Xuất bản thông tin

null Tham nhũng, bản chất - nguyên nhân tham nhũng và làm thế nào để phòng, chống tham nhũng

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Tham nhũng, bản chất - nguyên nhân tham nhũng và làm thế nào để phòng, chống tham nhũng

Cùng với sự triển khai và quyết liệt của “Người đốt lò” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay chúng ta đã ghi nhận được nhiều thành quả, bước đầu được quần chúng nhân dân ủng hộ, tin tưởng và trong mắt bạn bè quốc tế được đánh giá cao...

= = =

 

Trong thời kỳ hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đã và đang được các nước phát triển trên thế giới nhìn nhận. Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, từ việc thay đổi tư duy trong lề lối làm việc của các cơ quan, chính quyền địa phương đến việc mở cửa, hội nhập quốc tế đều tạo ra những tiền đề cực kỳ quan trọng cho việc phát triển đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, mọi sự vật, hiện tượng đều có tính hai mặt của một vấn đề, gắn liền với việc phát triển nêu trên sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi về kinh tế, có nảy sinh nhiều giá trị thặng dư thì phải đối mặt với nhiều nguy cơ như lạm phát và trong đó có tệ tham nhũng.

 

 Không chỉ riêng ở nước ta mà ở tất cả các nước khác trên thế giới cũng đang phải nghiêm túc nhìn nhận lại những tác hại mà tham nhũng mang đến. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối, ban hành nhiều Nghị quyết, giải pháp để đấu tranh phòng, chống tham nhũng như ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2007 và băm 2012; “Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”…Theo đó, Nhà nước ta đã xác định mục tiêu lâu dài, bền vững và đề ra những giải pháp, biện pháp quyết liệt, toàn diện, đồng bộ để xác định rõ trách nhiệm cũng như là vai trò của từng cá nhân, bộ phận, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đối với cuộc chiến chống tham nhũng. Đối với quốc tế, Nhà nước ta cũng đã tích cực tham gia vào các cơ chế, các sáng kiến trong và ngoài khu vực mà tiêu biểu nhất là tham gia vào Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Cùng với sự triển khai và quyết liệt của “Người đốt lò” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay chúng ta đã ghi nhận được nhiều thành quả, bước đầu được quần chúng nhân dân ủng hộ, tin tưởng và trong mắt bạn bè quốc tế được đánh giá cao.

Tham nhũng là gì?

Tham nhũng luôn là vấn đề nhức nhối đối với mọi xã hội, mọi nhà nước. Không ít nhà nghiên cứu đã cho rằng, tham nhũng là “căn bệnh” tất yếu tồn tại và song hành cùng nhà nước; nhà nước còn tồn tại thì còn tham nhũng. Tham nhũng gây bất bình trong nhân dân, làm mất uy tính của các chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự thống nhất định nghĩa về tham nhũng.

Nói đến khái niệm tham nhũng, đã có rất nhiều cơ quản, tổ chức, đưa ra những định nghĩa cụ thể. Trong Luật phòng chống tham nhũng hiện hành, các nhà làm luật đã cụ thể hóa định nghĩa tham nhũng tại Khoản 1 Điều 3 như sau: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Mặc dù các cơ quan, tố chức đưa ra nhiều định nghĩa về tham nhũng nhưng Tham nhũng cần được nhìn nhận là hiện tượng tiêu cực mang tính lịch sử, nảy sinh trong quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước mà không phải của bất kỳ tổ chức nào khác. Đó là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, vi phạm đạo đức công chức, kỷ luật công vụ và pháp luật nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Tính đúng đắn trong hoạt động của cơ quan nhà nước bao hàm mục đích phục vụ nhân dân của nhà nước. Tất cả quyền lực nhà nước do nhân dân tạo ra và thuộc về nhân dân, được sử dụng thông qua bộ máy nhà nước để phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích chung của xã hội. Người thực hiện hành vi tham nhũng đã sử dụng quyền lực nhà nước trái phép và sai mục đích nhằm đạt lấy một hoặc nhiều lợi ích cá nhân.

