Vai trò của Viện KSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ của các thế lực phản động
Vai trò của Viện KSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ của các thế lực phản động
Vai trò của Viện KSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ của các thế lực phản động...
= = =
Tóm tắt: Các thế lực thù địch tiếp tục đưa ra thông tin, luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận sự thật về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Khi trả lời phỏng vấn, một số đối tượng còn bày tỏ cái nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử. Thậm chí, các thế lực chống phá còn cố tình nhập nhằng, đánh lận bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta rằng trận Điện Biên Phủ “chỉ là cuộc đụng độ giữa 2 thế lực hiếu chiến”. Đặc biệt, chúng còn tráo trở cho rằng, thực chất quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác. Đây là những luận điệu không mới về thủ đoạn, nhưng hết sức thâm độc với mục đích gieo rắc sự hoài nghi, nhằm làm giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quân đội ta trên trường quốc tế.
Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được Hiến pháp quy định, Viện KSND (Viện KSND) có trách nhiệm to lớn trong công cuộc đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng Đảng nói chung và trong chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng. Trong bài viết, tác giả làm rõ trách nhiệm, giải pháp trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng Đảng nói chung và trong chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng của Viện KSND.
Từ khóa: Viện KSND; chiến thắng Điện Biên Phủ,luận điệu sai trái.
1. Vai trò của Viện KSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ của các thế lực phản động.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam từ 1945 đến 1954 kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) là trận tiêu diệt địch lớn nhất của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký hiệp định Giơnevơ (21-7-1954). Kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, đây cũng là thắng lợi chung của các dân tộc nhỏ yếu trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Chiến thắng này cũng chứng minh chân lý của thời đại “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một đất nước nhỏ bé đã đánh bại một đất nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ trên toàn thế giới. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của cách mạnh tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta, nó được ví như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong thời gian ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp để giành hoà bình bằng việc đàm phán với thực dân Pháp mà cả thế giới đều biết. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa với việc đưa hàng chục vạn binh lính cùng hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất lúc bấy giờ, trút bom đạn lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội.
Hiện nay, khi cả nước đang tưng bừng chào đón kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (07/5/1954 – 07/5/2024) thì trên một số trang web, trang mạng xã hội lại xuất hiện một số bài viết có nội dung phán xét, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn này của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh việc tập trung xuyên tạc vào bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta; chúng còn xuyên tạc các lãnh đạo của Quân đội nhân dân ta, cũng như tân bóc, ca ngợi các vị tướng lĩnh phe địch. Đây là những luận điệu, hành động không mới về thủ đoạn nhưng hết sức thâm độc, qua đó gieo rắc sự nghi ngờ, làm phân tâm niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ hiện nay.
Hình ảnh đưa tin chống phá (Nguồn: Sưu tầm)
Trên cơ sở nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ là “sự vô ơn”, bóp méo lịch sử của các thế lực phản động, Viện KSND có trách nhiệm đấu tranh phản bác bằng những lập luận xác thực, vừa đảm bảo tính lý luận, vừa bám sát thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Các luận cứ lập luận bao gồm:
Thứ nhất, nói về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các thế lực, phản động xuyên tạc rằng, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến; hay đáng nói hơn, chúng tráo trở cho rằng, thực chất Quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác. Phải khẳng định rằng, trong thời gian ấy, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp giành lấy hoà bình bằng giải pháp đàm phán với Pháp mà cả thế giới đều biết. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, chúng đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất để giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội. Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc ta đã nhất tề đứng lên, vượt qua hi sinh, gian khổ để giành chiến thắng cuối cùng tại Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5-1954), buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Điều đó khẳng định, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ, của nhân dân Việt Nam là kết quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách, bản lĩnh và trí tuệ của toàn dân tộc; là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thắng lợi của sự kiên trì đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân và của nghệ thuật quân sự tài tình. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thắng đã thuộc về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chứ đâu phải như những ý kiến lạc lõng, phản động trên.
