Xuất bản thông tin

null Bài học về dám nghĩ, dám làm - Hướng đến kỷ niệm 99 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Bài học về dám nghĩ, dám làm - Hướng đến kỷ niệm 99 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Hướng đến kỷ niệm 99 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người lãnh đạo với tư duy đổi mới, sáng tạo (23/11/1922 - 23/11/2021)

= = = = =

Diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đề ra chủ trương, định hướng để cán bộ, đảng viên “6 dám”, đó là: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, thay vì “3 dám” như nhiệm kỳ Đại hội XII: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người chiến sĩ cách mạng với tư duy đổi mới, sáng tạo đã có những quyết định táo bạo mang tính bước ngoặc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

Ảnh tư liệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (11/11/1965)

Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, noi gương Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và sửa đổi lề lối làm việc, để người cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách, như lời căn dặn của Bác: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 66). Thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát nói riêng đã được nghe nhiều mẫu chuyện về Bác. Trong đó, bài học từ “Hai bàn tay” thật sự mang ý nghĩa, giá trị sâu sắc trong thực tiễn công tác tại đơn vị, được thể hiện từ chính tư duy của mỗi cá nhân trong một tổ chức. Từ đó, đã đọng lại trong tư tưởng của mỗi người cán bộ, đảng viên sự nhận thức đúng đắn trong suy nghĩ và hành động về hình ảnh của người cán bộ, đảng viên “6 dám” trong tình hình mới, khiến chúng ta phải suy ngẫm và hiểu hơn về giá trị bản thân mỗi con người, trong quan hệ công tác để hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Câu chuyện có nội dung như sau:

Năm 1911, năm ấy Bác còn trẻ lắm mới khoảng 21 tuổi. Một hôm anh Ba - tên của Bác hồi ấy, cùng một người bạn đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, rồi bỗng đột nhiên anh Ba hỏi người bạn cùng đi:

- Anh Lê, anh có yêu nước không?

Người bạn đột nhiên đáp:

- Tất nhiên là có chứ!

Anh Ba hỏi tiếp:

- Anh có thể giữ bí mật không?

Người bạn đáp:

- Có

Anh Ba nói tiếp:

- Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?

Anh Lê đáp:

- Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

- Đây, tiền đây – anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay. Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, người bạn đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kĩ về cuộc đi có vẻ phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Còn Bác Hồ đã đi ra nước ngoài bằng chính đôi bàn tay của mình. Bác đã làm nhiều nghề khác nhau: Phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết… và đi khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu dân, cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giải phóng cho dân tộc.

VŨ KỲ”

(Trích Kể chuyện đạo đức Bác Hồ - Nxb. Giáo dục, 1997 - ST)

Một câu chuyện nhỏ nhưng mang giá trị giáo dục sâu sắc về sự nhận thức, tư duy và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công việc và đối với đất nước, biết sống, học tập, làm việc theo gương Bác, để mỗi chúng ta thật sự xứng đáng với các thế hệ đi trước. Từ một cuộc trò chuyện, một câu nói của Bác nhưng hàm chứa sự giáo dục sâu sắc, gắn bó với việc học tập suốt đời, đã được khắc họa rõ nét bằng phong cách sống, học tập và làm việc trọn vẹn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, như chính lời nói của Bác với một người bạn khi đi dạo khắp thành phố Sài Gòn. Theo dòng lịch sử, mỗi chúng ta đều khắc ghi trong tư tưởng về Chú Sáu Dân, một hình ảnh khắc họa rõ nét về tấm gương tiêu biểu, năng động, sáng tạo nhưng quyết đoán, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, một người lãnh đạo có tâm, có tầm, với tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã có những quyết định mang tính bước ngoặc, tạo ra những mốc son lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tất cả vì lợi ích chung, một người lãnh đạo đầy bản lĩnh, với tinh thần trách nhiệm đã mạnh dạn vượt qua ranh giới của những định kiến, lề lối cũ trong quá trình đổi mới và hội nhập, từng bước đưa đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn, thử thách trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Nhìn lại những chặng đường lịch sử, trước muôn vàn khó khăn, thách thức, những định kiến xã hội, tư duy, lề lối cũ trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới đất nước từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), trong Văn kiện Đại hội, Đảng ta khẳng định: “Chỉ có đổi mới tư duy thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy hết những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa”, Đảng ta bắt đầu thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, chuyển đổi cơ chế quản lý nền kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cố Thủ tướng vẫn một lòng kiên định, giữ vững lập trường, lý tưởng cách mạng, với một niềm tin sâu sắc với đường lối của Đảng, đã vận dụng sáng tạo sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, với tư duy của người cách mạng trong thời đại mới đã đóng vai trò quan trọng quyết định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có thể thấy, tư tưởng và con người của chú Sáu Dân chính là hình ảnh khắc họa rõ nét nhất, chân thật nhất về lời dạy của Bác về bài học dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Ảnh tư liệu: Quang cảnh đào kênh Trung Ương rửa phèn cho Đồng Tháp Mười