Bản chất của tham nhũng

Tham nhũng mang bản chất là những hành vi phi pháp, vi phạm đạo đức và các chuẩn mực xã hội. Qua đó, làm xói mòn nền tảng xã hội, ngăn cản quá trình tiến bộ và dân chủ xã hội. Điểm khác biệt cơ bản nhất của tham nhũng so với các hành vi vi phạm pháp luật khác chính là: (i) mục đích thu lợi ích cá nhân và (ii) chủ thể của hành vi tham nhũng là loại chủ thể đặc biệt, thông thường là người được giao một thẩm quyền nhất định hay có một vị thế nhất định trong xã hội.

Bên cạnh đó, tham nhũng còn gắn liền với sự tha hoá quyền lực, lạm dụng quyền lực công để vun vén lợi ích riêng. Đây được xem là một hiện tượng có tính chất quy luật dựa trên phương diện tâm lý học hành vi của con người[1]. Như đã đề cập ở phần trước, con người vốn dĩ có bản tính đam mê quyền lực, tính tuỳ tiện trong khả năng thực hiện hành vi. Vì lẽ đó, khi được giao giữ một thẩm quyền với vị trí nhất định, bằng cách này hay cách khác, họ có thể lợi dụng những thứ đó để làm lợi cho bản thân, cho nhóm lợi ích của mình, “vinh thân, phì gia”.

Như vậy, có thể nói, tham nhũng là một “căn bệnh” cố hữu của mọi nhà nước, nó xuất hiện từ khi nhà nước ra đời và sẽ cùng tồn tại với nhà nước, bất kể thuộc thể chế chính trị nào. Bởi lẽ, suy cho cùng, tham nhũng gắn liền với quyền lực và sự lạm dụng quyền lực, và chỉ khi nào thứ quyền lực ấy mất đi thì tham nhũng mới có thể bị triệt tiêu vĩnh viễn.

Nguyên nhân của tham nhũng

Một trong những yếu tố để có thể phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả đó là tìm hiểu những nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến việc tham nhũng. Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nhưng nổi trội nhất phải kể đến những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Sự chênh lệch về tiền lương và chế độ đãi ngộ nói chung giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa chính những doanh nghiệp với nhau làm phát sinh động cơ tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong các tình huống xung đột lợi ích. Tiền lương và những lợi ích vật chất chính thức có được từ công việc không đủ để đáp úng nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình, họ sẽ tìm cách thực hiện những hành vi bất chính để trục lợi cá nhân do chính chức vụ, quyền hạn của họ tạo ra.

Thứ hai, thiếu môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động kinh doanh. Trong một môi trường kinh doanh còn hiện tượng độc quyền trong cung cấp dịch vụ, hàng hóa thì các doanh nghiệp thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh một cách lành mạnh sẽ tìm cách phát triển quan hệ với các cơ quan nhà nước, các đối tác kinh doanh. Họ sẵn sàng chi trả các khoản chi phí không chính thức để giành được các hợp đồng lớn hoặc trúng những gói thầu cung cấp hàng hóa thiết bị, đặc biệt trong hoạt động mua sắm công. Sự thiếu hoàn thiện của các quy định pháp luật về đấu thầu, thiếu cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích… đều là những điều kiện thúc đẩy nguy cơ thực hiện các hành vi tham nhũng.

Thứ ba, thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong một môi trường hoạt động thiếu công khai, minh bạch, khi người có chức vụ, quyền hạn không phải chịu sức ép từ suy nghĩ rằng mọi hành vi đều có thể bị giám sát bởi những chủ thể khác, hoặc cho rằng nếu hành vi có bị phát giác cũng khó có thể đánh giá được do thiếu thông tin hoặc thiếu rõ ràng trong những thông tin được công khai, họ thường có xu hướng lạm dụng quyền lực được giao vì mục đích vụ lợi. Vì vậy, thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị chính là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hành vi tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi tháng 4/2022 (Ảnh: TTXVN)

Làm thế nào để chống tham nhũng

          Ở đây, cần phải chấp nhận một thực tế khách quan đó là, những nỗ lực phòng, chống tham nhũng cho dù quyết liệt và bền bỉ tới đâu cũng chỉ có thể kiềm chế, giảm thiểu chứ không thể xóa bỏ triệt để tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Về khía cạnh này, Laureate Gary Becker – nhà khoa học Mỹ được giải thưởng Nobel kinh tế năm 1992 – đã từng phát biểu: “Chúng ta có thể hoàn toàn triệt thiêu tham nhũng khi xóa bỏ nhà nước mà thôi”.

