Xuất bản thông tin

null Gương điển hình thực hiện lời dặn 10 chữ vàng của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGDOANTHE

Gương điển hình thực hiện lời dặn 10 chữ vàng của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát

Gương điển hình thực hiện lời dặn của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn

= = =

 

Công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2007, trải qua quá trình công tác và phấn đấu, đồng chí Nguyễn Ngọc Tân – Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh luôn không ngừng nỗ lực học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua các năm công tác, đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhiều năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu thi đua “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Ngọc Tân – Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Cao Lãnh

 

Nói về việc học tập và làm theo Bác, đồng chí luôn tâm niệm phải ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác đối với cán bộ ngành kiểm sát, đó là “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”. Là cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp và pháp luật, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân là một bộ phận quan trọng trong tổng thể hệ thống tư pháp nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung. Với đặc thù chức năng và nhiệm vụ của mình, người cán bộ kiểm sát phải không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho bản thân, bên cạnh đó phải không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, lối sống.

Đồng chí cho rằng người cán bộ kiểm sát bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố, thực hiện việc buộc tội của nhà nước đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội, còn có chức năng quan trọng không kém là kiểm sát hoạt động tư pháp, hay có thể hiểu nôm na là việc “kiểm tra, giám sát” việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của các chủ thể có liên quan. Để thực hiện tốt hai việc này thì điều đầu tiên người cán bộ kiểm sát phải có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ vững vàng, nắm vững các quy định pháp luật có liên quan. Việc nghiên cứu, đề xuất giải quyết các vụ án phải tuyệt đối công bằng, không thiên vị, bảo đảm đúng quy định pháp luật, đó là “công minh”, là “khách quan”. Đã “công minh” thì phải đi kèm với “chính trực”, phải luôn theo đuổi cái đúng, không được lung lay, đặc biệt là trước những cám dỗ vật chất. Nhiều lần đồng chí chia sẻ với đồng nghiệp trong đơn vị về hai chữ “nhúng chàm”, vì sao người ta dùng hai chữ này để nói về tham nhũng, tiêu cực. Đó là vì “nhúng chàm” là một hoạt động của nghề nhuộm chàm. Khi nhuộm vải, người thợ sẽ dùng đôi tay cầm lấy tấm vải, nhúng vào thuốc nhuộm. Vì màu chàm rất bền và khó phai nên một khi đã dính vào tay thì khó có thể rửa sạch hết được. Tham nhũng, tiêu cực cũng giống như màu chàm, sẽ không thể nào gột rửa được một khi chúng ta trót dính vào. “Tuyệt đối không được tham nhũng, tiêu cực, dù chỉ là một hành vi nhỏ, vì một khi đã thực hiện, cái tâm của chúng ta đã không còn trong sạch, từ đó chúng ta dễ dàng dễ dãi với bản thân hoặc có thể bị các đối tượng xấu nắm bắt, buộc chúng ta phải thực hiện những hành vi tiêu cực khác nghiêm trọng hơn”, đó là điều đồng chí luôn tự nhủ bản thân. Nhiều năm công tác trong lĩnh vực hình sự, tiếp xúc với các đối tượng xã hội phức tạp nhưng đồng chí vẫn luôn giữ vững lập trường, luôn “chính trực”, không bao giờ dao động trước cám dỗ vật chất.

Công tác hình sự là công tác phức tạp, liên quan đến sinh mạng chính trị của mỗi chủ thể trong xã hội. Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nghiêm trọng nhất trong hệ thống pháp luật nên việc đấu tranh, xử lý tội phạm phải bảo đảm tính chính xác tuyệt đối. Những vụ án oan, sai không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân người phạm tội, gia đình của họ mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp của nước nhà. Trong công tác, đồng chí Nguyễn Ngọc Tân luôn đề cao tính “thận trọng”. Thận trọng trong việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ nhằm bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội. Trong quá trình giải quyết nếu phát sinh vấn đề khó khăn, vướng mắc, đồng chí luôn kịp thời báo cáo, tham mưu cho Lãnh đạo Viện, báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để được hướng dẫn, giải đáp kịp thời. Ngoài ra trong quá trình tố tụng đồng chí luôn bảo đảm mọi thủ tục được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất việc cấp trên hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Và cuối cùng là “khiêm tốn”. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần học tập suốt đời, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng. Theo đồng chí, tự học đóng vai trò quan trọng mà trong đó học hỏi thông qua đồng nghiệp trong đơn vị là việc không thể xem nhẹ. Những vấn đề khó khăn phát sinh thì bên cạnh việc báo cáo Lãnh đạo Viện, thỉnh thị ý kiến cấp trên thì đồng chí luôn trao đổi với đồng nghiệp trong đơn vị, thậm chí là trao đổi với những đồng chí khác trẻ tuổi, ít kinh nghiệm hơn. Vì đồng chí quan niệm rằng kiến thức là biển cả bao la, mỗi người trong chúng ta chỉ là một giọt nước nhỏ bé, mỗi người có thể ít kinh nghiệm trong công tác này nhưng trong công tác khác họ lại có kiến thức hơn ta, sáng suốt hơn ta. Việc trao đổi như vậy vừa là một cách để đồng chí tự học, cũng là giúp cho cán bộ được trao đổi tự học. Đối với các cơ quan bạn, đồng chí luôn giữ mối quan hệ phối hợp rất tốt. Trong quá trình giải quyết các vụ án, đồng chí luôn chủ động trao đổi, phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế sai sót xảy ra. Quá trình trao đổi đồng chí luôn đề cao tính dân chủ, lắng nghe, tuyệt đối không dựa vào kinh nghiệm công tác mà có những hành vi tự cao, “quyền anh quyền tôi”. Cho nên các ý kiến trao đổi, đề xuất của đồng chí đều có tính thuyết phục, nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan bạn.

Vừa qua, với những công lao đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí đã được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát”. Đây là sự ghi nhận của Ngành đối với những cống hiến không ngừng nghỉ và cũng là động lực, sự khích lệ để đồng chí tiếp tục phấn đấu. Tại cơ quan, đồng chí luôn là tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm theo 5 lời dạy của Bác đối với người cán bộ Kiểm sát: là “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Tác giả: Nguyễn Quang Trí – Chi bộ Viện kiểm sát