 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, chú Sáu Dân đã có những quyết định quan trọng, góp phần mang lại những chuyển biến lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có quyết định về việc khai phá những ha đất hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng ở vùng Đồng Tháp Mười, như lời kể của ông Lê Vĩnh Tân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: “Đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có đến làm việc với Đồng Tháp và cũng thống nhất là Đồng Tháp Mười cần có chiến lược để khai phá. Từ đó, đầu những năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt lập ra 2 đề án nghiên cứu về đất và kế hoạch khai phá Đồng Tháp Mười”. Chính vì vậy, cuối những năm 1980, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo 03 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang để bàn về biện pháp khai thác có hiệu quả vùng đất này. Trước nhiều ý kiến trái chiều, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông kết luận: “Chúng ta phải làm, nếu có mất thì chỉ mất một phần của 3 tỉnh. Nếu thành công thì có lợi cho cả đất nước”. Từ kế hoạch đã xác định phải đào nhiều tuyến kênh thủy lợi xuyên qua vùng đất này để tháo chua, rửa phèn, đây chính là quyết định táo tạo, đã tạo tiền đề cho vùng đất chín rồng trở thành một trong những vựa lúa lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đóng vai trò quyết định đối với vai trò xuất khẩu gạo của nước ta.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam năm 1994 - Ảnh tư liệu: Nguyễn Công Thành

Ngoài ra, một công trình mang đậm dấu ấn của Cố Thủ tướng, đó là đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam, với chiều dài gần 1.500 km được đưa vào vận hành ngày 27/5/1994, một quyết định táo bạo mang tính lịch sử nhưng đúng đắn. Có thể nói, đây là bước đột phá, đổi mới, sáng tạo về tư duy với vai trò lãnh đạo, chú Sáu Dân đã có những quyết định tạo bước ngoặc để phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới, trước những ý kiến và quan điểm trái chiều, một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm đã “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, với cương vị Thủ tướng Chính Phủ trong việc xây dựng đường dây 500kV Bắc – Nam, một trong những câu nói mang đậm dấu ấn của một người lãnh đạo quyết đoán được trích trong bài viết “Năng lượng Việt Nam với tầm nhìn Võ Văn Kiệt” của ông Võ Khắc Nghiêm: “Ai không đồng tình cứ đứng sang một bên. Ai đồng tình xin hãy xắn tay áo cùng tiến lên với công nhân xây lắp điện. Chúng ta đã từng xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ thắng lợi. Nay hãy mở con đường sáng dọc Trường Sơn đưa điện miền Bắc vào miền Nam thành công” (Trích Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân (Hồi ký), Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2012). Có thể thấy, người cán bộ khi “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá sáng tạo” nhưng không phải ai cũng “dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, nhưng bằng chính bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, dám đột phá, sáng tạo khi đối diện trước muôn vàn áp lực từ dư luận xã hội đã mạnh dạn, quyết đoán vào thời khắc quan trọng để đưa ra một quyết định táo bạo mang tính lịch sử, từ đó đã động viên kịp thời, tạo động lực, niềm tin, lòng quyết tâm và tiếp thêm sức mạnh cho những con người tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kiên trì, nhẫn nại để thực hiện một mốc son quan trọng trong lịch sử ngành Điện lực Việt Nam mà thế hệ hôm nay phải học tập và kế thừa, như nhận định của nguyên cố Tổng Bí Thư Đỗ Mười trong bài viết “Nói về anh Võ Văn Kiệt”: “Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói: anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình.” (Trích Võ Văn Kiệt- Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân (Hồi ký), Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2012).

