Xuất bản thông tin

null Một số vấn đề cần lưu ý áp dụng Công văn số 64 của Toà án tối cao về đương nhiên xóa án tích

CHUYỂN ĐỔI SỐ VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Một số vấn đề cần lưu ý áp dụng Công văn số 64 của Toà án tối cao về đương nhiên xóa án tích

Ngày 03/4/2019 Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 64/TANDTC-PC (sau đây gọi tắt là Công văn số 64) trong đó có hướng dẫn xem xét đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 BLHS

= = = =

Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng pháp luật, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Trong phạm vi bài viết, người viết chỉ nêu và phân tích trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù và các quyết định khác của bản án (đã hết thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 70 BLHS), nhưng chưa chấp hành xong phần trách nhiệm dân sự thì xử lý như thế nào.

Mục 7 phần I Công văn số 64 quy định “Điều 70 Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.

Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan Thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự”.

Theo người viết, nội dung tại mục 7 phần I cần được hiểu là: người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục thi hành án đã tiếp nhận và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu nhưng vì một lý do nào đó người bị kết án không nhận được thông báo và quyết định thi hành án thì mới xem là không đương nhiên được xóa án. Do đó, khi áp dụng Công văn số 64 cần lưu ý cần xem xét người được thi hành án còn thời hiệu yêu cầu thi hành án quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự hay không hay không.

- Trường hợp người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án trong thời hạn luật định hoặc trường hợp người bị kết án phạm tội mới khi thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì cần được xem là người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

- Trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án và người bị kết án phạm tội mới khi thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết, khi đó, áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, phải xem như người phải thi hành án đã thi hành án xong, thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Tóm lại, trên thực tế việc áp dụng điểm 7 phần I Công văn số 64 còn nhiều cách hiểu khác nhau. Việc xác định đã được xóa án tích hay chưa được xóa án tích là vấn đề quan trọng, là căn cứ để xác định có hay không có tội phạm hoặc là tình tiết định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 52 Bộ luật Hình sự. Do đó, người viết nêu lên vấn đề và quan điểm cá nhân để quý đọc giả cùng nghiên cứu, bàn luận.

Trần Xuân Hải