Xuất bản thông tin

null Bảo vệ và phát huy thành quả Cách mạng Việt Nam trong khi sử dụng trang mạng xã hội

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Bảo vệ và phát huy thành quả Cách mạng Việt Nam trong khi sử dụng trang mạng xã hội

Hiện nay, vẫn còn đối tượng thù địch đã lợi dụng nhiều hình thức, thủ đoạn, trong đó có việc sử dụng trang mạng xã hội để chống phá thành quả cách mạng Việt Nam

= = =

Tóm tắt: Sự đấu tranh gian khổ, bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã đem lại cho nhân dân Việt Nam độc lập, tự do. Hiện nay, vẫn còn đối tượng thù địch đã lợi dụng nhiều hình thức, thủ đoạn, trong đó có việc sử dụng trang mạng xã hội để chống phá thành quả cách mạng Việt Nam. Với trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước, cần bảo vệ, phát huy thành quả cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam bền vững, hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Abstract: The arduous and tenacious struggle of the entire Party, people and army under the leadership of the Communist Party of Vietnam and the beloved leader Ho Chi Minh has brought independence and freedom to the Vietnamese people. Currently, there are still hostile forces that have utilized various forms and tactics, including the use of social media to sabotage the achievements of the Vietnamese revolution. With the responsibility of every cadre, Party member and patriotic citizen, it is necessary to protect and promote the achievements of the Vietnamese revolution, contribute to building a sustainable, powerful, prosperous, democratic, just and civilized Viet Nam.

Từ khóa: Thành quả cách mạng.

Keywords:The achievements of the revolution;

1. Một số vấn đề về bảo vệ thành quả cách mạng

Trong di sản lý luận của C.Mác (Karl Marx), những quan điểm, tư tưởng về bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa chiếm vị trí rất quan trọng. Cùng với Ph.Ăngghen (Friedrich Engel), C.Mác đặt nền móng cho học thuyết Mác-Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đã làm nên một cuộc cách mạng trong quan điểm, tư tưởng cơ bản về vấn đề bảo vệ thành quả cách mạng XHCN.

Việt Nam đã đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê nin, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau hơn 78 năm giành độc lập tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội, 48 năm thống nhất đất nước và 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế không thể không nhắc đến sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự cố gắng to lớn, rất đáng tự hào của toàn dân và toàn quân ta. 93 năm ra đời và trực tiếp lãnh đạo đất nước - một chặng đường gần một thế kỷ và có đủ thời gian để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự phát triển của cả một dân tộc.

 

Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn xứng đáng với sự lựa chọn, giao phó của lịch sử, sự tin cậy của nhân dân. Từ một nước thuộc địa, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến thắng hai cường quốc, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, khủng hoảng toàn diện trên tất cả các mặt, đời sống nhân dân đói nghèo, thiếu thốn, lại thêm Mỹ và phương Tây áp đặt cấm vận kinh tế trong một thời gian dài, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả dân tộc bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố[1].

Những thành tựu đó là bằng chứng thuyết phục để khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – một đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước; đồng thời cũng làm cho nhân dân ngày càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận để Đảng trở thành một lực lượng xã hội duy nhất lãnh đạo toàn xã hội.

Để bôi nhọ và hạ thấp thành quả cách mạng, các thế lực thù địch đã cố tình dùng nhiều thủ đoạn, biện pháp, cách thức để đổi trắng, thay đen, xuyên tạc, bóp méo bản chất, tính chất và thành tựu to lớn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, nhất là những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chúng tập trung công kích, xuyên tạc cái gọi là thành tựu của đổi mới là do Đảng, Nhà nước Việt Nam “tự mình khen mình”, chứ thực chất là không có thật. Chúng còn cho rằng, để đất nước rơi vào tụt hậu như hiện nay là do Đảng ta “lựa chọn con đường chiến tranh”, “thiếu khôn ngoan về một tầm nhìn”, “thiếu đường, hướng xây dựng, phát triển”, những thành tựu đổi mới nếu có là chỉ “chui vào túi của bọn độc tài”, bọn tham nhũng, tham quan; còn đất nước vẫn trong cảnh nghèo nàn, tụt hậu, người dân nghèo thì không được thụ hưởng. Gần đây, một số phần tử cơ hội chính trị còn rêu rao rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn còn là một nước chậm phát triển. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do “Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”[2].

