Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò của Ngành kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chi tiết bài viết VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Phát huy vai trò của Ngành kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, ngay từ khi đất nước vừa giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng...

= = =

 

I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Tham nhũng là “căn bệnh” luôn song hành cùng với quyền lực, là vấn nạn của  toàn xã hội vì nó không chỉ xảy ra trong các cơ quan Nhà nước mà còn xảy ra trong cả doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Sinh thời, ngay từ khi đất nước vừa giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng. Người có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với tệ tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu và thường xuyên giáo dục toàn Đảng, toàn dân đấu tranh không khoan nhượng với tệ  nạn này. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chủ nghĩa cá nhân là thứ “giặc nội xâm” còn  nguy hiểm hơn cả giặc bên ngoài, là “căn bệnh mẹ” sinh ra hàng trăm căn bệnh nguy  hiểm khác. Những người mắc bệnh này luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của  Đảng, của dân tộc, chiếm đoạt của công, dựa vào thế lực của Đảng để vụ lợi cho mục  đích riêng của mình.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người chưa dùng cụm từ “tham nhũng”, “tiêu cực”, mà sử dụng các thuật ngữ: “tham ô”, “nhũng lạm” (lạm dụng quyền lực nhũng nhiễn dân để đục khoét của dân), “’lãng phí”, “quan liêu”, “chủ nghĩa cá nhân”…Những khái niệm, thuật ngữ đó bản chất của nó thực chất là “tham nhũng” như Đại hội VI (1986) lần đầu tiên sử  dụng và cụm từ “Tham nhũng, tiêu cực” được đưa vào các văn bản hiện nay.

 

Nghiên cứu các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy tệ tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được Người diễn đạt dưới thuật ngữ chung nhất là tham ô. Người chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi "ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân", "lấy của công làm của tư", là gian lận, tham lam", "là không tôn trọng của công". "Của công" chính là "mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra"[1] để phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Của công là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta. Cho nên, mọi hành vi lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư đều là tham ô, "là hành động xấu xa của con người", "là tội lỗi đê tiện trong xã hội".

Tham nhũng, tiêu cực nảy sinh từ rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên để tìm rõ nguồn gốc và bản chất của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: vì đâu mà có lãng phí và tham ô. Người đã chỉ ra, tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra: “Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”[2]; “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn[3]

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí[4]. Người khẳng định: “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu”[5].

 

Đồng thời, Người còn chỉ ra nhiều căn bệnh tiêu cực khác nữa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu đạo đức cách mạng, sa vào “chủ nghĩa cá nhân”. Ngay từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và nêu lên những đòi hỏi cao hơn trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng" khi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra trực tiếp. Trước khi đi xa, Người căn dặn toàn Đảng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, là tội lỗi đối với Tổ quốc, với đồng bào”[6] . Tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng” cho dù “nó không mang gươm, mang súng” nhưng nó lại vô cùng nguy hại bởi “Nó nằm trong tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta…làm hỏng tinh thần trong sạch, ý chí khắc khổ của bộ đội ta. Nó phá hoại đọa đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”[7].

Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Từ tư tưởng đó cho thấy, nếu chúng ta không không đấu tranh với “giặc nội xâm” thì nó sẽ đục khoét bên trong, làm cơ thể chúng ta yếu đi, gây tác hại rất lớn cho cách mạng và cho công cuộc chống giặc ngoại xâm. Chính vì vậy, ngay từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách đây hơn nửa thế kỷ, Người đã cảnh báo câu chuyện là phải quan tâm đến “giặc nội xâm”, tức là những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực.

 

 

Tham nhũng, tiêu cực “là hành động xấu xa nhất của con người”, “là tội lỗi đê tiện trong xã hội”, “không gì tệ hơn nữa”, không những xâm hại đến lợi ích, đến tài sản Nhân dân mà còn gây thiệt hại to lớn về kinh tế, suy giảm nguồn lực phát triển của đất nước. Tệ tham nhũng, tiêu cực “Gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể (Đảng) xa nhân dân”[8] làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; mất đi mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trương chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và làm tiền đề cho mọi sự mất ổn định xã hội, là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ”.