Đặc biệt, một quyết định táo bạo, quyết đoán nhưng đúng đắn của Cố Thủ tướng khi đưa ra ý tưởng “Thoát lũ biển Tây”, giúp thoát lũ, dẫn ngọt, tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn hecta đất ở vùng Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Khẩu hiệu “Sống chung với lũ”, “kiểm soát lũ” đã được ông nói chính thức, đầu tiên tại hội nghị quy hoạch thủy lợi, phòng chống lũ ở Đồng Tháp Mười tổ chức ở Đồng Tháp năm 1995. Có thể nói, những quyết sách đúng đắn của cố Thủ tướng đã được chứng minh bằng thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như những câu trong bài thơ “Thủ tướng của nhân dân” của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang viết tặng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tháng 9/1998:

“Vẫn là Thủ tướng của nhân dân!

Vẫn là anh Sáu mọi gia đình

Lồng lộng bóng soi miền sông nước

Đời nặng ân tình, đất nặng chân”.

Có thể thấy, thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục học tập theo tấm gương mẫu mực, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Chính từ tư duy dám nghĩ, dám nói, dám làm, giữa lý luận và thực tiễn, cùng sự thống nhất trong nhận thức và hành động, ngày 05-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với một ý chí kiến định, sự quyết tâm và lòng yêu nước sâu sắc, “Người đi tìm hình của Nước” đã bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, đã tạo nên bước ngoặc lịch sử của cách mạng Việt Nam, như những lời thơ của Chế Lan Viên:

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!

Hiểu sao hết Người đi tìm hình của Nước

Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lǎm triệu con người.”

Học tập theo tấm gương đạo đức của Người, thế hệ thanh niên nói chung, cán bộ, đảng viên trẻ ngành kiểm sát nói riêng, thực hiện linh hoạt lời dạy của Bác với phương châm: Đổi mới trong cách nghĩ, mới mẽ trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”, trong xử lý và giải quyết công việc luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt nhưng phải xuất phát từ lợi ích chung, biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, mỗi cá nhân phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, các biểu hiện quan liêu, tư tưởng cục bộ, phải xuất phát từ lợi ích chung để giải quyết công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, muốn giữ vững được đạo đức cách mạng, chống lại được mọi thế lực thù địch thì trước hết, phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi con người là chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ, đảng viên trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trước. Tấm gương, tinh thần làm việc trách nhiệm của Bác còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói gắn liền với làm, không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, làm không như nói, người cán bộ, đảng viên ngoài việc “dám nghĩ, dám làm” thì việc “dám nói, dám chịu trách nhiệm” là điều không thể xem nhẹ, vì chỉ khi “dám nghĩ, dám làm” thì người cán bộ mới đủ bản lĩnh để “dám nói, dám chịu trách nhiệm”, điều này thể hiện tính gương mẫu, nêu gương trong nhận thức và hành động, như lời dạy của Bác: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Bên cạnh đó, Người cũng khẳng định nguyên tắc tập trung dân chủ, trên cơ sở “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, gắn tư duy sáng tạo với tinh thần trách nhiệm, hạn chế tình trạng vì lợi ích cá nhân mà có tư tưởng cầu toàn, e dè, đùn đẩy trách nhiệm mà không phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, với tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đổ lỗi, không xuất phát từ lợi ích chung của quốc gia, dân tộc mà đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả”, “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác”, đây chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII chĩ rõ. Vì vậy, từ thực tiễn đã được chứng minh qua những thành tựu của đất nước sau thời kỳ đổi mới, Văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là: “… có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” (Trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 179).

