Xuất bản thông tin

null Kiểm sát chặt chẽ công tác xem xét thẩm định tại chỗ, Góp phần giảm hủy án tranh chấp đất đai

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Kiểm sát chặt chẽ công tác xem xét thẩm định tại chỗ, Góp phần giảm hủy án tranh chấp đất đai

Công tác xem xét thẩm định tại chổ cần kiểm sát chặt chẽ hơn về tính hợp pháp, hợp lý để làm cơ sở giải quyết vụ án

= = = 

Các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất bao giờ cũng là những vụ kiện phức tạp, khó giải quyết, nhưng khó không có nghĩa là không giải quyết được hoặc giải quyết thế nào cũng được. Thực tế xét xử thời gian qua Tòa án nhân dân giải quyết rất nhiều vụ kiện tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất, kết quả cấp phúc thẩm xét xử hủy, sửa cũng không ít. Để đảm bảo cho các Bản án, quyết định giải quyết của Tòa án đúng pháp luật mang tính khả thi ngoài việc Viện kiểm sát phải phát hiện kịp thời những vi phạm để kháng nghị còn phải đảm bảo tính hợp lý và hợp pháp trong quá trình tổ chức thi hành án.

Thực tế trong những năm gần đây, bản án tuyên về diện tích cũng nhưng ranh giới, vị trí thửa đất có sự chồng chéo, thiếu rõ ràng, chưa đầy đủ, chi tiết nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Điều đó cũng là hệ lụy của công tác thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ chưa chuyên sâu, quy trình, kỹ năng chưa chặt chẽ và cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

 

Có thể nói xem xét thẩm định tại chỗ là một trong những biện pháp xác minh thu thập chứng cứ do Tòa án thực hiện, có sự tham gia chứng kiến của đại diện UBND hoặc cơ quan, tổ chức quản lý nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định  nhằm giúp cho cơ quan tố tụng xác định chính xác diện tích, thửa đất có tranh chấp, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Quá trình xem xét, thẩm định tại chỗ có thể coi là giải pháp giảm hủy án có liên quan đất đai trong tố tụng dân sự; qua đó kịp thời yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ, nhằm hạn chế thấp nhất án hủy, phục vụ tốt nhất cho công tác thực hiện quyền yêu cầu và quyền kháng nghị của viện kiểm sát. 

Để hạn chế án hủy, sửa có trách nhiệm của Kiểm sát viên. Ngoài việc mỗi kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ từng văn bản tố tụng, xác định tính hợp pháp và tính đầy đủ của các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thông qua việc kiểm tra các biện pháp thu thập chứng cứ, xác định nguồn chứng cứ, làm rõ nội dung vụ án, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật nội dung để xác định đường lối giải quyết vụ  án, nắm vững Luật đất đai, những văn bản pháp luật về đất đai, những Điều luật có liên quan đến quyền sử dụng đất trong Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 ... Phải  biết kết hợp với việc vận dụng từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành, phải tự rút kinh nghiệm từ những lần thiếu sót của bản thân trong hoạt động xét xử các tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất, phải thường xuyên tiếp cận, cập nhật các văn bản pháp luật mới quy định về quản lý đất đai và quyền sử dụng đất để tránh sự lạc hậu khi áp dụng căn cứ pháp luật thì Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực phối hợp với Toà án để cùng tham gia khi Tòa án tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Sau khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa và kiểm sát bản án của Tòa án sau này thì Kiểm sát viên cần chú ý những vấn đề sau:

+ Kiểm tra và đối chiếu nội dung đương sự khởi kiện với diện tích đất tranh chấp được xác định trong biên bản thẩm định, đảm bảo phải có sự thống nhất của các bên giáp ranh (tứ cận), đảm bảo phải có sự thống nhất giữa nội dung thẩm định với những tài liệu chứng cứ khác. Nếu không rõ hoặc không thống nhất cần yêu cầu Tòa án tiếp tục xác minh thu thập chứng cứ thêm.

+ Khi kiểm sát kết quả thẩm định, Kiểm sát viên phải xác định đất tranh chấp được hình thành trong điều kiện hoàn cảnh nào, do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hay được công nhận quyền sử dụng đất; nếu đất do người sử dụng khai hoang, lấn chiếm thì phải xem xét đối chiếu với quy định của Luật đất đai qua từng thời kỳ để xem xét có đủ điều kiện được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hay không...để làm cơ sở xác lập quyền sở hữu hợp pháp cho đương sự. Đồng thời phải xem xét kết quả thẩm định làm rõ trên đất có tài sản gì, của ai, do ai tạo dựng, từ thời gian nào để làm cơ sở cho việc xác lập, hay chấm dứt một quan hệ sở hữu.

+ Khi nghiên cứu kết quả thẩm định, Kiểm sát viên cần xem xét đến khả năng thi hành của bản án trên thực tế. Nếu trên đất có tài sản thì cần nghiên cứu để xác định: Quyền sở hữu tài sản này thuộc về ai, do ai đang quản lý, giá trị tài sản này bao nhiêu, nằm vị trí nào trên đất có tranh chấp. Từ đó, bản án sơ thẩm phải giải quyết triệt để để bản án có khả năng thi hành, tránh tình trạng đất giao cho một bên nhưng tài sản trên đất vẫn thuộc quyền sở hữu của một hoặc nhiều người khác, nên bản án không thể thi hành được khi án phát sinh hiệu lực pháp luật.

+ Sau khi xét xử, Kiểm sát viên cần tập trung nghiên cứu về trình tự, thủ tục thẩm định, đối chiếu giữa nội dung Biên bản thẩm định với nội dung bản án nhận định và quyết định để tìm ra những bất cập, những vi phạm trong bản án.

+ Bên cạnh đó, để đảm bảo kiểm sát chặt chẽ việc xem xét thẩm định tại chỗ, kiểm sát viên cần nghiên cứu và thực hiện đúng theo tinh thần Thông báo số 561/TB-TA ngày 28 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc xem xét thẩm định tại chỗ giải quyết án.

+ Trong quá trình giải quyết vụ án có thể có nhiều mãnh trích đo (do thời gian tranh chấp kéo dài có sự thay đổi về hiện trạng, do đương sự thay đổi yêu cầu v.v) thì sau khi ban hành bản án chính thức, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa cần đính kèm mảnh trích gắn với nội dung tuyên án vào bản án gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án để đảm bảo cho quá trình thi hành án được chính xác, đồng thời cũng để theo dõi nội dung vụ án một cách xuyên suốt.

Căn cứ Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác định rõ công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2021 và nhiệm kỳ tới. Do đó, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, từng cán bộ, kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết việc tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất, cần xác định đây là khâu công tác rất quan trọng, bởi nó bảo đảm cho Tòa án thụ lý vụ việc đúng thẩm quyền và ra bản án, quyết định có căn cứ pháp luật, đồng thời phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát, góp phần ngăn chăn vi phạm pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả khai thác quyền sử dụng đất, bảo về quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Ngọc Oanh – Viện KSND Thành phố Hồng Ngự