II. VẬN DỤNG TƯ TƯƠNG HỒ CHÍ MINH VÀO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TẠI ĐƠN VỊ VIỆN KSND THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ

Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, VKSND có trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát từ khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ và trực tiếp điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc diện có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Hằng năm, căn cứ vào chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị công tác năm của Ngành, trong đó có nội dung về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, bảo đảm bám sát phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác chung của Ngành, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống tham nhũng. Thời gian qua, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật, quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Ngành có nhiều chuyển biến tích cực trong thực thi công vụ. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện. Hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngày càng công khai, minh bạch, đạo đức công vụ được nâng cao; kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những vụ án kinh tế, tội phạm về tham nhũng như vụ Công ty Việt Á; chuyến bay giải cứu; vụ Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán; vụ Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh), Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) liên quan đến sai phạm trong trái phiếu doanh nghiệp; vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) sai phạm về đấu thầu… là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt đây còn là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đều được Viện trưởng Viện KSND Tổi cao và Viện kiểm sát các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; chú trọng công tác kiểm soát nội bộ không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ chống tham nhũng; đảm bảo giữ uy tín, hình ảnh của Ngành trong thực thi nhiệm vụ này. Những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan tư pháp nói chung, ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 

          Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồng Ngự đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về tham nhũng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội.

          Dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Thành ủy Hồng Ngự, UBND thành phố Hồng Ngự cùng với việc không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Do vậy, đơn vị đã luôn quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách đầy đủ, nghiêm túc những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban chấp hành Trung ương khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X”, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Chỉ thị số 03 /CT-VKSTC ngày 27/6/2023 về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm sát nhân dân...Thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong nhiều năm qua có thể nói hoạt động kiểm sát trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện KSND thành phố Hồng Ngự trong công tác phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực, góp phn không nhỏ trong việc phát hiện, xử lý, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án Hình sự về tham nhũng, chức vụ không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Công tác tiếp nhận và kiểm sát các kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng, chức vụ luôn được lãnh đạo các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát nên chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng lên, tỷ lệ giải quyết xử lý án tham nhũng đạt 100%. Các cơ quan tiến hành tố tụng đều nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng trong công tác phát hiện và xử lý án tham nhũng do đó các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, góp phần giữ vững tình hình chính trị và phát triển kinh tế địa phương. Tính đến tháng 7/2023 đã tham gia xét xử 02 vụ án Tham ô tài sản, thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoảng 445.407.586 đồng. Các vụ án được xét xử đảm bảo quy định của pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng tại địa phương.

 

           Ngoài ra Viện KSND thành phố Hồng Ngự cũng đã chủ động thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của cấp ủy trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đề ra chương trình hành động của chi bộ. Hằng năm, căn cứ vào chỉ đạo của BTV, cấp ủy địa phương Chi bộ Viện KSND xây dựng các kế hoạch, chương trình gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành và của địa phương giao phó. Cụ thể như xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kế hoạch của chi bộ Viện kiểm sát Thực hiện Kế hoạch số 74-KH/TU của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồng Ngự về tiếp tục tăng cường lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 38-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế …

 

 Bên cạnh đó, đơn vị cũng thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong cơ quan; Quy chế chi tiêu nội bộ, công khai trong hoạt động tài chính, mua sắm tài sản thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan. Qua đó phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong cơ quan như: Công đoàn cơ sở, Thanh tra nhân dân, Đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát trong thực hiện phòng, chống tham nhũng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi tham nhũng, phát huy vai trò của cán bộ, công chức, góp phần xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh. Do đó trong nhiều năm qua, Viện KSND thành phố Hồng Ngự không có cán bộ nào vi phạm công tác phòng chống, tham nhũng, thực hiện tốt tiết kiệm, chống lãng phí.

Kết quả đạt được:

- Năm 2022 Chi bộ đạt “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

- Được UBND thành phố Hồng Ngự tặng Giấy khen cho Chi bộ có thành tích tốt trong thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh” năm 2022.

- Được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tằng Bằng khen cho đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc năm 2022.

 

- Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề, trong năm đã tổ chức sinh hoạt được 04 chuyên đề gắn với nhiệm vụ công tác là: “Liêm chính - nghiêm minh; Khách quan, thận trọng- khiêm tốn; Phòng chống suy thoái, trì trệ, tiêu cực; Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

- Năm 2022 Chi bộ Viện kiểm sát được Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự tặng giấy khen có thành tích tốt và đảng viên được biểu dương trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Lãnh đạo tốt công tác đoàn thể; phát huy mô hình phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức tổ chức “Phiên tòa giả định” về tội phạm mua bán, tàng trữ trái pháp chất ma túy tại trường THPT Chu Văn An.

Tuyên truyền pháp luật bằng hình thức tổ chức Phiên tòa giả định

V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Từ thực tiễn thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhiều bài học quý báu đã được rút ra, là tiền đề cho những giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác này trong thời gian tới:

Trong công tác xây dựng Đảng:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy Chi bộ, chính quyền; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chi ủy Chi bộ, chính quyền phải xác định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, cấp bách. Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII); Kế hoạch số 38-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan lấy phòng ngừa là chính; phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực để giáo dục, răn đe. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính; ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước của cán bộ, đảng viên; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; phê phán, lên án, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức người đảng viên và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và PCTNTC giữa khối Nội chính và các cơ quan liên quan; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan và nghiêm túc triển khai thực hiện.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt quy chế dân chủ (sắp tới là Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở).

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, có trọng tâm.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

Thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị thông qua kê khai, minh bạch tài sản, đề cao tính tự giá, chủ động của cán bộ đảng viên và phải có chế tài nghiêm khắc liên quan đến kê khai tài sản cá nhân khi sai phạm.

Trong chuyên môn, nghiệp vụ:

Một là, thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý thông tin về tham nhũng, tiêu cực; xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc, vụ án xảy ra; xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để ra tham nhũng, tiêu cực. Những vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xem xét kỷ luật hoặc xử phạt hành chính đúng quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, chú trọng tổng hợp những nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên, đất đai, tài sản công để ban hành kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục thiếu sót trong quản lý.

Ba là, ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố Kiểm sát viên cần chủ động, phối hợp nắm bắt thông tin từ giai đoạn này mà không cần đợi phải có quyết định khởi tố vụ án.

Bốn là, đối với các vụ án tham nhũng Kiểm sát viên cần chú trọng đến vấn đề tài sản chiếm đoạt, số tài sản chiếm đoạt và tài sản thu hồi nhằm tránh thấp nhất thất thoát gây thiệt hại về tài sản của Nhà Nước và nhân dân. Chính vì vậy Kiểm sát viên phải chủ động đề ra yêu cầu điều tra xác minh nguồn gốc tài sản của đối tượng, bị can và người liên quan, xác định các nguồn tài sản do phạm tội mà có nhanh chóng kịp thời đề xuất Lãnh đạo các biện pháp hạn chế thấp nhất việc tẩu tán tài sản và quan trọng là chứng minh hành vi phạm tội.

Cuộc chiến Đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xem là nhiệm vụ quan trọng liên quan tới sự tồn vong của chế độ, sự hưng suy của đất nước. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Tại Điều 83 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rõ: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng…”. Do đó, để phát huy tính phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Chúng ta, cán bộ ngành Kiểm sát phải đề cao trách nhiệm nêu gương “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, thể hiện ý chí quyết tâm và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm tham nhũng tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với chức năng, nhiệm vụ của ngành đã được Quốc hội giao./.

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.296-297

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập14, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.141.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.351-369.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.357.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.295.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.358

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.50

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb.CTQG-ST, H.2002, tr.73

Ngọc Oanh – Viện KSND TP Hồng Ngự