资产发布器

null HƯỚNG VỀ “ĐỒNG BÀO” !

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

HƯỚNG VỀ “ĐỒNG BÀO” !

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Một câu nói nhẹ nhàng đã lay động triệu trái tim dân tộc Việt Nam...

= = =

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Một câu nói nhẹ nhàng đã lay động triệu trái tim dân tộc Việt Nam diễn ra cách đây hơn 79 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 02-9-1945) nhưng vẫn còn vang vọng trong tiềm thức mỗi người con đất việt về tiếng gọi thiêng liêng “ĐỒNG BÀO”, diễn ra trong bối cảnh cả nước đang hướng về đồng bào bị thiên tai do cơn bão số 3 (Yagi).

Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

 

Sau Cách mạng tháng tám thành công, đất nước rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, “thù trong giặc ngoài”, chính quyền cách mạng vừa mới thành lập còn non trẻ, ngày 28-9-1945, Bác Hồ viết bài kêu gọi “sẻ cơm nhường áo” đăng trên Tờ Cứu quốc: Hỡi đồng bào yêu quý, từ tháng giêng đến tháng bảy năm nay, ở Bắc Bộ ta đã có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ cứu nạn, mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn các đồng bào”.[1] Có thể thấy, sinh thời Bác rất quan tâm và chăm lo đời sống của Nhân dân, lời kêu gọi của Người đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quán triệt một cách sâu sắc, với phương châm “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, đồng bào ta đã từng bước vượt qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ, đưa dân tộc Việt Nam bước lên những mốc son lịch sử chói lọi, được minh chứng qua những thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng, với vai trò là một cơ quan tư pháp, cùng với các cấp, các ngành tại địa phương, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó thì vẫn không quên trách nhiệm của một công dân khi Tổ quốc cần, điều này đã được minh chứng qua thực tiễn công tác kiểm sát, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tân Hồng là một huyện biên giới, giáp với nước bạn Campuchia, với địa hình tương đối phức tạp, việc mở rộng, giao thương kinh tế ngày càng phát triển, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại công nghệ số. Từ đó, cũng kéo theo các tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp. Qua thực tiễn công tác kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, xét thấy vẫn có trường hợp bị can, bị cáo có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các tội danh có liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị tại địa phương… Tuy nhiên, dù rơi vào hoàn cảnh, tình huống nào, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì tinh thần thượng tôn pháp luật cũng là trách nhiệm của mỗi công dân, nếu vi phạm vẫn bị xử lý theo luật định, điều này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điển hình, trong năm qua Toà án đã đưa ra xét xử vụ án

 hình sự sơ thẩm về tội “Trộm cắp tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Quan H, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì phải được thi hành và người bị kết án phải được đưa đi chấp hành án đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm thì người bị kết án Nguyễn Quan H bị bỏng nặng do điện giật, không thể đi lại được nhưng không thuộc trường hợp được hoãn chấp hành án, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, có vợ và hai con nhỏ, không đủ điều kiện đến Trung tâm Y tế để điều trị mà gia đình tự chăm sóc tại nhà, do không được điều trị kịp thời, vết thương ngày càng nghiêm trọng, bệnh tình chuyển biến nặng hơn. Mặc dù vậy, trong thời gian tự nguyện chấp hành án thì gia đình vẫn kịp thời đưa người bị kết án Nguyễn Quan H đến trình diện tại Cơ quan Thi hành án hình sự Công an Huyện để đi chấp hành án đúng thời hạn luật định. Do đó, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Cơ quan Thi hành án hình sự Công an Huyện cung cấp, Lãnh đạo đã cùng một số đồng chí trong đơn vị vận động thêm một số mạnh thường quân quyên góp cho người bị kết án Nguyễn Quan H với số tiền là: 2.000.000đồng, dù giá trị không lớn nhưng đã kịp thời hỗ trợ, chia sẽ với gia đình người bị kết án Nguyễn Quan H để giảm bớt một phần khó khăn, giúp họ được điều trị kịp thời, sức khoẻ dần hồi phục và đã đi chấp hành án theo quy định của pháp luật.