 

Không dừng ở đó, các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng, khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm của chúng ta trong thực hiện chủ trương, chính sách và thực thi pháp luật, nhất là lợi dụng việc Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; công kích Đảng, xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, chúng cho “ra lò” những cuốn sách, tờ báo, tờ rơi, những “tâm thư”, “giác thư”, “thư ngỏ”, “tuyên cáo”, công khai nói rõ điều đó, công khai đòi đánh đổ, kêu gọi giải tán Đảng, xóa Điều 4 của Hiến pháp...

Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch, trong xã hội đã xuất hiện thêm những luận điệu nhằm hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta; “nắn dòng” dư luận để thổi phồng khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta của những kẻ suy thoái, biến chất. Dùng chiêu “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để không chỉ gây tâm lý hoang mang, hồ nghi trong một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, dàn “đồng ca” của các thế lực thù địch đã và đang làm cho những biểu hiện đó được “khuyếch trương” mạnh mẽ hơn bằng các thủ đoạn đặt câu hỏi như: nếu không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thì nước ta sẽ đi theo con đường nào? Và rồi, họ tự trả lời bằng cách “khuyên nhủ” chúng ta phải đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản để được tự do, v.v...[3]

Dẫu có xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân đến đâu thì các thế lực phản động, cơ hội chính trị cũng không thể bẻ cong được sự thật, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, những thành tựu to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là do sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác với chiêu trò phủ nhận thành quả cách mạng của các thế lực thù địch.

2. Nhận diện về thủ đoạn của thế lực thù địch qua mạng xã hội

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội ra đời, mở ra một kỷ nguyên hội nhập xuyên biên giới với nền tri thức tiến bộ của nhân loại. Mạng xã hội ra đời có sự tác động mạnh mẽ đối với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt thời gian và không gian.

Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.

Lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate với mục đích kết nối bạn học. Mạng xã hội tiếp tục phát triển và ra đời nhiều trang mới như SixDegrees (1997), Friendster (2002), Myspace (2004) đến Facebook (2006)… với nhiều tính năng phục vụ nhiều mục đích và nhu cầu của người tham gia mạng xã hội như giao lưu kết bạn, công cụ liên lạc, công cụ giải trí, công cụ học tập.

Tận dụng mạng xã hội có tính kết nối và tương tác mạnh mẽ, phá vỡ những ngăn cách địa lý, ngôn ngữ, giới tính lẫn quốc gia. Những gì người tham gia làm, nghĩ cả thế giới có thể chia sẻ trong tích tắc, ở đây là mỗi người tạo ra các thông tin rồi tương tác để những thông tin đó được lan truyền vì thế thông tin lan truyền trên mạng xã hội rất khó kiểm soát.

 

Với sự phong phú của mạng xã hội làm cho con người giao tiếp nhiều hơn trên mạng xã hội, với nhiều cách tương tác như biểu lộ cảm xúc, bình luận, chia sẻ làm cho khoảng cách giữa các cá nhân vô hình trở nên gần gũi, có thiện cảm. Nút Like (Thích) và Share (Chia sẻ)[4] là một biểu tượng cho phép người dùng thể hiện sự yêu thích của mình đối với một bài chia sẻ bất kỳ của thành viên mạng xã hội mà người đó tham gia. Khi một vấn đề được đưa lên mạng xã hội như bài viết, hình ảnh, bản nhạc, sự kiện… thì số lượng cảm xúc, lượt chia sẻ sẽ thể hiện được thái độ, sự quan tâm của các thành viên về điều đó, giúp cho việc lan truyền các thông tin diễn ra nhanh chóng và tạo ra các làn sóng phản đối hay ủng hộ thông tin nào đó trong một thời gian ngắn mà các chủ thể tham gia chưa kịp xác định các thông tin được lan truyền là đúng hay sai.

Với những đặc điểm đó và tận dụng Việt Nam là một trong số các nước có số lượng lớn người dân tham gia môi trường không gian mạng. Theo thống kê đến tháng 02/2022, có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2022 tương đương 78,1% dân số, trong đó người dùng Facebook là 70,4 triệu người[5] nên các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã sớm xem internet, mạng xã hội là “mảnh đất màu mỡ” tận dụng tối đa để gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin – Bộ phận cấu thành quan trọng nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng “công phá” vào thành trì cách mạng Việt Nam.

