Xuất bản thông tin

null Mỗi ngày một lời Bác dạy - lời Bác dạy ngày này năm xưa 15.8.1948

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Mỗi ngày một lời Bác dạy - lời Bác dạy ngày này năm xưa 15.8.1948

Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là: Phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung

= = = = 

Là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm tướng trong quân đội trong buổi nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, họp tháng 8 năm 1948.

Bác đã luận giải tường minh từng phẩm chất của người làm tướng:

          Trí, là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng.

          Tín, là phải làm cho người ta tin mình. Thí dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn nghĩa tự tin vào sức mình nữa, nhưng không phải là tự mãn tự cao.

          Dũng, là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.

          Nhân, là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cảm cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.

          Liêm, là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.

          Trung, là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.

Những yêu cầu trên xuất phát từ thực tế khách quan và hoàn toàn phù hợp với quy luật xây dựng và bản chất của quân đội kiểu mới - một quân đội của dân, do dân và vì dân.

Thấu triệt lời Bác dạy, các thế hệ tướng lĩnh trong quân đội - những người đứng mũi, chịu sào, chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng luôn khắc ghi và phấn đấu, rèn luyện. Mỗi vị tướng trong quân đội luôn nhận thức sâu sắc bổn phận phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình; có tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần dám đánh và biết cách đánh thắng quân thù; tiêu biểu mẫu mực về tinh thần tự học, tự rèn; mưu lược, biết địch, biết ta; biết phân tích thiên thời, địa lợi, nhân hòa; biết lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; biết phát huy sở trường, sở đoản của quân mình; hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu, chiến thắng quân thù…

Trong giai đoạn hiện nay, phẩm chất người đứng đầu rất quan trọng trong bất cứ ngành, tổ chức, đơn vị nào. Riêng đối với ngành kiểm sát để học tập và làm theo lời Bác dạy, người đứng đầu Ngành kiểm sát nói chung phải thường xuyên coi trọng tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; nghe và tiếp nhận những ý kiến phê bình, những phản ứng của cấp dưới và công chức trong đơn vị. Người đứng đầu phải thực sự là trung tâm đoàn kết, chủ động xây dựng đoàn kết, thống nhất cao trên cơ sở vì nhiệm vụ chung của cơ quan. Khi đoàn kết được quan tâm thường xuyên xây dựng, giữ gìn thì sức mạnh của cơ quan được phát huy.Để người đứng đầu phát huy được vai trò cá nhân với nhiệm vụ được giao và ngày càng có uy tín, được tập thể tin yêu, mến phục thì tập thể đơn vị phải mạnh dạn phê bình, không sợ sệt hoặc ích kỷ, hẹp hòi, an phận mà không dám mạnh dạn chỉ ra cái sai của người đứng đầu có như vậy Ngành kiểm sát của ta mới ngày càng vững mạnh, niềm tin từ nhân dân ngày một lớn hơn nữa./.

                    Lê Công Hậu-Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp