Xuất bản thông tin

null khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền kiến nghị việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền kiến nghị việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người nghiện ma túy để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc

= = =

1. TÍNH CẤP THIẾT

Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Nghị định 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH 13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hầu hết đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm về ma túy, giúp người bị nghiện ma túy cai nghiện để sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát nhận thấy quy trình, thủ tục từ giai đoạn lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đến giai đoạn  xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có sự tham gia của rất nhiều cơ quan chuyên môn như Công an xã, phường, thị trấn (Công an xã), Ủy ban nhân nhân xã, phường, thị trấn, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội. Vấn đề đặt ra là trong giai đoạn kiểm sát, kiểm sát viên phát hiện có vi phạm trong việc lập hồ sơ đề nghị thì phải kiến nghị cơ quan nào? Hướng khắc phục những vi phạm trên ra sao? Để đảm bảo nâng cao vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện.

2. THỰC TIỄN VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA NGƯỜI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

2.1 Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Căn cứ vào các quy định pháp luật và sự phối hợp của các cơ quan liên quan thì trình tự thủ tục của việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện như sau:

Bước 1. Lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Cơ quan Công an cấp xã đấu tranh, phát hiện và lập biên bản đối với đối tượng là người nghiện có hành vi sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn mà không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

-  Cơ quan Công an cấp xã đề nghị cơ quan Y tế xác định tình trạng nghiện ma túy và trả lời kết quả theo đề nghị của cơ quan Công an.

Bước 2. Thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cơ quan Công an cấp xã thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Bước 3. Gửi hồ sơ để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hết thời hạn đọc hồ sơ, cơ quan Công an đánh bút lục, lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật về văn thư lưu trữ và chuyển hồ sơ kèm theo văn bản của UBND cấp xã, phường, thị trấn đề nghị Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thời gian kiểm tra tính pháp lý không quá 05 ngày làm việc.

Bước 4. Xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đối chiếu hồ sơ đề nghị theo quy định, chuyển toàn bộ hồ sơ về Công an cấp xã

- Công an xã hoàn thành hồ sơ chuyển Tòa án, Tòa án có trách nhiệm gửi hồ sơ Viện kiểm sát xem xét trước khi mở phiên họp.

 Bước 5: Tổ chức phiên họp xem xét, Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Toà án nhân dân cấp huyện tổ chức phiên họp theo quy định Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH 13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có sự tham gia của Viện kiểm sát, Cơ quan đề nghị áp và người bị đề nghị dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bước 6: Thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2.2 Thực tiễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, người viết nhận thấy. Những tháng đầu năm 2021, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện T đã đề nghị 11 trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Tòa án nhân dân huyện T mở 11 phiên họp. Nhìn chung, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hầu hết đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm về ma túy, giúp người bị nghiện ma túy cai nghiện để sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ người viết nhận thấy hầu hết các hồ sơ đề nghị gửi Viện kiểm sát đều có những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan liên quan được pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ điển hình là một số dạng vi phạm phổ biến của các cơ quan liên quan như sau:

- Đối với Công an cấp xã:

Được pháp luật quy định trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị phải đầy đủ, chính xác, phản ánh đúng với thực tế, nhưng khi kiểm sát viên tham gia kiểm sát hồ sơ thì phát hiện các tài liệu: Biên bản xác minh nơi cư trú của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; lý lịch của người bị đề nghị, Văn bản đề nghị giao cho khu xã hội thuộc cơ sở điều trị nghiện quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nội dung những tài liệu trên chỉ thể hiện đối tượng nghiện ma túy dạng Methamphetamin, nhưng theo kết quả xác định tình trạng nghiện của Trung tâm y tế huyện T, xác định đối tượng nghiện ma túy dạng Methamphetamin (ma túy đá), Marijuana (cần sa), Methylene Dioxy Methamphetamin (thuốc lắc). Như vậy, các tài liệu trên chưa ghi đầy đủ các chất ma túy mà đối tượng đã nghiện. Ngoài ra hồ sơ do Công an xã lập thể hiện không đầy đủ về tiền án, tiền sự của các đối tượng, những tài liệu khác có sự tẩy xóa, văn bản là chữ đánh máy, nhưng có nội dụng ghi thêm bằng chữ viết tay làm giảm tính pháp lý của tài liệu đó.

- Đối với Trung tâm y tế cấp huyện:

Được pháp luật quy định trách nhiệm kiểm tra, xét nghiệm và kết luận tình trạng nghiện của đối tượng bị Công an cấp xã đề nghị nhưng tài liệu trong hồ sơ lại mâu thuẫn giữa phiếu kết quả xét nghiệm thể hiện đối tượng nghiện ma túy dạng Methamphetamin (ma túy đá), Marijuana (cần sa), Methylene Dioxy Methamphetamin (thuốc lắc), nhưng văn bản kết luận lại chỉ ghi nội dung tượng nghiện ma túy dạng Methamphetamin (ma túy đá).

- Đối với Phòng tư pháp:

Được pháp luật quy định trách nhiệm kiểm tra tình pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng văn bản thông báo kết quả kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có nội dung mâu thuẫn với kết luận của trung tâm y tế về số chất ma túy mà đối tượng đã nghiện.

- Đối với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội:

Được pháp luật quy định trách nhiệm là cơ quan đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng văn bản đề nghị lại thể hiện không chính xác số lượng chất ma túy mà người bị đề nghị đã nghiện, không thể hiện đúng về tiền án, tiền sự của người bị đề nghị dẫn đến không áp dụng chính sát tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức đề nghị có khi quá thấp hoặc quá cao.

Từ những thiếu sót, vi phạm trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nêu trên, đã gây khó khăn trong việc đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, quyết định áp dụng quy định về nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Tại điểm c, khoản 2, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 quy định:

1. …

2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

a) …

b) …

c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) …”

Mặt khác, việc ghi nhận chưa đầy đủ các loại chất ma túy mà người bị đề nghị đã nghiện, còn gây khó khăn trong áp dụng phác đồ điều trị cho từng người bị nghiện, có thể dẫn đến quá trình điều trị không đạt hiệu quả cao.

3 Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị và đề xuất giải pháp

3.1 Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị

Những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan nêu trên cần được khắc phục triệt để nhằm tạo thuận lợi trong việc đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân của người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng cũng như điều trị cho người bị nghiện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong giai đoạn Viện kiểm sát kiểm sát hồ sơ phát hiện những vi phạm trên thì phải kiến nghị cơ quan nào để kiến nghị đó vừa mang tính khắc phục được vi phạm trong hồ sơ đó và phòng ngừa vi phạm đối với những hồ sơ sau. Ví dụ, thiếu sót, vi phạm ở giai đoạn ban đầu của Công an lập hồ sơ thì kiến nghị ai ? Vi phạm trong giai đoạn đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì kiến nghị ai ? Viện kiểm sát trực tiếp thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan chuyên môn hay yêu cầu, kiến nghị Tòa án để thông qua đó Tòa án yêu cầu các cơ quan chuyên môn khắc phục vi phạm.

Mặt khác, thẩm quyền về luật định lại chưa quy định rõ ràng về quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát trong thực hiện kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Giả sử, chúng ta thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Công an xã hay Phòng Tư pháp, Trung tâm y tế hoặc Phòng Lao động, Thương binh và Xã Hội thì rõ ràng đây là những cơ quan chuyên môn không trực tiếp phối hợp với Viện kiểm sát và không có căn cứ pháp luật quy định về quyền yêu cầu, kiến nghị đối với các cơ quan này. Còn nếu chúng ta thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Tòa án vì Tòa án là cơ quan chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thì giống như “Đau bụng mà chữa đau đầu” vì những vi phạm đó không phải do Tòa án, hoặc Tòa án có yêu cầu khắc phục nhưng không được sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn. Kiến nghị của viện kiểm sát cũng không đạt yêu cầu, thiếu sót, vi phạm cũng không khắc phục được.

3.2 Đề xuất giải pháp

 Để thực hiện tốt hơn việc lập và thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát,  xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân, góp phần quan trọng trong công tác nói trên được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội tại địa phương trong thời gian tới, người viết nhận thấy những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị cần thực hiện như sau:

3.2.1 Giải pháp lâu dài:

- Thứ nhất: Viện kiểm sát cấp cấp trên cần  kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH 13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. theo hướng quy định rõ, mở rộng quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát đối với các cơ quan chuyên môn có thiếu sót, vi phạm trong việc lập hồ, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Thứ hai: kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn bổ sung để chẩn đoán và điều trị các chất ma tuý như: Ketamine, Cocaine, Cần sa và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12-12-2007 về hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma túy nhóm OPIATS (chất dạng thuốc phiện) và Quyết định số 3556/QĐ-BYT ngày 10-9-2014 về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) theo hướng đơn giản dễ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; xây dựng tài liệu và đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế cấp xã về chẩn đoán nghiện ATS;

- Thứ ba: Viện kiểm sát cấp huyện và các cơ quan chuyên môn liên quan cần xây dựng quy chế phối hợp trong việc việc lập hồ, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhằm khắc phục được vi phạm nhanh nhất, tranh tình trạng tránh né trạch nhiệm, đỗ lỗi cho nhau.

3.2.1 Giải pháp hiện nay:

Thứ nhất: Trường hợp các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trong việc lập hồ, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có để xảy ra thiếu sót thì nhằm tạo điều kiện cho việc xử lý được kịp thời thì kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo trực tiếp liên hệ các cơ quan có thiếu sót yêu cầu khắc phục, bổ sung sớm nhất những thiếu sót đó cho Tòa án, Viện kiểm sát. Những thiếu sót nào không thể khắc phục kịp thì kiểm sát viên cần làm rõ tại phiên họp, qua đó điều chỉnh phát biểu tại phiên họp cho phù hợp;

Thứ hai: Trường hợp các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trong việc lập hồ, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có để xảy ra vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác liên quan thì kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo tổng hợp kiến nghị đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, để có những chỉ đạo chung cho các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban có vi phạm, Vì các cơ quan như Công an xã, Trung tâm y tế, Phòng Tư Pháp, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan tham mưu, trực thuộc Ủy ban, chịu sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Như vậy, Viện kiểm sát không cần kiến nghị nhiều nơi mà kiến nghị vẫn đạt được yêu cầu phòng ngừa những vi phạm trong những hồ sơ khác, nâng cao được vai trò của Viện kiểm sát trong công tác phục vụ chính trị địa phương.

Thứ ba: Trường hợp thiếu sót, vi phạm trong giai đoạn của Tòa án từ khi thụ lý đến khi kết thúc phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì tùy thuộc vào mức độthiếu sót, vi phạm kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định.

Như vậy, tùy thuộc vào cơ quan có thiếu sót, vi phạm mà kiểm sát viên vận dụng linh hoạt quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị để yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát gửi đến đúng nơi, đúng người, mục đích đạt được cao nhất. Qua đó nâng cao vai trò của Viện kiểm sát./.

       Lê Công Hậu - Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp