Xuất bản thông tin

null Hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự - thực trạng và một số kiến nghị giải pháp

Chi tiết bài viết VKS_ANNINH_TRATTU_CHUYENVUAN

Hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự - thực trạng và một số kiến nghị giải pháp

Hướng dẫn Bộ luật Hình sự là điều cần thiết trong quá trình đưa Bộ luật Hình sự vào áp dụng trong đời sống xã hội

= = = =

Thực trạng việc hướng dẫn pháp Bộ luật Hình chưa kịp thời, không đúng quy định, hướng dẫn ở nhiều cấp, nhiều ngành, chưa được hệ thống hóa, chưa thống nhất với nhau. Từ đó, trong thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự gặp rất nhiều khó khăn.Trên cơ sở phân tích, tác giả kiến nghị hoàn thiện quy định về hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự để đáp ứng yêu cầu áp dụng pháp luật hiện nay.

  1. Đặt vấn đề

Khi xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền luôn cố gắng tới mức cao nhất dự liệu trước những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) có thể xảy ra trong thực tế đời sống xã hội cần phải điều chỉnh, nhưng do đời sống xã hội hết sức đa dạng, phức tạp, hành vi vi phạm pháp luật phát sinh theo tiến trình phát triển của xã hội nên việc ban hành quy định pháp luật hình sự cũng thay đổi theo. Cụ thể từ năm 1985 đến nay với 35 năm nhưng đã 03 lần pháp điển hóa với 03 Bộ luật Hình sự (BLHS) (BLHS 1985; 1999 và 2015) có đến 8 lần sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là lần sửa đổi 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện. Dù ban hành tương đối kịp thời, nhưng vẫn chưa đảm bảo áp dụng trong đời sống xã hội, bởi để pháp luật thực hiện đầy đủ, chính xác điều quan trọng là phải nhận thức đúng, chính xác, đầy đủ nội dung của quy phạm pháp luật.

Để kịp thời giúp cho cơ quan, cá nhân trong ngành mình, nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự có thể với hình thức hướng dẫn hoặc chỉ dẫn, giải đáp…cho các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như những người áp dụng pháp luật hình sự. Do không phải là văn bản hướng dẫn được ban hành theo Luật an hành văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là giải thích nên còn nhiều điểm chưa thống nhất, bởi đó là sự nhận thức của từng cá nhân. Văn bản chỉ dẫn ở nhiều cấp, nhiều ngành, chưa được hệ thống hóa, chưa thống nhất với nhau và chưa kịp thời, không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc Hội Về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13,Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13  (Nghị quyết số 41/2017/QH14);

  1. Một số bất cập của văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự

2.1. Văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình không đúng thẩm quyền

Theo Điều 3 Nghị quyết số 41/2017/QH14, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Mục 2 Chương XII của BLHS năm 2015. Nhưng khi ban hành văn bản quy định, Chính phủ lại ban hành nghị định hướng dẫn (Nghị định số 52/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng; Nghị định số 53/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành các hình phạt cấm cư trú và quản chế; Nghị định số 54/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất…). Bộ Công an lại ra văn bản hướng dẫn áp dụng BLHS, điển hình như: Công văn số 552/c44 ngày 23/02/2018 của Bộ Công an về hướng dẫn xử lý TNHS đối với người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng chất ma túy;…

Viện KSND tối cao và TAND tối cao không ban hành văn bản hướng dẫn nhưng ra nhiều văn bản với tính chất hướng dẫn với hình thức là giải đáp (Giải đáp số 01-2017-GĐ-TANDTC ngày 7-4-2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ…;Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của Viện KSND tối cao V/v giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự…).

Vì không phải là cơ quan hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, nhưng với trách nhiệm giải đáp cho cán bộ trong ngành nhận thức pháp luật hình sự, Viện KSND Tối cao cũng ban hành nhiều văn bản. Với việc giải đáp của ngành kiểm sát thì cán bộ trong ngành nghiên cứu thực hiện, tuy nhiên đối với cán bộ ngành Tòa án thì có nơi vận dụng, nơi không. Điển hình mục 14.I Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của Viện KSND tối cao V/v giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự giải đáp về “ đơn vị dụng cụ, phương tiện” quy định tại Điều 254 BLHS thì nỏ thủy tinh là một đơn vị dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy.

2.2. Văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự không thống nhất, không đồng bộ

Việc ban hành văn bản của nhiều cơ quan chưa thống nhất và đồng bộ, điển hình như việc hướng dẫn về tình tiết phạm tội lần đầu” … được quy định tại điểm i khoản 1Điều 51 và 66 BLHS 2015.