Thứ hai, Với thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng nham hiểm, tinh vi, xảo quyệt, thay hình, đổi dạng, trong những ngày qua trên một số Website, Blog, tài khoản mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước liên tục “nhào nặn”, “vá víu” thâu nối các chiêu trò cũ rích với luận điệu, tư duy ngụy biện xảo trá, đánh tráo khái niệm, suy diễn méo mó, thô thiển không phân biệt phải – trái, đúng – sai, chính nghĩa – phi nghĩa, xuyên tạc lịch sử của của dân tộc ta. Chúng cho rằng những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ là một sự “ăn may”, đồng thời chúng còn lạc lõng đưa ra những thứ gọi là “sử liệu” hòng cố tình xuyên tạc, phủ nhận hạ thấp thắng lợi của nhân dân ta. Với những giọng diệu thô bỉ của những kẻ vô ơn, bạc nghĩa, chúng còn phủ nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ người con đất Việt đã anh dũng hy sinh, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Chúng cho rằng đất nước được thống nhất, thanh bình như hôm nay không có những đóng góp của các anh hùng liệt sĩ và người có công với đất nước, với nhân dân. Những thủ đoạn đổi trắng, thay đen, bóp méo xuyên tạc lịch sử nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam tuy không phải chiêu trò mới, nhưng nó có tác hại ghê gớm, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và những thành quả cách mạng, phủ nhận tầm vóc, giá trị to lớn của chiến thắng mang tầm vóc quốc tế của dân tộc ta, nhân dân ta. Nhưng, những luận điệu xuyên tạc và nham hiểm của các thế lực thù địch trở nên thô thiển và trơ trẽn khi giá trị to lớn về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đã ngấm vào máu, vào xương, vào thịt trong mỗi người con đất Việt từ trẻ đến già. Những giá trị lịch sử đó có ý nghĩa to lớn, là thành quả kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước; sự hy sinh lớn lao cả xương máu và nước mắt mà dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã trải qua trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945 – 1954) và 21 năm dài chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 – 1975). Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi vĩ đại, vẻ vang của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước mãi mãi đi vào lịch sử và trường tồn cùng dân tộc; là những mốc son trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn mang tầm vóc thời đại sâu sắc.
2. Một số giải pháp nâng cao Vai trò của Viện KSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ của các thế lực phản động.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, Đảng ta đã dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tiếp theo tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng. Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”; “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn. Đây được nhận định là một trong những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ và tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới. Do đó để phát trách nhiệm của Viện KSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ là “sự vô ơn”, bóp méo lịch sử của các thế lực phản động, thời gian tới cần nhận thứ đúng đắn và tiếp tục thực hiện có hiệu quả một số công tác trọng tâm sau:
Thứ nhất, thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; cụ thể là Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X” và Luật Phòng, chống tham nhũng. Phối hợp với cấp ủy cùng cấp triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện, xử lý tội phạm nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia; đảm bảo việc xử lý tội phạm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quản lý, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật; xác định đấu tranh với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên;
Thứ ba, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phải có những việc làm thiết thực, luôn ý thức tuyệt đối trung thành với đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Gương mẫu trong mọi hành động của bản thân đối với đồng nghiệp và nhân dân nơi cư trú. Không nghe và không làm theo những tuyên truyền sai trái về các chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước. Sống giản dị, tiết kiệm, tăng cường trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết gắn kết giữa việc thực hiện Nghị quyết 35 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ra sức cùng cơ quan, đơn vị đưa công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đi vào nền nếp đạt hiệu quả cao, phải luôn chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; không để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên Internet, mạng xã hội. Sử dụng lành mạnh các trang mạng xã hội như Facebook, Internet, v.v…để phục vụ cho công tác chuyên môn của bản thân. Chủ động nhận diện, đấu tranh loại bỏ trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, từ việc viết bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ là “sự vô ơn”, bóp méo lịch sử của các thế lực phản động, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, bôi xấu các lãnh đạo cấp cao, nhằm gây chia rẽ nội bộ; đến những việc như kêu gọi tụ tập, kích động biểu tình, chống phá; gây hấn, lăng nhục, chửi bới vô cớ, phạm pháp… để khiêu khích chính quyền, lực lượng chức năng “trấn áp” và quay video clip, chụp ảnh, livestream để vu oan cho chính quyền… Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, nhân dân hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không nghe, đọc, tán phát, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận; đồng thời, phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tóm lại: Trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, Chi bộ tiếp tục trọng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, tăng cường công tác giáo dục về lịch sử truyền thống, tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ, nhằm khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, lập trường tư tưởng, chính trị để cán bộ, đảng viên có đủ kiến thức, nhãn quan chính trị, nhạy bén nhận biết những thông tin sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử của kẻ xấu để lên án, đấu tranh hiệu quả. Coi trọng xây dựng tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng để nhân dân các dân tộc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng về lịch sử truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nhất là giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.Viện KSND tiếp tục chủ động, tích cực đấu tranh xuyên tạc chiến thắng Điện Biên Phủ là “sự vô ơn”, bóp méo lịch sử của các thế lực phản động và phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm minh tội phạm, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam, hòa bình, thống nhất, giàu đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Văn Hùng, Hữu Tín- Viện KSND thành phố Sa Đéc
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Thắng , Thượng tá , TS. Nguyễn Đức Hà (Đồng Chủ biên), Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 203.
- Nguyễn Việt Lâm (2023), “ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tác động của cuộc chiến thông tin trên không gian mạng”, Tạp chí Cộng sản, Số 1.006, Trang 49.
- Ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện sử học: Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.
- Vũ Thái Dũng: Công tác dân vận trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, Tạp chí điện tử Lý luận chính trị, ngày 25-11-2021, đường link: http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/3837-cong-tac-dan-van-trong-chien-cuoc-dong-xuan-1953-1954-va-chien-dich-dien-bien-phu.html.
- Trần Hà: Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc, Báo điện tử Kinh tế & Đô thị, ngày 07-5-2019, đường link: https://kinhtedothi.vn/bai-hoc-chien-thang-tu-the-tran-long-dan.html.