Xuất bản thông tin

null Bài học về phát huy dân chủ

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài học về phát huy dân chủ

Trích lời của Bác: Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ...

= = =

Hướng đến kỷ niệm 76 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2022), một mốc son lịch sử được diễn ra trong bối cảnh giai đoạn cách mạng mới thành công, chính quyền mới thành lập còn non trẻ, đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Nối tiếp truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc, với ý chí kiên định, lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, mục tiêu vì hòa bình, độc lập, tự do cho nhân dân, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14-SL ngày 08-9-1945 về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Đây là một trong những bước ngoặc lịch sử, đưa con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bổ sung nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc được tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi, tạo sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhằm giáo dục và kế thừa truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, nâng cao sự nhận thức pháp luật, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ”, nhằm phát huy dân chủ rộng rãi, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, các cấp và các ngành đặc biệt quan tâm, trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp. Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, bài học từ Các chú nói có lý nhưng chưa hợp lý” thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc, được thể hiện từ phong cách sống, học tập và làm việc của mỗi cá nhân trong thực tiễn công tác. Từ đó, đọng lại trong tư tưởng mỗi người sự nhận thức đúng đắn về bài học dân chủ và thực hành dân chủ, kết hợp sức mạnh cá thể với sức mạnh tập thể, trên tinh thần “Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết – Thành công thành công đại thành công” như lời dạy của Người. Câu chuyện có nội dung sau:

“... Các đồng chí Bộ Chính trị đều tham gia ý kiến rồi gửi lại cho Bác. Bác xem và bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy bản của đồng chí Trường Chinh làm bản gốc, vì bản này có nhiều ý kiến thiết thực, sau đó bổ sung các ý từ những bản của các đồng chí khác. Sửa xong, Bác cho đi đánh máy lại và ngày 30-1 mời đồng chí phụ trách tuyên huấn sang cùng Bác soát lại lần cuối. Đồng chí tuyên huấn đọc xong, cười gượng, nói:

            - Thưa Bác, so với bản bên Tuyên huấn gửi sang, Bác sửa lại hầu hết ạ.

Bác cười độ lượng:

            - Bác có sửa nhưng các ý chính trong bài Bác có sửa đâu.

            Đồng chí phụ trách tuyên huấn thưa:

            - Thưa Bác, cán bộ Đảng ta nói chung là tốt. Chỉ có một số ít thoái hoá biến chất. Bác đặt đầu đề như vậy thì mạnh quá, xin Bác đưa về “Nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, vế “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” xuống sau ạ!

            Bác quay sang hỏi đồng chí Vũ Kỳ:

            - Ý kiến chú thế nào?

            Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác là đồng ý với đề nghị của đồng chí tuyên huấn. Nghe xong Bác nói:

            - Các chú có lý, nhưng chưa hợp lý. Bác muốn hỏi điều này. Gia đình các chú tiết kiệm mua được một bộ bàn ghế và giường tủ mới. Vậy trước khi bê vào phòng, các chú có khênh đồ cũ ra quét sạch sẽ hay cứ để rác bẩn thỉu mà kê bàn ghế, giường tủ mới vào?

            Ngừng một lát. Bác tiếp:

            - Vì các chú là đa số. Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại đầu đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nhưng trong bài dứt khoát giữ nguyên ý: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.”

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về sự nhận thức, tư duy và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực tiễn công tác đối với tổ chức, biết sống, học tập, làm việc theo gương Bác, để mỗi chúng ta có chính kiến trong từng lời nói, hành động khi thực hiện nhiệm vụ được phân công. Từ một câu nói của Bác nhưng hàm chứa sự giáo dục sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ trong quá trình đổi mới, hội nhập để xây dựng và phát triển đất nước, với tư tưởng lấy dân làm gốc. Người chỉ rõ: “... Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Chính vì vậy, học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức thì Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật và đã có những đổi mới trong nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2011), với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đây chính là bước tiến mới trong việc xác định dân chủ trong thực hiện mục tiêu của đổi mới so với trước đây: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2001). Bởi lẽ, khi xác định đặt vế dân chủ lên trước vế công bằng đã khẳng định có “dân chủ” thì mới có “công bằng”, đây chính là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, tư duy hết sức quan trọng, tạo tiền đề để xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nguyên tắc hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2022, cùng với các cấp, các ngành tại địa phương thì Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Tháp đã quán triệt toàn Ngành cùng nỗ lực phấn đấu và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo, đột phá theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022, chỉ thị toàn Ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đối với Viện kiểm sát nhân dân, tập trung thực hiện tốt những yêu cầu của công tác tư pháp và cải cách tư pháp, thực hiện phương châm: “Đoàn kết, đổi mới Trách nhiệm, kỷ cương Thực chất, hiệu quả”. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Đồng Tháp nói riêng, với vai trò là một cơ quan tư pháp dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao thì việc phát huy dân chủ rộng rãi, tạo sức mạnh của tập thể để giữ gìn đoàn kết nội bộ, đấu tranh với tình trạng quan liêu, cục bộ địa phương, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ cũng chính là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu đặt ra, nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi thông qua những hành động và việc làm thiết thực gắn liền với nhiệm vụ công tác của đơn vị.

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tiên phong, gương mẫu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tránh tư tưởng chủ quan, cục bộ, Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”, “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”, đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ. Đặc biệt, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ … gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, “cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan”, như Bác từng chỉ rõ: “Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng. Quyết chống: không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn”. Do đó. để thực hiện tốt lời dạy của Bác và nhiệm vụ chính trị đặt ra, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát, nhất là những đảng viên trẻ cần không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đáp ứng được yêu cầu của công việc trong tình hình mới, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng thì mỗi người cán bộ cần có tinh thần cầu thị, đặc biệt nâng cao công tác tự phê bình và phê bình để người cán bộ có chính kiến, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức và lối sống, nói không với mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, gây mất đoàn kết nội bộ. Để người cán bộ thực hành và phát huy dân chủ rộng rãi, tất cả vì lợi ích chung và thật sự là là công bộc của nhân dân, như chính câu nói của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây chính là việc làm thiết thực nhất việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và bài học về chữ “dân chủ” khi “thiểu số phải phục tùng đa số” như chính lời dạy của Người đối với các đồng chí phụ trách tuyên huấn. Qua đó, tăng cường việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, phát huy tính dân chủ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, đây chính là hình ảnh khắc họa chân thực, rõ nét nhất việc học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ, trên cơ sở “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”./.

Lê Kiều, VKS Tân Hồng