 

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã tận dụng những lợi thế về phạm vi, đối tượng sử dụng không gian mạng thường xuyên sử dụng môi trường này để liên kết, móc nối, phát triển lực lượng trong nước, đào tạo, huấn luyện, hình thành và công khai hóa hội, nhóm xã hội dân sự có hoạt động chống đối trên không gian mạng. Chúng thành lập các nhóm Facebook, Fanpage, Blog mang màu sắc chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước dưới hình thức “công khai, kín và bí mật” có sự tham gia, liên kết giữa các đối tượng bất mãn, thành viên của các tổ chức phản động. Sử dụng mô hình hoạt động của nhóm Fanpage, Blog, Youtube, các đối tượng chống đối đăng tải, tán phát, bình luận nhiều thông tin giả[6], bài viết, hình ảnh có nội dung công kích, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng.

Chúng kiên trì thực hiện thủ đoạn thông qua lĩnh vực thông tin, truyền thông, văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, giáo dục-đào tạo để tô vẽ, quảng bá cho cái gọi là “giá trị dân chủ” của phương Tây, đặc biệt là đối với lớp trẻ; đồng thời tiếp tục lợi dụng các sự kiện, diễn biến trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là các vụ việc nổi cộm để dựng lên bức tranh đen tối, mù mịt về tương lai đất nước, hòng từng bước cô lập, tách các tổ chức đảng và đảng viên ra khỏi quần chúng, từ đó tổ chức, kêu gọi, lôi kéo một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, hạn chế hiểu biết tham gia tụ tập, gây rối, gây mất an ninh, trật tự. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”, “thay đổi thường xuyên, liên tục”, với mật độ thông tin đặc biệt lớn nhằm mục đích gây rối loạn xã hội, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm chống phá chế độ.

Vì vậy, một vấn đề đặt ra đối với người dân yêu nước Việt Nam, từng cán bộ, Đảng viên cần nhận biết một cách chính xác để vạch trần thủ đoạn này của chúng là trực tiếp góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới hiện nay.

Nhìn nhận một cách thẳng thắng, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên chưa nhận thấy rõ sự chống phá của các thế lực thù địch; có biểu hiện thờ ơ, đứng ngoài cuộc; chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, chính kiến khi tham gia mạng xã hội; thiếu ý thức, hành động phản bác những luận điệu xuyên tạc, đi ngược đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác những thông tin gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, như nhận định được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng:“Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin…”. Những hạn chế này đã, đang và sẽ tiếp tục bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.

 

 

Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tiếp tục diễn ra trong bối cảnh mới. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với 10 năm trước, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc, có những diễn biến phức tạp mới…Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc[7].

Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới, khu vực, nhất là Biển Đông diễn biến phức tạp. Các cường quốc vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng kéo dài do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tạo thời cơ và đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia, dân tộc.

3. Một số yêu cầu đối với người sử dụng trang mạng xã hội và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới kéo theo việc tăng nguy cơ thường xuyên phải tiếp xúc với tin giả của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã tác động tới công chúng trên nhiều mặt khác nhau và có thể dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng, bởi chúng tạo ra đề tài “nóng, nhạy cảm”, gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào cán bộ, hệ thống lãnh đạo các cấp.