 

Lãnh đạo và Kiểm sát viên VKSND huyện Tân Hồng đến thăm và trao quà cho người bị kết án Nguyễn Quan H (Ảnh tư liệu)

Có thể thấy, bên cạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thì việc thực hiện các chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta cũng được Ngành Kiểm sát hết sức quan tâm, dù xuất phát điểm từ hai vai trò khác nhau giữa một bên là cơ quan tư pháp, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự và một bên là bị can, bị cáo và người bị kết án nhưng tất cả đều là công dân trên lãnh thỗ Việt Nam, bên cạnh tinh thần thượng tôn pháp luật thì đều có lòng bác ái, bình đẳng, thương yêu và tôn trọng con người, điều này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật thông qua bản án có hiệu lực pháp luật thi hành, mà còn cần tính thấu đáo, “hợp tình, hợp lý”, hình phạt không chỉ mang tính răn đe, trừng trị mà còn giáo dục, giúp đỡ những con người vì một phút bồng bột, thiếu suy nghĩ mà trót lỡ lầm đường, lạc lối có cơ hội khắc phục, sữa chữa, hoàn thiện bản thân, hướng đến “Chân – Thiện – Mỹ”, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ một hành động, việc làm nhỏ bé nhưng thiết thực, hình ảnh người cán bộ Kiểm sát khoác lên mình màu áo thiên thanh, với tinh thần tương thân, tương ái, không ngừng học tập và làm việc theo tấm gương vĩ đại của một vị Lãnh tụ, như Người từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[2]. phong cách ứng xử và lối sống giản dị, gần gũi, thân thiện với quần chúng nhân dân, không phân biệt đối xử, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, giới tính, tấm lòng bình đẳng, bác ái mà vĩ đại của Bác càng được khắc họa rõ nét khi Người đến thăm tượng Nữ Thần Tự Do vào năm 1912, Bác đã ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng Thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Qua đó, thể hiện tấm lòng yêu thương, tôn trọng con người, như chính lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đọc Tuyên ngôn độc lập (ngày 02-9-1945):Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Có thể nói, dù là ai, xuất phát điểm từ đâu nhưng đều là những người con đất Việt thân thương, được thể hiện rõ qua câu ca dao, tục ngữ Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, điều này càng được khắc hoạ rõ nét qua 05 đức tính cần có của người cán bộ Kiểm sát, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo lời dạy của Người: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 vừa đi qua, tình hình kinh tế và đời sống người dân từng bước dần hồi phục thì cả nước lại tiếp tục đứng trước thách thức mới từ thiên nhiên, toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước đang chung tay, đối mặt với tình hình bão số 3 (Yagi) vẫn ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ mạnh lên thành bão số 4, đồng bào bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, cả nước đều hướng về đồng bào ruột thịt. Có thể thấy, chiến tranh đã qua đi, nhưng tình thần dân tộc vẫn tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác:“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hình ảnh những người chiến sĩ dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ, bất chấp nguy hiểm, căng mình trước thiên nhiên để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khi đất nước không còn tiếng súng thì vẫn có những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nghĩa cử cao đẹp của họ sẽ còn sống mãi trong lòng của Nhân dân, xứng đáng với lời dạy của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[3]. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam về tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, như lời dạy của Người: Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, dù chiến đấu trên mặt trận nào, thì sức mạnh của Nhân dân ta là sức mạnh cùng một ý chí, cùng một quyết tâm với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ trên tinh thần  trên hết trước hết, tất cả vì nhân dân (Nguồn: Báo Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bao-yagi-102240914164556444.htm)

Song song đó, cùng với các cấp, các ngành tại địa phương và mạnh thường quân, Ngành Kiểm sát Đồng Tháp nói chung, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Hồng nói riêng đã cùng chung tay, chia sẽ với cộng đồng, tự nguyện quyên góp với hình thức trích 01 ngày lương của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị được tổng số tiền là 5.637.000đồng. Đồng thời, thông qua việc vận động thêm một số mạnh thường quân quyên góp tại địa phương, dù giá trị không lớn nhưng với tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp của người cán bộ Kiểm sát đã góp phần cùng với các chiến sĩ và Nhân dân cả nước lan toả những thông điệp yêu thương, không ai có thể đứng ngoài cuộc, chung sức đồng lòng: “Góp gió thành bão”, “Tích tiểu thành đại”, hỗ trợ đồng bào khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, như câu ca dao, tục ngữ Việt Nam: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đây chính hình ảnh khắc hoạ chân thực nhất, rõ nét nhất việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về sức mạnh của sự đoàn kết, lòng yêu thương và tôn trọng con người. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong thời kỳ mới, với những “Khát vọng tuổi trẻ” phải suy nghĩ và hành động khi lắng nghe những khúc hát của tác giả Vũ Hoàng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”./. 

Lê Kiều

 

[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H. 2011.

[2]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H. 2011, tr.284.

[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H. 2011, tr. 350.