Xuất bản thông tin

null Bàn luận về lãi suất Hợp đồng tính dụng trong loại hình vay tín chấp

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Bàn luận về lãi suất Hợp đồng tính dụng trong loại hình vay tín chấp

Loại hình vay tín chấp một mặt phát huy yếu tố tích cực, góp phần hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình mua sắm hàng hóa, dịch vụ, bên cạnh đó còn một số vấn đề cần quan tâm

= = = = =

Việc các tổ chức tín dụng cho vay mục đích tiêu dùng đối với cá nhân đã phát huy yếu tố tích cực, góp phần hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu cần thiết của ban thân và gia đình, kích cầu, góp phần cho kinh tế phát triển. Loại hình cho vay này hiện đang phổ biến. Tuy nhiên, ngoài khoản vay không có tài sản bảo đảm, vấn đề lãi suất cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp giữa một số Tổ chức tín dụng và người vay thuộc loại hình này trong thời gian gần đây.

 

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự năm 2020, Kiểm sát viên ghi nhận có một số vụ án mà lãi suất cho vay trong hạn của một số Tổ chức tín dụng đối với loại hình cho vay tiêu dùng tín chấp dao động từ 33%/năm đến 45%/năm tại thời điểm giải ngân, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Vấn đề đặt ra là việc Tổ chức tín dụng cho vay với mức lãi suất như nêu trên có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Giải quyết tranh chấp lãi suất này như thế nào?

Có nhiều quan điểm cho rằng, mức lãi suất Tổ chức tín dụng cho vay trong hạn đối với loại hình này đến 45%/năm (hoặc có thể cao hơn nữa, miễn sao dưới 100%/năm) là không vi phạm pháp luật, vì đây là sự thỏa thuận của Tổ chức tín dụng và người vay, phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khác hàng”, bởi vì:

- Khoản 2 Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật.

- Khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định:

“Điều 13. Lãi suất cho vay

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Như vậy, loại hình cho vay tiêu dùng tín chấp không thuộc 05 lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước giới hạn lãi suất cho vay tối đa. Đồng thời, theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…cũng chỉ quy định nếu cho vay lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định, mà có cầm cố tài sản thì mới bị xử phạt. Loại hình cho vay tín chấp không có cầm cố tài sản nên lãi suất được thỏa thuận tự do, miễn sao không vi phạm pháp luật hình sự.

Ngoài ra, tại khoản 1, khoản 2, Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định:

Điều 7. Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng

1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.

2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.”

Cho nên, mặc dù mức lãi suất mà Tổ chức tín dụng cho vay cao đến đâu, miễn không chạm mức lãi suất do pháp luật hình sự cấm, thì đều phải được công nhận.

Quan điểm tôi cho rằng, khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng mà không quy định mức lãi suất tối đa, là chỉ chú trọng đến quy luật kinh tế thị trường, thiếu tính định hướng (ngoại trừ 05 loại hình cho vay quy định tại khoản 2). Trong khi đó, khoản 2 Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng quy định việc thỏa thuận về lãi suất giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng phải “theo quy định pháp luật”, quy định này không trái với quy định về lãi suất tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch dân sự, hạn chế tranh chấp xảy ra, cần đề xuất Ngân hàng Nhà nước có quy định hướng dẫn mức lãi suất cho vay tối đa đối với tất cả các loại hình cho vay, trong đó có loại hình cho vay tiêu dùng tín chấp.

Lê Thành Biên - Phòng 9