Theo Mục 4.I Giải đáp số 01-2017-GĐ-TANDTC 07-4-2017 của Tòa án nhân dân Tối cao thì “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP 24-4-2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 66 và 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn quy định về “Phạm tội lần đầu”: “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a” Trước đó chưa phạm tội lần nào; “b” Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; “c” Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; “d” Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.”

Theo tác giả Đinh Văn Quế thì: Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào, nếu các lần phạm tội trước đó đã bị xử lý và đã hết thời hiệu thì lần phạm tội mới này không được coi là phạm tội lần đầu. Cũng thống nhất với quan điểm trên, theo tác giả Nguyễn Ngọc Hòa thì: Phạm tội lần đầu là trường hợp lần đầu tiên phạm tội

Trong một khái niệm Phạm tội lần đầu” quy định trong BLHS 2015 lại có đến 2 văn bản hướng dẫn áp dụng. Về nguyên tắc theo  khoản 2 và 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì:

(2) Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.(3)Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”

Quy định trên cho thấy vấn đề Phạm tội lần đầu” lẽ ra cần có một sự thống nhất chung để áp dụng trong Bộ luật Hình sự. Nếu dựa trên hiệu lực quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ áp dụng theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP (bởi Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là văn bản quy phạm pháp luật còn Giải đáp số 01-2017-GĐ-TANDTC  chỉ là văn bản giải thích luật của TANDtối cao đồng thời ban hành trước Nghị quyết, trái với Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, Tuy nhiên trên thực tế, các Thẩm phán áp dụng Phạm tội lần đầu” khác nhau ở từng trường hợp Cụ thể đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS thì áp dụng Mục 4.I Giải đáp số 01-2017-GĐ-TANDTC 7-4-2017 còn khi áp dụng tình tiết thực hiện điều 66 và 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn thì vận dụng khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP 24-4-2018 để xử lý. Về nguyên tắc áp dụng hiệu lực trở về trước của văn bản thấy rằng Giải đáp số 01-2017-GĐ-TANDTC 7-4-2017 chỉ hướng dẫn đối với BLHS 1999 không có giá trị pháp lý đối với BLHS 2015 nhưng vẫn vận dụng cho BLHS 2015 với nhận định là tham khảo.

2.3. Văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự không kịp thời, thiếu sự hệ thống hóa

BLHS 2015 tuy có nhiều sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều quy định rất chung chung, rất khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn. Điển hình như quy định về “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong các tội xâm phạm về sở hữu hay các tội xâm phạm trật tự công cộng, đến thời điểm hiện nay trên 05 năm kể từ ngày ban hành BLHS 2015 và 02 năm áp dụng trên thực tiễn nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành; Một số quy định trong tội các tội xâm phạm an toàn giao thông khi hậu quả xảy ra nghiêm trọng hơn thì lại áp dụng khoản phạm tội nhẹ hơn…nhưng vẫn chưa có hướng dẫn áp dụng hay điều chỉnh.

Có những văn bản chỉ hướng dẫn khái niệm mà BLHS chưa được pháp điển hóa nhưng trên thực tiễn hiện nay vẫn tham khảo áp dụng, điển hình như Công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 của Toà án nhân dân tối cao giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ”: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…” cho đến hiện nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào khái niệm về tính côn đồ, gần đây nhất ngày 17 tháng 10 năm 2018 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án TAND tối cao. Nhưng đây cũng chỉ là giới thiệu riêng lẽ một vấn đề mà chưa bao hàm hết nội dung khái niệm về tính chất côn đồ được áp dụng trong pháp luật hình sự. Chính vì việc mang yếu tố định tính việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không chủ yếu dựa vào cảm quan của người đánh giá nên trên thực tiễn rất nhiều vụ án hình sự bị hủy, sửa án, điển hình như: Thông báo rút kinh nghiệm số 529/TB-VKSTC-VPT1 ngày 13/8/2014 của Viện KSND tối cao; Thông báo rút kinh nghiệm số 554/TB-VKSTC ngày 16/11/2018 của Viện KSND tối cao;Thông báo rút kinh nghiệm số 54/TB-VC1-HS ngày 27/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao Hà Nội.

Tương tự, quy định về “Phạm tội có tổ chức” được quy định tại khoản 2 Điều 17 BLHS 2015. Về khái niệm được quy định trong BLHS thì “Phạm tội có tổ chức thì là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Nhưng thế nào là có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, cho đến nay vẫn áp dụng hướng dẫn tại mục I Nghị quyết số 02-/HĐTP/NQ 16/11/1988 Hướng dẫn bổ sung NQ số 02-HĐTP 05-01-1986, mặc dù Nghị quyết trên là hướng dẫn BLHS đầu tiên (BLHS 1985).

