Xuất bản thông tin

null Bài học về uống nước nhớ nguồn

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài học về uống nước nhớ nguồn

Hòa cùng không khí của đất nước, hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7/2021, là dịp để mỗi người chúng ta ghi nhớ lời căn dặn của Bác về công tác đền ơn đáp nghĩa

= = = = =

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặt vòng hoa và viếng các liệt sĩ

tại Đài Liệt sĩ Hà Nội năm 1958 (Ảnh tư liệu).

Một sự kiện có ý nghĩa thể hiện sự tri ân sâu sắc, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đối với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời lan tỏa những thông điệp về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tới xã hội, cộng đồng, nhân dân cả nước. 

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm tới sự hy sinh cao cả của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Đó là những con người dũng cảm xả thân cho Tổ quốc được độc lập, tự do, cống hiến cả tuổi xanh của mình cho tương lai đất nước. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, những gia đình người có công với cách mạng. Kế thừa theo quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, mẫu chuyện về “Tấm lòng của Bác với thương binh, liệt sĩ” thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc trong lý luận và thực tiễn. Từ đó, đã đọng lại trong tư tưởng của mỗi người cán bộ, đảng viên sự nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với Tổ quốc, khiến chúng ta phải suy ngẫm và hiểu hơn về giá trị, tinh thần trách nhiệm của mỗi người. Câu chuyện có nội dung như sau:

“Ngày 10 tháng 3 năm 1946, báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư có đoạn, Người viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Tiếp sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”.

Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 7 tháng 11 năm 1946, Người đã đến dự lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng không kêu ca, phàn nàn.

Trước tình hình ấy, tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm là “Ngày Thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Có lẽ trừ những ngày kỷ niệm quốc tế - “Ngày Thương binh:” là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức.

Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm là Ngày Thương binh Liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.

Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27 tháng 7 năm 1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.”

Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (l.127 đồng) để tặng thương binh.

Năm sau, ngày 27 tháng 7 năm 1948, trong một thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta.

Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.

Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hoá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ... Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. ”

(Trích Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tập II,

Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, tháng 7/2019)

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về sự nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công việc và đối với đất nước, biết sống, học tập, làm việc theo gương Bác, để mỗi chúng ta thật sự xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước. Từ những lá thư của Người, đã gợi lên sự nhận thức, bài học về sự tri ân trong mỗi con người Việt Nam về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Người đã gắn sự tổn thất lớn lao của những thương binh, liệt sĩ vào ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được sống trong hòa bình. Có thể nói, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với Thương binh, gia đình Liệt sỹ và những người đã kinh qua chiến đấu. Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn. Đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các Liệt sỹ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các Liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của Thương binh và Liệt sỹ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” (Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Thực hiện Di chúc của Người, các cấp chính quyền và đoàn thể xã hội đã có những chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều việc để đền ơn đáp nghĩa như: Tặng quà cho các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, giúp đỡ thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ, thắp nến tri ân… Từ những việc làm thiết thực, thông qua công tác chăm sóc thương binh và gia đình chính sách, đây vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm xã hội, không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ mà còn củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, nhận thức và tri ân các vị anh hùng dân tộc, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của nước nhà, tự do của dân tộc, những thương binh đã cống hiến cả thanh xuân và tuổi trẻ để ngày hôm nay, chúng ta được sống, học tập và làm việc trong hòa bình, tự do. Khi đất nước không còn tiếng súng thì ở bất cứ một nơi nào trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam, luôn vang vọng trong tiềm thức mỗi đồng bào là hình ảnh những người mẹ, người vợ đã từng âm thầm đưa tiễn những đứa con đất Việt lên đường chiến đấu. Nhưng,... có mấy cuộc chia ly có ngày đoàn tụ, có mấy ai có được ngày trở về, từ những người con của quê hương, họ đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, theo tiếng gọi của đất nước, lớp lớp thế hệ đã lên đường, chung sức, đồng lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chiến tranh đã khiến bao thế hệ những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành lịch sử, họ đã ra đi và hy sinh xương máu của mình cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Để ngày hôm nay, từ tiếng gọi của quê hương đã trở thành niềm tự hào của tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc “Tổ quốc ghi công”, khiến mỗi người con đất Việt có thể lắng nghe tiếng gọi thân thương “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và cuối đầu trước anh linh những “Chiến sĩ vô danh”. Để những người đã và đang được sống trong nền hòa bình, độc lập biết trân quý và kín cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, để mỗi chúng ta tự soi rọi lại chính mình, để thế hệ trẻ tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện tu dưỡng xây dựng quê hương đất nước, như những câu thơ “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”.

