Xuất bản thông tin

null Mất tình cảm anh em vì lợi ích cá nhân

Dân số VKS_ANNINH_TRATTU_CHUYENVUAN

Mất tình cảm anh em vì lợi ích cá nhân

Chỉ vì chút lợi ích từ phần tài sản cha mẹ để lại mà tranh chấp kéo dài, đánh mất tình anh em ruột thịt trong gia đình

= = = = =

Thửa đất 640, tọa lạc phường X, thành phố C, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng do tranh chấp kéo dài giữa ông C với em ruột bà T. Ông C cho rằng đất của ông có được một phần là do ông L là bà con xa cho 1.279,25m2, có giấy cho đất và một phần do cha là ông Đ cho 498,15m2 trước năm 1963, chỉ nói miệng. Hộ bà T sử dụng thửa đất 641 liền kề tự ý xây nhà, trồng cây lấn chiếm nên tranh chấp, phường X hòa giải nhiều lần không thành. Ông C khởi kiện yêu cầu hộ bà T trả đất lấn chiếm, yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu cây trồng trên đất đo đạc thực tế 1.732,5m2.

Ảnh minh họa từ nguồn internet

Bà T cho rằng thửa đất 640 là của cha mẹ bà là ông Đ (chết 1963) và bà M (chết 1983). Ông Đ và bà M có 05 người con: ông S (chết 2020), ông C (chết 2021), bà P, ông Tg (chết 1994) và bà T. Khi còn sống, ông Đ bà M đã chia đất cho ông S, ông C cất nhà ở. Bà T sống chung với ông Đ bà M nên cùng sử dụng nhà, đất thửa 640, trong thời gian còn sống bà M đã cho luôn bà T phần đất này. Sau khi bà M mất, bà T tiếp tục quản lý, sử dụng nhà, đất làm nhà thờ cúng thì ông C tranh chấp. Năm 1989, Tòa án tỉnh Đồng Tháp đã xét xử phúc thẩm giao cho do bà T quản lý, sử dụng. Năm 1993, bà T đi trị bệnh vắng nhà, chị L chị Th (con ông C) tự ý cất nhà lá trên đất tranh chấp, chưa được sự đồng ý của bà T. Ông C không quản lý, sử dụng đất này và cũng không có tên trong sổ bộ địa chính, tranh chấp kéo dài nên không ai được đăng ký QSD đất. Bà T không đồng ý yêu cầu của ông C, chỉ đồng ý giao ông C 521,4m2 đất có căn nhà của chị L, chị Th; diện tích còn lại chia thừa kế cho bà P và anh K.

Chị L, chị Th là con của ông C cho rằng ông C cho đất năm 1986, đến năm 1993 cất nhà, sử dụng ổn định đến nay, thống nhất yêu cầu ông C. Bà P thống nhất trình bày của bà T, khi cha mẹ còn sống đã cho đất ông S và ông C và có nói cho bà P và ông Tg mỗi người 01 nền nhà, cạnh nhà bà T, bà P yêu cầu chia thừa kế cho bà 667,7m2. Anh K là con duy nhất của ông Tg, thống nhất trình bày của bà T và bà P, yêu cầu chia thừa kế thế vị diện tích 643,7m2. Ông S thống nhất trình bày của bà T, bà P, anh K; không đồng ý yêu cầu của ông C.

Bản án dân sự sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông C, không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà P và anh K. Bà P và anh K kháng cáo, yêu cầu chia thừa kế cho bà P và anh K. Viện kiểm sát nhân dân thành phố C kháng nghị sửa một phần án sơ thẩm, đề nghị xem xét xác định di sản của ông Đ, bà M để chia thừa kế theo pháp luật cho bà P và anh K.

Giai đoạn phúc thẩm, do không thu thập được Bản án dân sự phúc thẩm năm 1989 của Tòa án tỉnh Đồng Tháp cũng như Biên bản anh em hòa thuận phân chia đất năm 1985 nên chưa đủ căn cứ chứng minh đất đang tranh chấp đã được giải quyết bằng Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp nhận thấy, ông C cho rằng phần đất được ông Đ cho trước 1963 nhưng không giấy tờ, không tài liệu chứng cứ chứng minh, không được các anh chị em của ông C thừa nhận, thực tế ông C cũng chưa từng sử dụng phần đất này, nên không chấp nhận yêu cầu ông C được quyền sử dụng xác định phần đất này là di sản của ông Đ bà M để lại, để chia thừa kế theo quy định pháp luật. Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án tỉnh Đồng Tháp nhận định Tờ cho đất năm 1984 và quá trình sử dụng đất của ông C có con là chị L, chị Th cất nhà, sử dụng ổn định trên 30 năm để công nhận quyền sử dụng đất cho ông C toàn bộ diện tích đất tranh chấp, nên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Xét thấy nhận định trong Bản án phúc thẩm chưa đúng với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã Thông báo cơ quan có thẩm quyền xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.

Qua vụ án trên cho thấy, với những vụ án tranh chấp về chia thừa kế, nhất là chia thừa kế quyền sử dụng đất thường rất phức tạp và kéo dài, nhưng đây là vụ tranh chấp kéo dài nhất trong số các vụ án dân sự. Như vụ án nêu trên, vì phần tài sản cha mẹ để lại không có di chúc mà sau khi cha mẹ vừa mất, các anh chị em ruột phát sinh tranh chấp liên tục nhiều năm, không thuận thảo để thỏa thuận phân chia, giữ gìn tình cảm anh em trong gia đình. Việc tranh chấp Tòa án đã có giải quyết từ năm 1989 và các anh em đã thỏa thuận phân chia, nhưng không lấy đó để thực hiện mà tiếp tục tranh chấp kéo dài. Đến nay, các anh chị em, có người đã chết, người tuổi cao sức yếu vẫn phải chờ một sự giải quyết công bằng, đúng quy định.

Vụ án này là hồi chuông cảnh tỉnh về tình anh em trong gia đình, chỉ vì chút lợi ích từ phần tài sản cha mẹ để lại mà tranh chấp kéo dài, đánh mất tình anh em ruột thịt trong gia đình.

Ngọc Trang, Phòng 9 – Viện KSND tỉnh Đồng Tháp