Publicador de Conteúdos e Mídias

null Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồng Ngự ban hành kiến nghị về việc khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật về tình trạng trẻ hóa độ tuổi ly hôn trên địa bàn

Chi tiết bài viết VKS_ANNINH_TRATTU_CHUYENVUAN

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồng Ngự ban hành kiến nghị về việc khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật về tình trạng trẻ hóa độ tuổi ly hôn trên địa bàn

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồng Ngự ban hành kiến nghị về việc khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật về tình trạng trẻ hóa độ tuổi ly hôn trên địa bàn

===

 

Thông qua công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân, gia đình trên địa bàn thành phố Hồng Ngự, Viện kiểm sát nhân dân thành phố nhận thấy trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn trên địa bàn có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội nói chung và của từng cuộc sống gia đình nói riêng. Hậu quả của việc ly hôn không chỉ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống, tâm lý, có thể tác động đến việc hình thành, phát triển nhân cách của những người con và dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội...đó cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh các loại hình vi phạm, tội phạm, cũng như các tệ nạn xã hội.

1. Tình hình số liệu các vụ án hôn nhân và gia đình

Năm 2022 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồng Ngự đã thụ lý kiểm sát 196 vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình do Tòa án nhân dân thành phố Hồng Ngự thụ lý, giải quyết (tăng 15 vụ so với năm 2021).

Năm 2023 thụ lý kiểm sát 277 vụ (tăng 81 vụ so với năm 2022).

Trong 06 tháng đầu năm 2024 thụ lý kiểm sát 183 vụ (tăng 73 vụ so với cùng kỳ năm 2023 (06 tháng đầu năm 2023 là 110 vụ). 

Đáng chú ý là trong tổng số vụ án tranh chấp về hôn nhân gia đình Tòa án đã thụ lý, giải quyết thì độ tuổi ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ từ 30 tuổi trở xuống chiếm gần 70% và hầu hết đều đã có con (chiếm 93%).  

Qua công tác kiểm sát và tham gia xét xử, một số vụ Ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn điển hình như:

Vụ án: bà Nguyễn Thị Mỹ Linh; sinh năm 2002 và ông Bùi Nhựt Hào, sinh năm 2002. Nguyên nhân chính để ly hôn là do ông Hào không lo làm ăn và không quan tâm chăm sóc vợ con, chỉ lo ăn chơi, bà Linh nhiều lần khuyên ngăn ông Hào không sửa mà còn bỏ nhà đi không về.

Vụ án: bà bà Nguyễn Thị Mộng Thu, sinh năm 1994 và ông Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1993. Nguyên nhân chính để ly hôn là do ông Linh sử dụng ma túy đá thường xuyên, sau khi sử dụng xong thì dùng bạo lực đánh đập bà Thu phải nằm viện khi đang đang mang thai.

Vụ án: bà Châu Thị Diễm Hương, sinh năm 1996 và ông Nguyễn Phương Nam, sinh năm 1994. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do ông Nam không lo làm ăn, mà chỉ ăn chơi và nghiện ma túy; mặc dù đã được cha mẹ hai bên hàn gắn nhưng không hàn gắn được vì ông Nam không sửa đổi nên cũng dẫn đến việc ly hôn.

Vụ án: bà Bùi Thị Kim Đồng, sinh ngày 14/10/2001 và ông Lê Phú Tân, sinh năm 1994. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn là ông Tân bị nghiện rượu, sau khi đi nhậu về thường xuyên dùng bạo lực đánh đập bà Kim Đồng; lần gần nhất là khi bà Kim Đồng mới sinh được vài tháng, trong lúc nhậu say ông Tân tiếp tục rượt đánh thì được mọi người can ngăn; bà Kim Đồng nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, nên yêu cầu được ly hôn với ông Lê Phú Tân.

 Vụ án: bà Nguyễn Thị Bạch Vân, sinh năm 1969 và ông Nguyễn Quốc Trung, sinh năm 1969. Nguyên nhân chính để vợ chồng ly hôn là do bà Vân phát hiện ông Trung có mối quan hệ bất chính với người phụ nữ khác bên ngoài; đồng thời khi về nhà ông Trung thường xuyên chửi bới và có những hành vi bạo lực, đe doạ đối với vợ con.