          Ở Việt Nam thời gian qua thấy nổi lên một tình trạng khá phổ biến là ở một bộ phận lớn cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng đã bị phát hiện nhưng không bị xử lý hoặc không thể xử lý, thậm chí là xử lý những không triệt để (thu hồi tài sản không đáng kể), hay nói cách khác là tồn tại một bộ phân đang đứng trên pháp luật. Điều đáng lo ngại là số cán bộ, công chức này nằm cả ở cấp cao, khi đã không chịu sự kiểm soát của pháp luật thì họ lại “ô dù” cho những cán bộ, công chức dưới quyền, do vậy mà tham nhũng lan tỏa đến mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Một khi pháp luật không được thực hiện nghiêm minh thì dẫn đến tham nhũng là đương nhiên. Để chống nạn tham nhũng có hiệu quả, không đơn giản là cứ giải quyết xong vấn đề về kinh tế (tăng cương để cán bộ, công chức ĐỦ sống…) và có hệ thống tuyển dụng nhân tài công bằng là tham nhũng sẽ được giảm bớt hay loại bỏ. Đối với Việt Nam hiện nay, biện pháp khẩn cấp và hệ trọng là phải khắc phụ bằng được tình trạng thiếu tôn trọng pháp luật. Đây chính là tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tiến hành. Để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền, trước hết phải nhìn lại chính mình, vì sao Nhà nước của ta chưa thực hiện tốt chức năng của nó? Phải chăng có những tồn tại, bất cập ở ngay trong tổ chức và hoạt động của hệ thống bộ máy.

          Là lực lượng lãnh đạo đất nước, là cốt lõi của hệ thống chính trị, Đảng đã nhìn ra và tiến hành sửa đổi. Cụ thể là đang nghiên cứu, đổi mới hệ thống chính trị; cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước; khắc phục những bất cập trong quản lý, điều hành giữa các bộ, ngành, địa phương v.v. theo xu hướng xác định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để không tạo ra tình trạng lạm quyền, tạo môi trường cho tham nhũng. Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng lạm quyền trong những cơ quan bản vệ pháp luật: Công an, Tòa án, Kiểm sát. Đây chính là những nơi mà những đối tượng tham nhũng tập trung nhằm vô hiệu hóa tính nghiêm minh của pháp luật. Trường hợp PMU 18 Vinaxim là một ví dụ điển hình, khi mà những vi phạm đã được phát hiện từ rất lâu nhưng không xử lý được, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sau.

          Đổi mới hệ thống chính trị đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chính là nhiệm vụ lớn nhất mà Đảng và toàn dân Việt Nam đang phải triển khai thực hiện. Với vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, cần đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Phạm vi lãnh đạo của Đảng phải được điều chỉnh, cụ thể hóa bằng văn bản, phải được luật hóa thậm chí ghi rõ trong Hiến pháp. Lãnh đạo phải được hiểu là hoạch định đường lối, đề ra chính sách chứ không can thiệp vào quản lý, điều hành của Nhà nước.

          Tóm lại, chống tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới hệ thống chính trị thực chất là ba mặt của một vấn đề, một bản chất. Đổi mới hệ thống chính trị để đáp ứng được nhiệm vụ sống còn này là thực tế của Việt Nam. Không thể chống tham nhũng nếu không xây dựng một hệ thống pháp luật nghiêm khắc, một Nhà nước pháp quyền hiệu quả. Và cũng không thể xây dựng một Nhà nước pháp quyền, nếu như những mối quan hệ trong hệ thống chính trị đã lỗi thời không được sửa đổi.

Ngọc Oanh – Viện KSND thành phố Hồng Ngự

 

[1] Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Chu Hồng Thanh và Vũ Công Giao (Đồng chủ biên) (2013), Giáo trình Lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 34.