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW Ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đây là tiền đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương, định hướng để cán bộ, đảng viên “6 dám”: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, nhằm động viên kịp thời, tạo điều kiện để người cán bộ, đảng viên mạnh dạn đổi mới, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động, cách làm đột phá, vận dụng linh hoạt, sáng tạo giữa lý luận và thực tiễn trong công tác, để người cán bộ có chính kiến, biết phát huy năng lực, sở trường của mình, với lập luận, quan điểm vững chắc, niềm tin sâu sắc với đường lối của Đảng, để phát triển tư tưởng thành lý tưởng cách mạng, tất cả vì lợi ích chung, điều này cũng thể hiện việc học tập theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Do đó, việc học tập theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách sống, làm việc của Người, cùng với hình ảnh của chú Sáu Dân, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chính là tấm gương tiêu biểu nhất để thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam, trong đó có thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ ngành kiểm sát phải nhận thức được giá trị sâu sắc và ý nghĩa nhân văn trong lời dạy của Người, như nhận định của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong bài viết ““Dấu ấn Võ Văn Kiệt” trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”: “Về bản lĩnh, tôi luôn khâm phục đồng chí ở tính quyết đoán, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. …” (Trích Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân (Hồi ký), Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2012). Trong đó, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ trong thời kỳ hội nhập là hết sức cần thiết, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong học tập và làm việc, nhưng phải gắn liền với trách nhiệm và nêu gương, khi biết đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, đặt trách nhiệm trong công việc và nhiệm vụ được giao lên trước lợi ích của bản thân, lợi ích nhóm theo phương châm “Việc nước trước việc nhà” thì mới phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, như lời dạy của Người: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.1, tr.284).

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên nếu ý thức được vị trí, vai trò của mình thì mới có sự nhận thức về vị trí, vai trò đối với công việc, với nhiệm vụ mà cơ quan, tổ chức phân công, biết phát triển tư tưởng thành lý tưởng, từ đó mới có sự nhận thức lớn hơn về trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc. Bên cạnh trách nhiệm với bản thân, với cơ quan, tổ chức, mỗi người chúng ta đều là công dân của một quốc gia, dân tộc. Do đó, còn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, đối với người cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ thì yêu cầu về tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ còn đặt lên trên hết với việc nêu gương. Cùng với trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn phải tiên phong, gương mẫu đi đầu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện “tự diễn biến,tự chuyển hóa”,… Vì vậy, để thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát cần không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đáp ứng được yêu cầu của công việc trong tình hình mới, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng thì mỗi người cán bộ cần có tinh thần cầu thị, đặc biệt nâng cao công tác tự phê bình và phê bình, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, đây chính là việc làm thiết thực nhất về “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

bài học Dám nghĩ - Dám làm 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi mỗi cá nhân trong cộng đồng phải thể hiện ý thức trách nhiệm của mình, bình tĩnh, năng động, sáng tạo nhưng phù hợp từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể để xử lý mọi tình huống, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, điều này càng có ý nghĩa thực tiễn hết sức sâu sắc, có giá trị thiết thực khi thực hiện lời dạy của Bác và tấm gương tiêu biểu của chú Sáu Dân khi vận dụng đồng bộ các phương pháp chủ động, sáng tạo, linh hoạt nhưng quyết đoán khi xử lý tình huống trong công tác phòng, chống dịch, với phương châm dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, còn phải giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, song song với phát triển kinh tế, giáo dục và đạo tạo,… thông qua việc thực hiện những chính sách phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện, đối tượng cụ thể, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh. tạo điều kiện hỗ trợ người dân về quê do ảnh hưởng dịch, hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức giao thông, lưu thông hàng hóa, như lời nhấn mạnh của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính: “Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút thời gian qua, trong thời gian tới, phải có tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới hơn, sát tình hình thực tế hơn, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.”.

Đặc biệt, trước tình hình thế giới đang từng bước thay đổi quan điểm ứng phó với đại dịch Covid-19, từ cố gắng đẩy lùi và ngăn chặn triệt để, không để bùng phát dịch sang “chung sống an toàn”. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” một cách chủ động, sáng tạo, kịp thời. Theo đó, 04 cấp dịch của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ là: Nguy cơ thấp - bình thường mới, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, cùng với các quy định tương ứng với các cấp độ. Có thể nói, công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua đã được minh chứng bằng chính thực tiễn, với tư duy đổi mới, tại một số địa phương điển hình đã mạnh dạng chủ động, sáng tạo, với tư tưởng không theo lối mòn, áp dụng máy móc để “ngăn sông, cấm chợ” nhằm cầu toàn, đã áp dụng mọi biện pháp linh hoạt để vừa nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, vừa giúp ổn định đời sống nhân dân, kết quả đem lại những hiệu quả tích cực, thể hiện tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Có thể nói, phương châm dám nghĩ, dám làm” đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quán triệt sâu sắc, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trước tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đưa ra những quyết sách phù hợp nhưng linh hoạt, mạnh mẽ theo hướng đổi mới, sáng tạo. Đây được xem là những quyết định khó khăn nhưng đầy quyết đoán, bản lĩnh trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo kiểm soát nguồn dịch nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”, không gây ách tắc giao thông và lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, như lời dạy của Bác: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước... Không chịu tự phê bình, không chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” (Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1995, t.4, tr.26).

