Asset Publisher

null Hoàn thiện căn cứ xác định vật chứng trong vụ án hình sự

Trang chủ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Hoàn thiện căn cứ xác định vật chứng trong vụ án hình sự

Hoàn thiện căn cứ xác định vật chứng trong vụ án hình sự...

= = =

Ngô Văn Lượng[1]

Tóm tắt: Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Thực tiễn quá trình áp dụng pháp luật cho thấy việc xác định vật chứng chưa thống nhất. Qua bài viết, tác giả phân tích một số quan điểm liên quan đến việc xác định vật chứng trong thực tiễn, từ đó đề xuất giải pháp áp dụng pháp luật thống nhất về căn cứ xác định vật chứng.

 

1. Cơ sở xác định vật chứng trong vụ án hình sự

Khái niệm vật chứng được cụ thể quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, theo đó “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án[2]. Tuy được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2015 và được đề cặp từ những văn bản, quy định trước đây như: Công văn số 98-NCPL ngày 02/3/1974 của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao:“ Vật chứng là những vật mà kẻ phạm tội đã dùng để thực hiện tội phạm như: hung khí dùng để giết người, búa kìm dùng phá cửa, cạy tủ, điện đài, truyền đơn, con dấu giả hoặc những vật mà kẻ phạm tội lấy được do việc phạm tội, hoặc những vật mà kẻ phạm tội đánh rơi, bỏ quên tại hiện trường…[3]. Thông tư số 03-TT/LB ngày 23/4/1984 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, TAND tối cao, Bộ tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định về chế độ bảo quản, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án hình sự: “Vật chứng là những vật dùng vào việc phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật có liên quan đến hành vi phạm tội, cũng như tiền bạc hay tài sản khác có được bằng con đường phạm tội…”, dù được kế thừa và bổ sung qua BLTTHS năm 1988; năm 2003. Tuy nhiên, cho đến nay việc xác định vật chứng trong vụ án hình sự còn nhiều quan điểm khác nhau.

2. Việc xác định vật chứng của một số cơ quan tiến hành tố tụng

2.1. Hình ảnh của đối tượng bị tác động được xác định vật chứng

Trong vụ án cướp giật tài sản xảy ra ngày 28/02/2023, ngày 28/3/2023 và 19/4/2023 tại thành phố CT. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiếp nhận bản phô tô giấy chứng minh nhân dân và hộ chiếu của bị hại H cùng với 03 ảnh chụp đoạn dây chuyền, 06 ảnh chụp sợi dây chuyền bị hại T và S  trước khi bị chiếm đoạt, 01 giấy mua dây chuyền, 01 giấy cân trọng lượng dây chuyền…Viện kiểm sát CT cho rằng: bản phô tô giấy chứng minh nhân dân và hộ chiếu của bị hại H cùng với 09 ảnh dây chuyền bị hại T và S trước khi bị chiếm đoạt, 01 giấy mua dây chuyền, 01 giấy cân trọng lượng dây chuyền… là vật chứng của vụ án và đề nghị Tòa án tịch thu lưu hồ sơ vụ án. Trong phần nhận định, Hội đồng xét xử cho rằng các giấy tờ liên quan đến tài sản (bản phô tô) do người bị hại giao nộp đã được cơ quan điều tra lưu vào hồ sơ vụ án (có dấu bút lục) nên không đặt ra xem xét[4].

Từ quy định về vật chứng cho thấy, để xác định là vật chứng thì vật đó phải có liên quan đến hành vi của tội phạm, có thể là những vật do người phạm tội sử dụng hay người phạm tội tác động đến. Tùy theo loại tội phạm mà một số tài sản như giấy tờ có giá có thể là đối tượng của tội phạm tác động đến nên được xem là vật chứng. Tuy nhiên, những tài sản này phải là bản gốc chứ không phải là hình ảnh chụp lại hay bản phô tô. Như vậy, việc xác định bản phô tô giấy chứng minh nhân dân và hộ chiếu của bị hại H cùng với 09 ảnh chụp sợi dây chuyền của các bị hại trước khi bị chiếm đoạt, 01 giấy mua dây chuyền, … là vật chứng của vụ án thì chưa phù hợp với các đặc điểm của vật chứng vì đây chỉ là tài liệu liên quan đến căn cứ chứng minh nguồn gốc của vật chứng, nên chỉ được xem là nguồn chứng cứ (tài liệu khác) theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015.