Trên cơ sở rà soát văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn BLHS 2015 từ khi ban hành đến nay thì có rất ít văn bản hướng dẫn áp dụng, cụ thể chỉ có 09 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong khi đó việc áp dụng pháp luật cần phải tham khảo, vận dụng 13 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Từ 1986- 2010) hay đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có Thông tư liên tịch nào của liên ngành Trung ương hướng dẫn áp dụng BLHS 2015.

Việc hướng dẫn và áp dụng như thế nào, có đủ tính thuyết phục hay không khi văn bản hướng dẫn đã hướng dẫn pháp luật hình sự từ BLHS đầu tiên đã qua 8 lần sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt những văn bản đã có từ những 44 năm trước khi chưa có BLHS.

Mặc dù tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật quy định “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”, nhưng thấy rằng đất nước ta đến thời điểm hiện nay chúng ta có 235 Luật, Bộ luật còn hiệu lực và sắp có hiệu lực, thể hiện quá trình lập pháp của Nhà nước ta rất được chú trọng. Tuy nhiên, về thực tiễn khi đưa luật vào áp dụng còn rất nhiều bất cập. Nói riêng về BLHS thì việc chưa cụ thể, chưa rõ ràng đã làm oan người vô tội, xét xử chưa đảm bảo công bằng trong xã hội. Bên cạnh đó, lợi dụng vào sự thiếu sót này nhiều cán bộ thực hiện nhiệm vụ đã cố tình áp dụng để có lợi theo ý muốn của họ. Khi sự việc xảy ra, họ có đủ lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mình, từ đó nhiều tiêu cực phát sinh, giảm lòng tin đối với nhân dân.Từ đó, chúng tôi thấy rằng việc xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự một cách tập trung là rất cần thiết.

 2.4. Văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự chưa rõ nghĩa

Không được ban hành với loại hình văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự nhưng nhiều văn bản với hình thức chỉ dẫn của Tòa án nhân dân tối cao được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thực hiện. Tuy nhiên thực trạng nhiều văn bản hướng dẫn chưa rõ nghĩa dẫn đến người tiếp cận đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Điển hình tại Mục 9.I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân Tối cao “ về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử”, (Công văn 89/TANDTC-PC) hướng dẫn đối với tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 BLHS. Trong đó cho rằng “Người khác ở trong trường hợp này được hiểu là bất kỳ người nào, trừ người giao phương tiện giao thông”. Với sự giải đáp này, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Ý kiến thứ nhất cho rằng: Người khác, tức là người bị đối tượng điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản; còn ý kiến thứ hai cho rằng: Người khác, ngoài người bị đối tượng điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản còn có cả người điều khiển phương tiện, tức là người được giao phương tiện, chỉ trừ người giao phương tiện mà thôi.

3. Những kiến nghị hoàn thiện

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, để đảm bảo việc nhận thức, áp dụng pháp luật trong thực tiển, chúng tôi  có một số kiến nghị sau:

(1) Quốc hội cần mở rộng thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự, định hướng là Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… dưới hình thức thông tư liên tịch để hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất cùng với quy định hiện có là quyền hướng dẫn của TAND tối cao. Việc mở rộng trên phù hợp với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(2) Trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cần định hướng: Những vấn đề có thể giải thích thì giải thích ngay trong luật, những vấn đề có thể thay đổi thường xuyên thì nên quy định có cơ chế linh hoạt để đảm bảo tính ổn định của BLHS. Hạn chế đến mức thấp nhật việc hướng dẫn, chỉ dẫn áp dụng pháp luật hình sự vì tính đặc thù của pháp luật hình sự liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã đưa ra nguyên tắc hiến định “ Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…”.

(3) Trong phạm quy, quyền hạn và trách nhiệm của mình, Tòa án nhân dân tối cao kịp thời tổng kết thực tiễn xét xử, tự ban hành hay phối hợp các cơ quan liên quan có thẩm quyền ở Trung ương hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự thống nhất.

(4) Thực hiện kịp thời Nghị quyết 41 của Quốc hội, Chính phủ, liên ngành Trung Ương khẩn trương phối hợp rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành về pháp luật hình sự, trên cơ sở đó thống nhất ban hành thành một văn bản chung hướng dẫn áp dụng các vấn đề chưa rõ trong Bộ luật Hình sự.

(5) Tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật cũng như văn bản hưởng dẫn áp dụng pháp luật hình sự nói riêng. Với trách nhiệm Hiến định, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng thẩm định, kiểm tra việc hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự, góp phần tăng cường quyền con người, quyền công dân.

(6) Hiện tại, để pháp luật được thi hành thống nhất, các cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ vận dụng văn bản ban hành theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Tòa án tối cao để tập trung thống nhất./.

Ths Ngô Văn Lượng - Bài đăng trên tạp chí lập pháp số 10 năm 2021