Cùng với việc thực hiện linh hoạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Công văn số 8918/BYT-MT ngày 20/10/2021 của Bộ Y tế về việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, các ngành và UBND các cấp khẩn trương triển khai đúng và đầy đủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 đã được quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khi người dân di chuyển và phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, ngành kiểm sát hai cấp tỉnh Đồng Tháp đã vận dụng chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động thực tiễn công tác tại đơn vị, thực hiện các biện pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với ngành kiểm sát đòi hỏi phải có những giải pháp thực hiện chủ động, linh hoạt, sáng tạo các chỉ tiêu của Quốc hội và Ngành giao, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công tác, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, vừa góp phần cùng với cả hệ thống chính trị phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định kinh tế, phát triển sản xuất, an sinh xã hội, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo phương châm “chung sống an toàn”, đây là bài toán khó đặt ra không chỉ riêng ngành kiểm sát mà cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành. Do đó, trong lý luận và hoạt động thực tiễn, đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc phương châm: Đổi mới trong cách nghĩ, mới mẽ trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”, với tư duy đổi mới, sáng tạo, không theo lối mòn mà phải tự mình nghiên cứu, sáng tạo và vận dụng, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong “Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên” (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) ngày 13-02-1962: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.

Đặc biệt, tại Hội nghị đối thoại trực tuyến diễn ra vào ngày 05/11/2021 giữa đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp với tất cả cán bộ, công chức ngành kiểm sát Đồng Tháp, đây là buổi sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thực tiễn hết sức sâu sắc, nhằm giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, tư tưởng, chính trị, lối sống của người cán bộ, đảng viên ngành kiểm sát trong tình hình mới, khuyến khích, động viên kịp thời và tạo điều kiện để cán bộ, công chức ngành kiểm sát nhận thức đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm của mình trong học tập và làm việc, trong đó có việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc triển khai thực hiện Quyết định 161/QĐ-VKSTC ngày 28/4/2021 về quy định chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của VKSND, bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm khuyến khích, động viên kịp thời và tạo điều kiện để người cán bộ kiểm sát phát huy tính năng động, sáng tạo và năng lực sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng thời việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không vì vụ lợi, để trù dập hoặc vì động cơ cá nhân. Đặc biệt, công tác giữ gìn đoàn kết nội bộ được lãnh đạo đặc biệt quan tâm và quán triệt sâu sắc, nhằm phát huy tính dân chủ, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, người cán bộ, đảng viên phải có tư duy đổi mới, tiến bộ, mạnh dạng trong cách nghĩ, cách làm, nhằm phát huy tính dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ, cùng với việc thực hiện đồng bộ, mềm dẻo, linh hoạt, chủ động, sáng tạo và có hiệu quả các giải pháp, tất cả vì lợi ích chung, chính là hình ảnh khắc họa chân thực nhất, rõ nét nhất việc học tập theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tinh thần “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, người đã thực hiện lời dạy của Bác bằng chính phong cách sống, học tập và làm việc của mình. Một câu nói, một lời dạy của Bác tưởng chừng đơn giản, nhưng nội hàm lại ẩn chứa giá trị cao cả mà thế hệ thanh niên, đảng viên trẻ ngày nay phải học tập và thực hiện suốt đời, như lời phát biểu của đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết luận tại Hội thảo “Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”: “… phát huy tính chủ động sáng tạo của các đơn vị và của từng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân; để mọi người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm để xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh. …”./.

Lê Kiều