Xuất bản thông tin

null Quy định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Quy định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Ngày 10/10/2023 sắp tới đây sẽ có một chính sách nhân văn được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành và có hiệu lực pháp luật.

= = =

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.

Về đối tượng vay vốn, gồm: Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Về điều kiện vay vốn: Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm.

Cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.

Ngoài ra, người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh hoạ - nguồn Internet

Về phương thức cho vay: Đối với người chấp hành xong án phạt tù thì được hực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

Về mục đích sử dụng vốn vay: Đối với vay vốn để đào tạo nghề, chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: Tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại.

Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chi phí để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Về mức vốn cho vay: Đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù; với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại Quyết định; chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tại địa phương tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ.

Chỉ đạo Công an cấp xã định kỳ vào ngày 05 hằng tháng lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tổ chức, thực hiện Quyết định; đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện và sửa đổi, bổ sung Quyết định.

Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn, thực hiện cho vay đúng đối tượng, điều kiện; phối hợp với các Bộ, Ngành báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho vay.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện hằng năm, xem xét bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc xác nhận về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách.

Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên truyền chính sách; tổ chức, giám sát triển khai thực hiện Quyết định.

                                                             Duy Trường - sưu tầm và tổng hợp