Ở nước ta hiện nay có hai loại mạng xã hội: Mạng xã hội trong nước do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và mạng xã hội ở nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, như: Facebook, Google, Youtube. Mạng xã hội trong nước hiện nay có 269 trang hoạt động tuân thủ theo pháp luật, tuy nhiên số lượng truy cập, lượng người tham gia vào mạng thấp, vì vậy mức độ ảnh hưởng không lớn. Trong lúc đó, các trang mạng xã hội Facebook, Google, Youtube là những tập đoàn toàn cầu lớn, có tiềm lực về kinh tế, được đầu tư công nghệ, lượng người truy cập đông, mức độ tương tác rất lớn nên tác động ảnh hưởng trong xã hội cũng rất rộng lớn. Các mạng xã hội này có máy chủ đặt ở nước ngoài-không có văn phòng đại diện tại Việt Nam và có những chính sách riêng để gián tiếp tạo điều kiện cho các đối tượng triệt để lợi dụng để chống phá ta quyết liệt. Các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với số cơ hội chống đối chính trị ở trong nước viết bài, sản xuất những video clip phản động, chống phá trực diện, cập nhật liên tục, tần suất lớn, chủ đề rất đa dạng, đưa thông tin dày đặc, tràn lan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội. Thủ đoạn của chúng sử dụng là: Lấy những tin, bài, những hình ảnh trên các báo chí chính thống của ta ở trong nước, lồng ghép, viết lại hoàn toàn thành những nội dung xuyên tạc, bịa đặt để thu hút những người thiếu thông tin, tò mò cảm thấy nửa tin, nửa ngờ, hòng đánh lừa dư luận, kích động người xem, người đọc.

Lợi dụng các trang video clip giải trí lành mạnh trên Youtube để lồng ghép, phát tán video clip phản động làm cho mức độ lan truyền thông tin xấu độc trên mạng Youtube rất nhanh. Đáng chú ý đó là họ lợi dụng những tính năng gợi ý của trang Youtube để quảng bá, truyền bá, phát tán đến người xem thông tin xấu độc nhiều hơn, mức độ lan truyền lớn hơn, nhanh hơn. Ví dụ, khi chúng ta đang xem một video clip nào đó thì ở bên góc phải và ở phía dưới màn hình có một loạt video khác để gợi ý chúng ta xem tiếp. Đại diện Youtube xác định đây là tính năng, thuật toán tự động, người nào đã từng xem một clip xấu độc thì máy tính tự ghi nhớ và sau đó máy tính sẽ tự chuyển giới thiệu thêm, bất kể là người sử dụng đang xem video clip gì. Đây là một thủ đoạn để gián tiếp tiếp tay cho các đối tượng trong và ngoài nước phát tán những video clip phản động, xấu độc.

Nhà nước đã ban hành Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Công nghệ thông tin năm 2017; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật khác...để xử lý những trường hợp sử dụng, khai thác trang mạng xã hội không đúng. Thế nhưng hiện tại vẫn còn nhiều người chưa nắm và hiểu hết mức độ nguy hại khi sử dụng, khai thác trang mạng xã hội.

Điển hình như tại phiên tòa ngày 28/12/2021 Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Huỳnh Trương Ca (sinh năm 1971, ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.

 

bị cáo Huỳnh Trương Ca

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Huỳnh Trương Ca đã cho rằng: “ Tôi thấy việc làm của tôi đã sai rồi, đặc biệt một điều là tôi rất là hối hận. Thời gian gần đây khi mà tôi tiếp cận thông tin nó không được chính xác làm cho nhận thức của tôi bị sai, đi đến chổ hành động sai, lời nói sai. Do xuất phát từ chổ bức xúc quá nên tôi có những cái lời nói không kiềm chế được cảm xúc. Nói có những cái nó xúc phạm xuyên tạc đến chủ trương lớn của Đảng, nhà nước. Bản thân tôi muốn gởi đến tất cả mọi người như thế này. Khi tiếp cận thông tin, thì phải tiếp cận thông tin cho nó chính xác và đồng thời phải có sự sàng lọc cho nó kỹ. Chớ bây giờ thông tin nó rất là đa dạng, mình không khéo mình bị họ dẫn dắt thì phải nói là cái kết quả cũng như tôi bây giờ, mình chịu thiệt rất là nhiều cho bản thân mình cũng như người thân ở bên ngoài[8].

Hay vụ án Nguyễn Thị Cẩm Thúy (sinh năm 1976, trú xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Kháng Hòa) cùng đồng bọn bị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử vào ngày 30/3/2021 về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.  Thúy cho rằng trước đó, những khiếu nại, tố cáo, yêu cầu của Thúy về giáo dục (nguyên là giáo viên), đất đai không được cấp có thẩm quyền đáp ứng vì không đủ căn cứ, điều kiện giải quyết. Từ đó, Thúy nảy sinh oán hận, bất mãn, cho rằng bản thân gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống do lỗi của chính quyền; do các cơ quan nhà nước tại địa phương cản trở hành vi của mình, nên quyết định chống đối Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên sau khi được giải thích, bị cáo đã thay đổi nhận thức, thành khẩn khai báo, hối hận về hành vi của mình và lý giải do nhận thức hạn chế[9].