2.2. Xác định thiết bị ngoại vi ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung, đối chất là vật chứng

Vụ án thứ nhất: Bản cáo trạng số 168/CT-VKSTPHD ngày 24/11/2020, VKSND thành phố HD truy tố bị cáo Nghiêm Công Th về tội: “Trộm cắp tài sản” theo điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự. Trong phần đề nghị xử lý vật chứng, VKSND căn cứ điểm c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự đề nghị Tòa án lưu giữ 02 đĩa DVD sao lưu camera và chứa video hình ảnh ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung ngày 03/11/2020 trong hồ sơ vụ án. Bản án 173/2020/HS-ST ngày 31/12/2020 TAND thành phố HD, tỉnh HD cho rằng 02 đĩa DVD sao lưu camera và chứa video hình ảnh ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung ngày 03/11/2020 là vật chứng chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nên tuyên lưu giữ 02 đĩa DVD trong hồ sơ vụ án.

Vụ án thứ hai: Bản cáo trạng số 10/CT-VKSQ11 ngày 04/02/2021, VKSND Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh truy tố bị can T T T Tr tội danh “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Trong phần đề nghị xử lý vật chứng của vụ án, VKS cho rằng đĩa DVD ghi âm, ghi hình là vật chứng của vụ án nên lưu vào hồ sơ vụ án. Trong phần quyết định về xử lý vật chứng, bản án 10/2021/HS-ST ngày 05/03/2021 TAND Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng vật chứng là một đĩa DVD ghi âm, ghi hình lời khai của bị cáo T T T Tr, đối tượng N H H Dg và đối tượng T Q B trong quá trình điều tra vụ án; căn cứ khoản 6 Điều 183 và khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử xét thấy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 11 xử lý lưu vào hồ sơ vụ án là đúng quy định của pháp luật.

Từ việc đề nghị của Viện kiểm sát và quyết định của Tòa án ở hai bản án trên cho thấy một số cơ quan tiến hành tố tụng xác định thiết bị ngoại vi (đĩa, USB lưu những file ghi âm, ghi hình có âm thanh, khi hỏi cung, đối chất) là vật chứng của vụ án và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.

Để xác định có phải là vật chứng của vụ án hay không? Chúng ta thấy các file này nó không phải là vật chất, các đĩa, USB lưu những file ghi âm, ghi hình có âm thanh, khi hỏi cung, đối chất là vật để lưu giữ các file nói trên.

Theo pháp luật quy định, để góp phần công khai, minh bạch hóa hoạt động hỏi cung bị can, góp phần “hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người[5] đã được Hiến pháp quy định, theo đó “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20 Hiến pháp năm 2013), BLTTHS năm 2015 đã quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can và có thể trong hoạt động đối chất…Các nội dung ghi âm, ghi hình viêc hỏi cung bị can cũng là nguồn chứng cứ quan trọng, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thể xác định sự thật khách quan của vụ án, chứng minh một cách khách quan và đầy đủ các tình tiết của vụ án, hạn chế được oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, đây cũng là những căn cứ xác thực, giúp làm rõ có hay không việc mớm cung, bức cung hoặc dùng nhục hình, để kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có); hoặc phản bác lại việc phản cung, chối tội, thay đổi lời khai không đúng sự thật, hoặc bịa đặt, tố cáo sai sự thật rằng mình bị bức cung, nhục hình của bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án.

Để thực hiện các quy định nêu trên, ngày 01/02/2018 Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Thông tư liên tịch số 03/2018). Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã có Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 về việc ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Theo đó, dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là một bộ phận của hồ sơ vụ án hình sự được sử dụng, bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về sử dụng, bảo quản và lưu trữ hồ sơ vụ án hình sự[6].

Khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 quy định:

 “2. Trường hợp tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ thì ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, lấy lời khai, Kiểm sát viên kiểm sát việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra phối hợp với cán bộ chuyên môn của cơ sở giam giữ sao chép ra thiết bị lưu trữ và lập biên bản giao nhận. Thiết bị đã lưu trữ dữ liệu và biên bản giao nhận phải được đưa vào hồ sơ chính.

3. Trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại địa điểm khác thì ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, ghi lời khai, Kiểm sát viên kiểm sát việc Điều tra viên, Cán bộ điều tra sao chép ngay dữ liệu buổi hỏi cung, lấy lời khai trên máy lưu động ra thiết bị lưu trữ để lưu hồ sơ vụ án”.

Từ những quy định trên cho thấy việc nhận định cho rằng các dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được lưu vào đĩa hay USB là vật chứng là không đúng mà đây chỉ là dữ liệu điện tử, một trong những nguồn chứng cứ bổ trợ cho nguồn chứng cứ là các biên bản trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử[7].

2.3. Xác định vật chứng là phương tiện di chuyển của bị can

Vụ án thứ nhất:Vụ án đánh bạc được VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm thể hiện: Khoảng 22 giờ ngày 22/02/2017, Huỳnh Thị P, Nguyễn Thị Kim L, Hồ Xuân H, Ngô Thị C và Lục Chánh S cùng một số người khác có hành vi đánh bài ăn thua bằng tiền với nhau thì bị bắt quả tang, thu giữ được trên chiếu bạc tiền sử dụng vào việc đánh bạc cùng nhiều tài sản khác. Trong đó, có thu giữ xe mô tô của Huỳnh Thị P, của Nguyễn Thị Kim L, của Hồ Xuân H, của Lục Chánh S, của Ngô Thị C là phương tiện mà các bị cáo đi đến sòng bạc. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2017/HS-ST ngày 01/9/2017 của TAND thành phố S và Bản án hình sự phúc thẩm số 359/2017/HS-PT ngày 12/12/2017 của TAND tỉnh ĐT đã tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước đối với 05 chiếc xe thu giữ của bà P, bà L, bà H, bà C và anh S. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 04/2019/HS-GĐT ngày 19/02/2019 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 359/2017/HS-PT ngày 12/12/2017 của TAND tỉnh ĐT và Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2017/HS-ST ngày 01/9/2017 của TAND thành phố S về phần xử lý vật chứng đối với lý do: “Việc tịch thu 05 chiếc xe mô tô của các bị cáo sung quỹ Nhà nước là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 vì theo quy định của các điều luật trên thì chỉ những “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” thì mới tịch thu, sung quỹ Nhà nước. Thực tế, 05 bị cáo không dùng xe làm công cụ, phương tiện để thực hiện phạm tội nên không thuộc đối tượng bị tịch thu như quy định tại các điều luật trên…”.

Vụ án thứ hai: Bản án hình sự phúc thẩm số 47/2023/HS-PT ngày 16/8/2023 của TAND thành phố C đã tuyên sửa án sơ thẩm của TAND quận N trong việc xử lý vật chứng. Theo nội dung vụ án, do mâu thuẫn với Lộc, nên Đạt điều khiển xe mô tô biển số 6..B2-745.86 chở Thái đến nhà Lộc để đánh Lộc. Do Lộc bỏ chạy nên Đạt và Thái đập xe mô tô của Lộc rồi cả hai cùng lên xe về nhà, sau đó vụ án được khởi tố. TAND quận N cho rằng xe mô tô biển số 6..B2-745.86 mà Đạt điều khiển là phương tiện dùng vào việc phạm tội nên tuyên tịch thu sung ngân sách Nhà nước. Việc tịch thu này của Tòa án sơ thẩm cùng quan điểm với VKSND quận N và VKSND thành phố CT. Tuy nhiên, với nhận định: “Xe mô tô biển số 6..B2-745.86 bị cáo không sử dụng trực tiếp vào việc phạm tội”, nên Tòa án phúc thẩm đã trả lại cho bị cáo Đạt xe mô tô nói trên.

