Xuất bản thông tin

null Kiến nghị sửa đổi điểm d Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Kiến nghị sửa đổi điểm d Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự

Thời gian qua, nhân viên y tế lúc tác nghiệp bị gây thương tích ngày càng nhiều, việc xử lý các đối tượng gây thương tích trong thực tế còn nhiều bất cập...

= = =

ảnh minh họa nguồn Internet

Một phần nguyên nhân vì quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành chưa bao quát các chủ thể có thể thực hiện hành vi gây thương tích cho nhân viên y tế. Do đó, việc nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi điểm d Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là cần thiết, góp phần hạn chế tình trạng gây thương tích cho nhân viên y tế – những đối tượng có nguy cơ bị bạo hành cao nhưng chưa có phương án bảo vệ chưa thực sự hiệu quả, thiết thực.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại điểm d Khoản 1 Điều 134, cụ thể “Đối với người chữa bệnh cho mình”, trước đây là “Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình”. Quy định này phần nào khắc phục được kẽ hở của pháp luật, để xử lý người bệnh có hành vi gây thương tích cho nhân viên y tế.

Tuy nhiên, thực tế áp dụng tình tiết định khung tăng nặng để xử lý đối với người chữa bệnh cho mình là chưa bao quát, đầy đủ các đối tượng có thể gây thương tích cho nhân viên y tế. Bởi lẽ, khi vào các cơ sở điều trị, bản thân những người bệnh thường không đầy đủ sức khỏe để có thể gây thương tích cho các nhân viên y tế. Đối tượng hay manh động, gây thương tích cho nhân viên y tế thường là người nhà của bệnh nhân.

Do đó, khi có trường hợp người nhà của bệnh nhân gây thương tích cho các nhân viên y tế, một số trường hợp sẽ bị xử lý theo tội gây rối trật tự công cộng, nhưng đó là những trường hợp chiếm số ít trong số các vụ việc đã xảy ra do cần thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng.

Mặt khác, hiện nay các bệnh viện được xem là cơ sở dịch vụ y tế, các nhân viên y tế không còn là công chức nên không được coi là người đang thi hành công vụ để xem xét xử lý các đối tượng gây thương tích về tội chống người thi hành công vụ.

Để có cơ chế đảm bảo việc xử lý các đối tượng có hành vi gây thương tích cho nhân viên y tế, xét thấy cần thiết bổ sung vào tình tiết định khung tăng nặng tại điểm d Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự chủ thể của hành vi gây thương tích cho các nhân viên y tế là người thân thích của người bệnh. Cụ thể Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình hoặc cho người thân thích của mình”Khái niệm “người thân thích” nên được hiểu theo Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Nguyễn Duy Phương - Kiểm tra viên VKSND huyện Tháp Mười