cho người khác.

Bảy là, đối với việc quy định về mức giảm giá khi không có người tham gia đấu giá theo Điều 104 Luật THADS, theo quan điểm của tác giả, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng: Cần quy định cụ thể mức giảm giá khi không có người tham gia đấu giá hiện nay và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể như quy định giảm giá xuống không quá bao nhiêu lần trên một việc thi hành án. Đồng thời, cần quy định bổ sung thẩm quyền của Viện kiểm sát, được kiểm sát cơ quan, tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, đảm bảo bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành nghiêm minh, góp phần bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

 * Đề xuất, giải pháp:

Một là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công an, Tòa án, VKS, THADS trong việc ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản.

Hai là, Liên ngành Tòa án - Viện kiểm sát - Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan cần thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.

Trên đây là kết quả tổng hợp một số bất cập của Luật THADS và văn hướng dẫn thi hành trong thực tiễn về công tác kiểm sát THADS, HC tại địa phương thời gian qua, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguyễn Minh Tâm - Viện KSND TP Cao Lãnh