Như vậy, cùng là xe mô tô dùng để đi đánh bạc, đi đến địa điểm hủy hoại tài sản cấp sơ thẩm và phúc thẩm (đối với vụ án đánh bạc) cho rằng, đó là vật chứng (phương tiện dùng vào việc phạm tội), nên tịch thu; nhưng cấp phúc thẩm (đối với vụ án hủy hoại) và giám đốc thẩm (đối với vụ án đánh bạc) lại xác định không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên không tịch thu. Sự khác biệt này xuất phát từ hai quan điểm nhận thức: Quan điểm thứ nhất cho rằng, các bị cáo không thể đến địa điểm đánh bạc nếu không có xe mô tô, do đó xe mô tô phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội và phải bị tịch thu là đúng quy định; Quan điểm thứ hai lại cho rằng, phương tiện dùng vào việc phạm tội phải là một yếu tố của cấu thành tội phạm, trong tình huống này có hay không có xe mô tô, thì các bị cáo vẫn có thể thực hiện được hành vi phạm tội.

Từ thực tiễn đó, tác giả thấy rằng để chứng minh là vật chứng của vụ án thì việc sử dụng xe mô tô phải có liên hệ mật thiết với tội phạm (là công cụ, phương tiện phạm tội),  tức là nếu không có xe thì không thể hoàn thành tội phạm trong tình huống cụ thể đó. Ngược lại, nếu xe mô tô chỉ là phương tiện di chuyển để đưa đến địa điểm đánh bạc, hủy hoại tài sản và đi về, thì xác định là phương tiện nhưng không dùng vào việc phạm tội, nên phải trả lại cho bị cáo; nếu trường hợp có ý thức là chạy xe đến địa điểm đánh bạc để khi hết tiền có thể cầm cố, lấy tiền đó tiếp tục đánh bạc thì nó liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, nên cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp vụ án thứ hai nếu các bị cáo với mục đích hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản, nên dùng xe chở công cụ đến hiện trường và sử dụng công cụ đó để gây thiệt hại thì mới xác định là phương tiện phạm tội.

3. Giải pháp hoàn thiện một số vấn đề xác định vật chứng

Thông qua việc phân tích các quy định BLTTHS năm 2015 và thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vật chứng vào thực tiễn tố tụng trong thời gian qua đã có những vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vật chứng, đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, giúp cho quá trình nhận thức và áp dụng pháp luật của người tiến hành tố tụng được thuận lợi, thống nhất. Do đó, để khắc phục sai sót đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý vật chứng trong thực tế, tác giả nêu ra một số kiến nghị, giải pháp sau:

Một là: Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng

Thực tiễn tiến hành tố tụng hình sự cho thấy việc sai phạm trong hoạt động xử lý vật chứng chủ yếu xuất phát từ nhận thức và năng lực chuyên môn của chủ các chủ thể tiến hành tố tụng. Vì vậy, trong giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có thẩm quyền xử lý vật chứng thì từng cơ quan tiến hành tố tụng cần triển khai rà soát đánh giá, phân loại về chuyên môn tất cả các cán bộ đang làm việc trong cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó có kế hoạch, biện pháp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những người tiến hành tố tụng phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các quy định của pháp luật liên quan đến bảo đảm quyền con người. Bên cạnh đó cần phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, chính sách pháp luật, nhất là chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội, quan điểm bảo đảm quyền con người trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng các cấp. 

