Xuất bản thông tin

null Chưa thông suốt quy định về chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất – nguyên nhân khiếu kiện hành chính

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Chưa thông suốt quy định về chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất – nguyên nhân khiếu kiện hành chính

Ngày 16/11/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hành chính sơ thẩm giữa ông M và Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Đồng Tháp

= = =

Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đời sống của người dân thị trấn TC, huyện T, tỉnh Đồng Tháp, nên ngày 31/12/2019 Ủy ban nhân dân (UBND) huyện T ban hành quyết định số 1974 và số 2001 thu hồi đất đối với ông M tổng cộng 4.302,4m2  đất trồng lúa, thuộc một phần diện tích đất có nguồn gốc do ông M nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi ban hành các quyết định về việc bồi thường số 2075 và số 2045 thì UBND huyện T chỉ bồi thường về đất cho ông M mà không hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không  hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, vì ông M là người đã nghỉ hưu, không phải là đối tượng trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp. Ông M khiếu nại yêu cầu giải quyết hỗ trợ chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, mức hỗ trợ bằng 03 lần giá đất nông nghiệp. Ngày 14/7/2020, Chủ tịch UBND huyện T ban hành quyết định giải quyết khiếu nại số 40 bác khiếu nại của ông M, giữ nguyên các quyết định bồi thường. Không thống nhất với việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, ông M đã khởi kiện vụ án hành chính đến TAND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu hủy tất cả các quyết định thu hồi, bồi thường về đất của UBND huyện T và quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện T.

Ảnh minh họa từ nguồn internet

Tranh tụng tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của ông M giữ yêu cầu khởi kiện và cho rằng:

Theo điểm b, khoản 2, Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp quy định: “b) Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;...” được hiểu “đối tượng đã nghỉ hưu” phải kèm điều kiện “đang được hưởng trợ cấp xã hội” thì mới không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Còn ông M là đối tượng đã nghỉ hưu, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho đối tượng hưu trí do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả, độc lập với Ngân sách Nhà nước, ông M không được hưởng trợ cấp xã hội theo Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định về đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Do vậy, ông M không thuộc đối tượng loại trừ tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT.

Ý kiến của người bị kiện cho rằng:

Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 37/30.6.2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định: “1. Cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) không thuộc đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.”

Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong các trường hợp: “Thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà cần xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ” và tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:“Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội”. Ông M là cán bộ đã nghỉ hưu, có văn bản của UBND thị trấn TC  xác nhận ông M không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, cho nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp. Người bị kiện không đồng ý hủy các quyết định theo yêu cầu của người khởi kiện.

Sau khi kết thúc tranh luận và nghe ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và tuyên xử bác yêu cầu khởi kiện của ông M.

Qua vụ án này cho thấy nhận thức pháp luật về đất đai, nhất là chính sách thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của một bộ phận người dân, trong đó cả công chức, viên chức đang công tác hoặc đã nghỉ hưu là chưa được thông suốt. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai để hạn chế đến mức thấp nhất các khiếu kiện hành chính.

Phước Dư, Phòng 9