2. Nguyên nhân của tình trạng ly hôn

Từ những vụ án nêu trên, hầu hết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn là do:

+ Nhận thức của các cặp vợ chồng về pháp luật hôn nhân gia đình còn hạn chế; Kết hôn khi chưa đủ chín chắn, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng về tính cách, lối sống, suy nghĩ;

+ Nhận thức về cuộc sống gia đình, ý nghĩa của hôn nhân còn hời hợt, coi nhẹ hôn nhân đã khiến các cặp vợ chồng trẻ không đủ bản lĩnh, kỹ năng giải quyết, vượt qua mâu thuẫn; do tiếp xúc với nhiều mặt trái của xã hội dẫn đến nhiều tệ nạn, không chung thủy, không vì mục đích chung đã dẫn đến ly hôn.

+ Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình chưa được quan tâm đúng mức; Việc nắm bắt những mâu thuẫn trong nhân dân còn chưa kịp thời; Công tác hòa giải cơ sở hiệu quả chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn gia tăng.

Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như: Tư tưởng lạc hậu, do người vợ không sinh được con nên người chồng muốn ly hôn để lấy vợ mới với mục đích có con “nối dõi tông đường”; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do nhận thức về xã hội, pháp luật chưa đầy đủ, thậm chí nhiều trường hợp người chồng nghiện ngập ma túy, cờ bạc, rượu bia…

          Đa số các cặp vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn không cùng nhau tìm cách tháo gỡ hay nhờ sự giúp đỡ của gia đình và các tổ chức đoàn thể, chính quyền cơ sở để được góp ý, hòa giải mà đã vội đến Tòa án yêu cầu được ly hôn.

Hậu quả của việc ly hôn sẽ khiến cho mỗi cá nhân chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe, kinh tế, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời sẽ để lại gánh nặng cho xã hội nếu con cái của họ bị bỏ rơi, không được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dẫn đến hư hỏng, sa ngã vào tệ nạn xã hội…

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ly hôn trên, nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Viện KSND thành phố Hồng Ngự đã ban hành kiến nghị đề xuất đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp phòng ngừa như sau:

1. Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở, tăng cường công tác hòa giải tại cơ sở để giúp những cặp vợ chồng có sự ổn định cùng bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, đưa ra các giải pháp tháo gỡ để hạn chế tình trạng ly hôn ở giới trẻ như hiện nay. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như thông qua các buổi họp như: Đoàn thanh niên; chi bộ khóm, ấp; hội người cao tuổi, phụ nữ hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng…  

2. Hàng năm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức kiểm tra, sơ kết, tống kết để rút kinh nghiệm và kịp thời biểu dương, khen thưởng những Hòa giải viên, Tổ hòa giải, UBND cấp xã và các cơ quan tổ chức có thành tích trong việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, để động viên khích lệ, nhân rộng điển hình và coi đây là một tiêu chí để xét thi đua hằng năm đối với UBND cấp xã và các cơ quan tổ chức có liên quan.

3. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chỉ đạo các Chi hội phụ nữ cơ sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật phòng chống bạo lực gia đình; thường xuyên liên hệ, thăm hỏi và giúp đỡ đối với trẻ em trong các gia đình có cha mẹ ly hôn, tạo điều kiện cho các em học tập, vui chơi, ổn định về tâm sinh lý và phát triển toàn diện.

4. Đối với các gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, Đoàn Thanh niên… thường xuyên theo dõi có biện pháp tuyên truyền, giáo dục; giúp đỡ đối với con chưa thành niên, nhất là những đứa trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật hoặc bị ngược đãi; tạo điều kiện cho các em học tập, vui chơi, ổn định về tâm sinh lý… 

5. Phòng Lao động, Thương binh và xã hội; Phòng Tư pháp phối hợp với Đài Truyền thanh, các cơ quan, đoàn thể có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; vận động xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và một số văn bản liên quan khác như: Nghị định số 120/2021/NĐ-CP; Nghị định số 140/2021/NĐ-CP; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; Nghị định số 109/2021/NĐ-CP của Chính phủ...để các hộ gia đình tăng cường nhận thức cũng như hiểu rõ thêm về tác hại của ma túy, giúp phụ nữ có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình, kịp thời báo với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội khi người trong gia đình sử dụng ma túy dẫn đến bạo lực gia đình…

Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần giảm thiểu tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng tại địa bàn, thông qua những nội dung đã nêu trên việc kiến nghị phòng ngừa nêu trên của Viện KSND thành phố Hồng Ngự đối với UBND thành phố là nhằm giảm tình trạng mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình và giảm số vụ án ly hôn Tòa án phải thụ lý giải quyết, để mỗi gia đình trên địa bàn thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương./.  

Ngọc Oanh – Viện KSND thành phồ Hồng Ngự