Hai là: Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong xử lý vật chứng

Xác định công tác xử lý vật chứng trong vụ án hình sự không phải là nhiệm vụ riêng lẽ của từng cơ quan tiến hành tố tụng mà là nhiệm vụ chung của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong phối hợp xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Công tác phối hợp phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, đảm bảo hiệu quả, từ việc giải quyết vụ việc đơn lẻ đến việc họp liên ngành, tổng kết rút kinh nghiệm, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Ba là: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định vật chứng

Từ khái niệm, đặc điểm về vật chứng cho thấy đối với những vấn đề liên quan đến vật chứng trong tố tụng hình sự cần thiết có sự sửa đổi, bổ sung để có sự nhận thức thống nhất, tài sản nào là vật chứng trong vụ án hình sự. Theo đó, khái niệm về vật chứng, quy định tại Điều 89 BLTTHS cần bổ sung thêm nội hàm của vật chứng, để đảm bảo rõ nghĩa và đầy đủ, cụ thể như sau: “Vật chứng là những vật được thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định, chứa đựng các thông tin được xác định là chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội cũng như các tình tiết khác cho việc giải quyết vụ án. Vật chứng bao gồm: Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm như tiền và các vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.

Trong khi chờ sửa đổi trong Bộ luật tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cần khẩn trương, chỉ đạo, tổ chức rà soát, tổ chức lấy ý kiến để ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về xử lý vật chứng một cách đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất của pháp chế xã hội chủ nghĩa./.

                     Bài viết được đăng trên tạp chí kiểm sát số 04/2025

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
  2. Đỗ Văn Đương (2011), Chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, NXB chính trị quốc gia- sự thật.
  3. Ngô Hoàng Oanh (2016), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb Lao động.
  4. Nguyễn Mạnh Hùng (2012), Thuật ngữ Pháp lý, NXB Chính trị quốc gia- Sự thật.
  5. Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; Nxb Tư pháp.
  6. Phan Trung Hiền (chủ biên) (2011), Thuật ngữ pháp lý tố tụng hình sự, NXB Chính trị quốc gia sự thật.
  7.  Trịnh Tiến Việt (2006), “Về chứng cứ và nguồn chứng cứ quy định tại Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự 2003”, Tạp chí Nghề Luật, số 2.
  8. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Võ Thị Kim Oanh (chủ biên), NXB Hồng Đức- Hội luật gia Việt Nam.
  9. Hồ Quân, Bàn về nội hàm khái niệm vật chứng theo quy định tại Điều 89 BLTTHS, nguồn: https://lsvn.vn/ban-ve-noi-ham-khai-niem-vat-chung-theo-quy-dinh-tai-dieu-89-bltths1638807809.html; Truy cập ngày 19/5/2024.

 

[1] Thạc sĩ -Viện kiểm sát nhân dân tình Đồng Tháp ( NCS Trường Đại học kiểm sát Hà Nội).

[2] Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015.

[3] Tòa án nhân dân tối cao (1976), Tập hệ thống hóa các luật lệ về tố tụng hình sự, Hà Nội, tr. 75.

[4] Bản án số 02/2024/HS-ST ngày 15-01-2024 của Tòa án nhân dân thành phố CT.

[6] Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 03/2018, quy định:

 “2. Kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải được bảo quản lưu trữ đầy đủ tại hệ thống máy chủ để đảm bảo an toàn, bí mật. Khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự, giai đoạn truy tố, cán bộ chuyên môn sao chép dữ liệu kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh vào thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu và bàn giao cho cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội. Cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội bàn giao thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu cùng hồ sơ vụ án phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.

3. Trường hợp các vụ án, vụ việc chuyển để điều tra xử lý theo thẩm quyền thì cơ quan chuyển giao vụ án, vụ việc có trách nhiệm chuyển cả thiết bị ngoại vi lưu dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thu thập được cùng với hồ sơ vụ án, vụ việc đến cơ quan tiếp nhận để tiếp tục khai thác, sử dụng và bảo quản, lưu trữ theo quy định của Thông tư liên tịch này. Khi trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, điều tra lại thì các thiết bị ngoại vi lưu trữ dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh cũng được trả lại và bàn giao cùng hồ sơ vụ án hình sự”.

[7] Điểm đ khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015.