Thực hiện lời dạy của Bác, chúng ta là những thế hệ trẻ Việt Nam, nhất là cán bộ, Đảng viên ngành Kiểm sát, thì vai trò, trách nhiệm đối với xã hội, với nhân dân thông qua việc thực hiện những công việc mỗi ngày là hết sức cần thiết. Với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì mục tiêu là lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, kiên quyết đấu tranh với tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân và cách nhìn phiến diện, các dấu hiệu “Tự diễn biến, “Tự chuyển hóa”, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Để người cán bộ Kiểm sát “vừa hồng, vừa chuyên”, có đủ đức, đủ tài để đảm đương nhiệm vụ và được nhân dân tôn trọng, để xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Ngành, đồng thời xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đây chính là những việc làm thiết thực nhất, thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm đối với Tổ quốc. Trong suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân, phải nhận thức được việc sống, học tập và làm việc thật tốt mỗi ngày, mỗi việc, theo lời dạy của Bác “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”, để chúng ta biết tri ân và trân trọng cuộc sống mà các thế hệ cha, anh đi trước đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời để đổi lại Tổ quốc Việt Nam, hòa bình, độc lập, đất nước không còn tiếng súng. Họ chính là những người con Việt Nam đã ra đi và không trở lại, bỏ lại một tuổi trẻ còn biết bao ước mơ và hoài bảo, để ngày hôm nay chúng ta không chỉ biết ơn và sống có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, mà phải nhận thức được cuộc đời mỗi con người đều gắn liền với trách nhiệm của một thế hệ đã và đang sống tiếp cuộc đời và tuổi trẻ mà những thế hệ đi trước còn đang dang dỡ. Có thể nói, cuộc chiến của họ là cuộc chiến của cả dân tộc, trên mỗi mãnh đất đều thấm đượm mồ hôi, nước mắt và xương máu của các anh trên các chiến trường khói lửa, vì mục tiêu độc lập, tự do. Nhưng, cuộc chiến của thế hệ thanh niên, cán bộ, Đảng viên trẻ trong tình hình mới, là cuộc chiến của mỗi cá nhân trên mặt trận tư tưởng, trong nhận thức và hành động trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, về lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính vì vậy, trong mỗi suy nghĩ, hành động của mỗi người không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với bản thân, mà còn có trách nhiệm với gia đình và xã hội, trách nhiệm với sự hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước, mà trách nhiệm lớn hơn là trách nhiệm đối với Tổ quốc. Bởi vì, ở bất cứ một nơi nào trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam, chúng ta đều có thể cuối đầu tưởng niệm và tri ân, vì dưới mãnh đất quê hương chúng ta có thể có những con người, đã ngã xuống nơi chiến trường mà nay đã trở thành những “Chiến sĩ vô danh”, như những câu thơ về “Những người con bất tử” của tác giả Phan Trung: “Các anh ngã vẫn mang hồn Đất nước. Trái tim hồng tôi tiếp bước các anh”.

Có lẽ, mỗi chúng ta ít nhất một lần đã từng nghe những câu thơ của một cựu chiến binh viết cho người bạn đã hy sinh được phổ thành ca khúc lay động lòng người, để tri ân đồng đội của nhà báo, thiếu tá Lê Bá Dương tại chiến trường Quảng Trị. Một cuộc chiến đấu anh dũng của thế hệ cha, anh trên Thành Cổ Quảng Trị, một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm (từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972) giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày nay, bên bờ Nam sông Thạch Hãn, nơi có bến thả hoa và có tấm bia đá ghi lại bài thơ. Đó là minh chứng cho một thời đạn lửa và là nơi để bày tỏ lòng tri ân của lớp người đi sau đối với những anh hùng đã hy sinh cho mảnh đất Quảng Trị và cho đất nước Việt Nam: Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!”

Những câu thơ nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, gợi lên trong tiềm thức những đau thương, mất mát của dân tộc Việt Nam trong những ngày khói lửa. Từng câu thơ như một lời nhắc nhở, trở thành động lực để mỗi người cán bộ Kiểm sát, những con người Việt Nam yêu nước trong thời đại mới, với những “Khát vọng tuổi trẻ” phải suy nghĩ và hành động khi lắng nghe những khúc hát của tác giả Vũ Hoàng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”./.

                                                          Anh Kiều, Viện KSND huyện Tân Hồng