Các bị cáo: Hòa, Thúy, Phương (từ trái qua)

Hay ngày 05/01/2021 tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” do Phạm Chí Dũng (55 tuổi) cùng đồng phạm là Nguyễn Tường Thụy (71 tuổi) và Lê Hữu Minh Tuấn (32 tuổi) thực hiện, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cùng nhận mức án phạt 11 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam"[10].

Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch, trong thời gian qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái được Đảng ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã được đổi mới một bước, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Với sự chỉ đạo thống nhất và sự vào cuộc tương đối đồng bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch đã có những bước chuyển rõ rệt, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trước thách thức và thực trạng về cơ bản Nhà nước cần chú trọng nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mạng xã hội; tăng cường đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin giỏi, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý cả về hành chính và kỹ thuật để ngăn chặn một cách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường quản lý việc bình luận không để kẻ xấu lợi dụng biến thành diễn đàn chống phá Đảng, Nhà nước ta; giám sát, bảo đảm an ninh mạng, làm tốt công tác bảo vệ tài liệu mật, không để kẻ địch thu thập, xuyên tạc, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí để chống Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta, dân tộc ta.

Mỗi công dân yêu nước Việt Nam, cần phải có chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững phương hướng, mục tiêu chiến đấu, không ngừng phát huy bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhận thức sâu sắc và tự hào về giá trị những thành quả cách mạng do thế hệ ông cha đã dày công vun đắp.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tiên phong, gương mẫu làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chức năng, nhiệm vụ, bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng Cách mạng. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, âm mưu “phi chính trị hóa” của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh với biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác… phải tiếp tục trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng cơ bản của C.Mác về bảo vệ thành quả cách mạng XHCN phù hợp với điều kiện mới. Phải tiếp tục khẳng định những vấn đề rất cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

Đối với người sử dụng trang mạng xã hội nên kiểm tra tính chính xác, đáng tin cậy của thông tin trước khi chia sẻ. Việc chia sẻ thông tin sai lệch, tin giả có thể không chỉ làm dấy lên những mối quan hệ xã hội phức tạp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đất nước. Vì vậy, người dùng cần nghiêm túc và cực kỳ tỉ mỉ khi lọc thông tin để đem đến cho người đọc những thông tin chính xác nhất cần phải kiểm tra và xác nhận tất cả các thông tin trước khi chia sẻ trên trang mạng xã hội, đặc biệt là khi nó liên quan đến cách mạng Việt Nam. Nên tránh sử dụng ngôn từ bạo lực hoặc thù địch và cần thận trọng với việc chia sẻ các bài viết hoặc nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, nên thường xuyên cập nhật thông tin từ các nguồn tin tức chính thống và xem xét các thông tin được chia sẻ trên trang mạng xã hội một cách khách quan để đánh giá tính chính xác và đúng đắn của nó.

Bên cạnh đó người dùng cần phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và nguyên tắc của trang mạng xã hội khi tham gia. Điều này bao gồm cả cách sử dụng từ ngữ, ảnh hoặc video, tôn trọng quyền riêng tư và an ninh thông tin của những người khác. Người dùng cũng cần thể hiện sự tôn trọng và phát huy bản chất văn hoá truyền thống vì các giá trị đó cũng góp phần hình thành và bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam.

Mặt khác để phát huy thành quả cách mạng Việt Nam trong thời đại kỹ thuật số, người dùng cần sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và hiệu quả, cần tham gia, tạo dựng và chia sẻ những nội dung tích cực, giúp cho quyền lợi cộng đồng trở nên rõ ràng hơn. Chia sẻ những nội dung giáo dục, khoa học, truyền thống tốt đẹp là giúp cho việc bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng Việt Nam mỗi ngày trở thành sự thật.

Tóm lại, Mạng xã hội đã trở thành công cụ đầy tài năng trong giao tiếp, chia sẻ và chăm sóc tinh thần nhưng đồng thời cũng mở ra vô số nguyên nhân để phá hoại thành quả cách mạng Việt Nam. Việc bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam trên trang mạng xã hội là một nhiệm vụ cần thiết và quan trọng, chúng ta nên sử dụng trang mạng xã hội có trách nhiệm, kỹ năng nhằm bảo đảm một môi trường an toàn, thiết thực phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện truyền thống của dân tộc và nhân loại./

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

2. Luật An ninh mạng năm 2018;

3. Luật Quảng cáo năm 2012;

4. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

5. Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;

6. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

7.  Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông; 15. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 1131/QĐ-HNBVN ngày 24/12/2018 của Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam;

8. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.33;

9. Nguyễn Vĩnh Thắng, Quan điểm của C.Mác về bảo vệ thành quả cách mạng và vận dụng ở nước ta hiện nay; https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quan-diem-cua-c-mac-ve-bao-ve-thanh-qua-cach-mang-va-van-dung-o-nuoc-ta-hien-nay-538099; [Truy cập 09/4/2023];

10. Nguyễn Văn Thế ; Phòng và chống biểu hiện hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng và Nhà nước; https://mof.gov.vn/webcenter/portal/cd/pages_r/l/chi-tiet-tin-cong-doan?dDocName=MOFUCM159382; [Truy cập 15/4/2023];

11. Tổng quan thị trường Digital Việt Nam trong năm 2022, https://manhtuongmedia.com/tong-quan-thi-truong-digital-viet-nam-trong-nam-2022/ [truy cập 12/4/2023].

12.Vũ Văn Hiền (2020): Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, tập 1, tr. 151.

 

[1] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.33;

[2] Vũ Văn Hiền (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, tập1, tr. 151;

[3] Nguyễn Văn Thế; Phòng và chống biểu hiện hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng và Nhà nước; https://mof.gov.vn/webcenter/portal/cd/pages_r/l/chi-tiet-tin-cong-doan?dDocName=MOFUCM159382; [Truy cập 15/4/2023];

[4] "Like" thể hiện sự quan tâm của mọi người trên mạng xã hội đối với bài viết của bạn, thể hiện sự nổi tiếng của bạn... Còn "Share" cho phép bạn chia sẻ nội dung yêu thích của mình cho nhiều người cùng biết, được nêu quan điểm cá nhân về nó, để mọi người biết được bạn đang đọc gì, suy nghĩ gì... Bạn có thể sử dụng 2 hoạt động này tùy theo sở thích của mình trên các trang mạng xã hội.

[5] Tổng quan thị trường Digital Việt Nam trong năm 2022, https://manhtuongmedia.com/tong-quan-thi-truong-digital-viet-nam-trong-nam-2022/ [Truy cập 12/4/2023];

[6] Trên cơ sở tham khảo các định nghĩa nêu trên và xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra định nghĩa về tin giả trên không gian mạng như sau: Tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.

[7] Nguyễn Vĩnh Thắng, Quan điểm của C.Mác về bảo vệ thành quả cách mạng và vận dụng ở nước ta hiện nay; https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quan-diem-cua-c-mac-ve-bao-ve-thanh-qua-cach-mang-va-van-dung-o-nuoc-ta-hien-nay-538099; [Truy cập 09/4/2023]

[8] Dũng Chinh, Bị cáo Huỳnh Trương Ca lãnh án 5 năm 6 tháng tù; https://www.baodongthap.vn/phap-luat/bi-cao-huynh-truong-ca-lanh-an-5-nam-6-thang-tu-81750.aspx; [ truy cập 16/4/2023];

[9] Xét xử vụ án Nguyễn Thị Cẩm Thúy và đồng phạm chống phá Nhà nước: 9 năm tù cho kẻ cầm đầu; https://tinhuykhanhhoa.vn/tin-bai/phap-luat/Xet-xu-vu-an-Nguyen-Thi-Cam-Thuy-va-dong-pham-chong-pha-Nha-nuoc--9-nam-tu-cho-ke-cam-dau-9563; [ truy cập 16/4/2023];

[10] Bảo Minh, Tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù về các hành vi vi phạm, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/tuyen-phat-bi-cao-pham-chi-dung-15-nam-tu-ve-cac-hanh-vi-vi-pham-tuyen-truyen-chong-pha-dang-nha-nuoc-648418; [ Truy cập 16/4/2023];

 

Tác giả: Ngô Văn Lượng - Viện KSND tỉnh Đồng Tháp