Xuất bản thông tin

null Hiệu quả thực hiện quyền Kiến nghị của Viện KSND TP Hồng Ngự

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Hiệu quả thực hiện quyền Kiến nghị của Viện KSND TP Hồng Ngự

Kiến nghị là quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành...

= = =

 

          Đây là hoạt động nhằm chỉ ra những vi phạm trong hoạt động tư pháp, yêu cầu cơ quan vi phạm khắc phục bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Quyền kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Theo đó, quyền kiến nghị được VKSND thực hiện khi phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị thì Viện kiểm sát sẽ kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm. Khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKSND theo quy định của pháp luật.

Theo điểm c, khoản 3, Điều 4 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định:

Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

c. Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.”

          Để thực hiện tốt và phát huy quyền năng pháp lý mà Quốc hội đã giao, đơn vị Viện KSND thành phố Hồng Ngự đã ban hành nhiều kiến nghị trong công tác kiểm sát mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo thành tích chung cho toàn đơn vị.

          Trong năm 2021, đơn vị đã chủ động đề ra nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này; thực hiện tốt chủ trương chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được khởi tố, điều tra xử lý kịp thời. Cụ thể:

- Ban hành 03 kiến nghị đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu khắc phục các vi phạm chủ yếu như: Chậm gửi Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; chậm gửi Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; việc chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết; Việc thông báo kết luận giám định; Chậm thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; Vi phạm trong việc thông báo kết quả tiếp nhận tố giác...

- Ban hành 02 kiến nghị đối với cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong việc: Không gửi quyết định phục hồi điều tra cho bị can; chậm ra Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn điều tra vụ án; Thống kê chưa đầy đủ tài liệu khi giao tài liệu, chứng cứ cho Viện kiểm sát; Tạm đình chỉ điều tra vụ án khi chưa hết thời hạn điều tra...

- Ban hành 04 kiến nghị đối với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan như: kiến nghị phòng ngừa tội phạm về chức vụ đối với trường Trung cấp Hồng Ngự; phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất hành phố Hồng Ngự; Ủy ban nhân dân xã Tân Hội để xảy ra tình trạng cán bộ có hành vi phạm tội; Ủy ban Nhân dân xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự để người dân lấy đất đào ao không theo quy hoạch.

- Ban hành 02 kiến nghị, nội dung kiến nghị chủ yếu trong việc khắc phục thiếu sót trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân (về nội quy phiên Tòa; vi phạm thủ tục bắt đầu phiên tòa; chậm gửi quyết định phân công thẩm phán…).

Các kiến nghị của Viện kiểm sát ban hành đều được các cơ quan tiếp thu, khắc phục những thiếu sót, vi phạm, góp phần đảm bảo việc điều tra được đầy đủ, toàn diện, không có trường hợp nào phải đình chỉ điều tra do không phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự trái pháp luật, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạo vị trí là cơ quan trung tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố trong điều tra và giám sát việc thực hiện…

          Để có cơ sở làm căn cứ kiến nghị, lãnh đạo Viện kiểm sát thành phố đã chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện những biện pháp:

- Theo dõi ghi chép, tổng hợp vi phạm của Cơ quan điều tra, lập biên bản trong quá trình kiểm sát đối với việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm làm căn cứ kiến nghị, do vậy đối với các kiến nghị trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát đều được Cơ quan Cảnh sát điều tra chấp nhận, khắc phục sửa chữa. Nhờ làm tốt công tác này nên trong năm không phát sinh đơn thư, khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát.

          - Nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Lãnh đạo Viện kiểm sát thành phố Hồng Ngự chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện đúng và đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của Ngành; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, do đó các vụ án hình sự đã được Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố, tiến độ, kết quả điều tra. Đặc biệt quan tâm, chú trọng trong việc tổng hợp các vi phạm trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra.

          - Kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý của Tòa án, thời hạn xét xử, hoạt động của Hội đồng xét xử, việc ban hành bản án. Tăng cường các biện pháp kiểm sát chặt chẽ, toàn diện hoạt động xét xử, các bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm và kiên quyết kiến nghị yêu cầu khắc phục.

- Trước khi ban hành kiến nghị cần thu thập các thông tin phản hồi từ phía bị kiến nghị, lắng nghe những ý kiến giải trình để xem xét, cân nhắc, chỉ kiến nghị, đối với những vi phạm pháp luật đã rõ về căn cứ pháp luật, nội dung kiến nghị, cần ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Trước mắt những vấn đề còn nhận thức khác nhau thì Viện kiểm sát chưa ban hành kiến nghị mà nên báo cáo thỉnh thị cấp trên tạo được sự hài hòa, gắn kết với nhau giữa các cơ quan.

- Lãnh đạo đơn vị luôn giữ được mối quan hệ tốt đối với cấp ủy địa phương, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa liên ngành tư pháp địa phương để kịp thời giải quyết những tồn tại khó khăn, vướng mắc, thống nhất nhận thức trong việc áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan nên trong thời gian qua đơn vị đã tiến hành phối hợp ký kết quy chế phối hợp bảo đảm hạn chế thấp nhất việc xảy ra vi phạm và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của kiến nghị khi Viện kiểm sát ban hành được các cơ quan chấp nhận, tiếp thu, nghiêm túc thực hiện.

Lãnh đạo Viện phổ biến văn bản chỉ đạo thực hiện công tác

Thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận.

          Hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng tuân thủ các quy định của pháp luật, chất lượng giải quyết án ngày càng cao, không xảy ra oan sai lọt tội, quan điểm giữa Viện kiểm sát và các Cơ quan tiến hành tố tụng khác cơ bản phù hợp về tội danh, điều luật áp dụng. Góp phần giữ vững ổn định, trật tự xã hội ở địa phương, vai trò, vị thế của ngành kiểm sát được nâng lên.

Xây dựng hệ thống các cơ quan trong khối nội chính trên địa bàn thành phố Hồng Ngự vững về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật.

          Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả quyền kiến nghị trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự trong thời gian tới Viện kiểm sát thành phố Hồng Ngự sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát hiện, tổng hợp vi phạm để ban hành kiến nghị.

          Quán triệt, nâng cao ý thức cán bộ, Kiểm sát viên có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, tự nghiên cứu, học tập, đặc biệt là các quy định mới pháp luật, để nâng cao kỹ năng kiểm sát, trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác được giao.

Lam Điền