Xuất bản thông tin

null A, B có phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không ?

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

A, B có phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không ?

Bài viết thể hiện các quan điểm về xác định tội phạm. Rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến của các đồng nghiệp...

= = =

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn huyện Tháp Mười diễn biến tăng, với tính chất ngày càng phức tạp, nhất là đối với Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong khi các Thông tư liên tịch và văn bản hướng dẫn về tội phạm ma túy đối với Bộ luật Hình sự năm 1999 đến nay đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế; các văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hiện nay có nội dung mâu thuẫn với các Thông tư liên tịch và văn bản hướng dẫn đã ban hành. Từ đó dẫn đến việc giải quyết vụ việc, vụ án về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gặp nhiều khó khăn do còn có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau. Do đó, tác giả đưa ra một vụ việc thực tế đã phát sinh và các quan điểm xử lý để cùng trao đổi, thảo luận.

Tóm tắt nội dung vụ việc: A, B là người nghiện ma túy. Khoảng 14h ngày 15/02/2024, trong lúc đi chơi cùng nhau, A rủ B hùn tiền mỗi người 100.000 đồng mua ma túy để sử dụng thì B đồng ý. B điều khiển xe mô tô của B chở A đi mua ma túy rồi cùng về nhà B sử dụng. B lấy bộ dụng cụ sử dụng ma túy tự chế cất giấu ở phía sau nhà đưa A chiết một phần ma túy vào, rồi cùng A sử dụng đến hết. Số ma túy còn lại B cất giấu vào trong túi quần, đến 10 giờ ngày 16/02/2024 thì bị Công an huyện T.M kiểm tra phát hiện, lập biên bản về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Kết luận giám định: Các hạt tinh thể bên trong 01 bịch nilon (ký hiệu A) thu trong túi quần phía trước bên trái của B gửi giám định là ma túy, loại Methamphetamine, có khối lượng 0,011 gam. Xét nghiệm ma tuý đối với A, B đều có kết quả dương tính với ma tuý loại Methamphetamine.

 

 

Trong vụ việc trên, có hai quan điểm khác nhau về việc A và B có phạm Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, A, B phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn cứ đưa ra quan điểm trên là:

Thứ nhất, tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ có ghi: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm). Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự”.

Thứ hai, tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 (Công văn số 5442/VKSTC-V14) trong đó có nội dung “… người nghiện ma tuý có hành vi cung cấp chất ma tuý cho người nghiện ma tuý khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”. A có hành vi rủ B hùn tiền mua ma túy và thực tế đã hùn tiền; B có hành vi hùn tiền mua ma túy, sử dụng nhà ở và dụng cụ của B để cho A cùng sử dụng ma túy. Hành vi của A, B cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng, A, B không phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Căn cứ để đưa ra quan điểm trên là:

Theo hướng dẫn tại mục 6.1, phần II, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Thông tư liên tịch số 17/2007) có ghi: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ. Như vậy, hành vi “tổ chức” được hiểu là chuỗi hành vi “chỉ huy, phân công, điều hành”, không tách rời ra từng hành vi riêng lẻ hoặc chỉ là hành vi “cung cấp chất ma túy”. Mặc dù nhận định này có mâu thuẫn với hướng dẫn tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 nhưng không trái với quy định Bộ luật hình sự năm 2015. Theo hướng dẫn 4962/VKSTC-V14 ngày 15 tháng 11 năm 2023 của của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2023, thì giá trị tham khảo của Thông tư liên tịch số 17/2007 không bị phủ nhận. Trong vụ việc này, A là người rủ B hùn tiền mua ma túy để sử dụng, nhưng địa điểm và dụng cụ sử dụng ma túy là của B, không thỏa mãn điều kiện là chuỗi hành vi tổ chức. Mặt khác, về cấu thành tội phạm, dấu hiệu “có tổ chức” là đặc điểm bắt buộc của hành vi khách quan của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, có ý nghĩa trong việc định tội và ở cả phương thức thực hiện hành vi phạm tội, có nghĩa là người phạm tội có hành vi tổ chức nhằm mục đích cho người khác thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất hoặc đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác. Ở đây, nguồn gốc ma túy do A và B hùn tiền và cùng nhau đi mua nhằm mục đích phục vụ nhu cầu sử dụng cho cá nhân, không do A hoặc B độc lập chuẩn bị, cung cấp chất ma túy để đưa vào cơ thể người khác. Hành vi của A, B không phải hành vi tổ chức đối với nhau, nên không cấu thành tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Qua thực tiễn xử lý tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nêu trên, kiến nghị Liên ngành trung ương sớm ban hành hướng dẫn áp dụng các quy định về tội phạm ma túy của Bộ luật Hình sự năm 2015, tạo hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất.

Trên đây là các quan điểm về nhận định tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự. Rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến của các đồng nghiệp./.

Thảo Nguyên – Viện kiểm sát nhân dân huyện Tháp Mười.