Xuất bản thông tin

null Trách nhiệm của VKSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về phòng chống tham nhũng

Trang chủ VKS_HOCTAP_TUTUONG_ HCM

Trách nhiệm của VKSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về phòng chống tham nhũng

Bên cạnh thành tựu đạt được, các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

= = =

 

Tóm tắt: Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Bên cạnh thành tựu đạt được, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được Hiến pháp quy định, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) có trách nhiệm to lớn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Trong bài viết, tác giả làm rõ trách nhiệm của VKSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp bảo đảm thực hiện đúng trách nhiệm của VKSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Từ khóa: Viện kiểm sát nhân dân; tham nhũng, tiêu cực; luận điệu sai trái.

  1. Trách nhiệm của VKSND trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một mục tiêu lớn, đúng đắn, được Đảng ta đề ra và thực hiện từ lâu. Thực tiễn cho thấy, đây là một việc làm đầy nhạy cảm, tế nhị và vô cùng khó khăn, phức tạp, trong thời gian qua, đặc biệt là từ sau Đại hội XII của Đảng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Đáng lưu ý, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc sai phạm xảy ra từ nhiều năm trước đã bị phát hiện, khởi tố, các cơ quan tố tụng tập trung điều tra, khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh, đúng pháp luật, đồng thời kịp thời áp dụng các biện pháp thu hồi được hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, điển hình như: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 118 tỷ, đã thu hồi được 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tham ô tài sản chiếm đoạt 87 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 45 tỷ đồng; vụ Trần Phương Bình và đồng phạm lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 3.568 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chuyển quyền sử dụng đất, nhà công sản trái quy định để thu lợi bất chính gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1.400 tỷ, đã kê biên, phong toả để bảo đảm thu hồi tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng;[1] vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan[2].

Với tinh thần tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, điều đó thể hiện rõ quyết tâm của Đảng “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có đặc quyền[3], góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng và cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch đã ra sức tung tin, bình luận rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hay việc xin thôi chức của một số chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng là do “ép buộc”, chỉ là “cuộc chiến thanh trừng phe phái”, đấu đá, hạ bệ nhau, tranh giành chức quyền[4] hay cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”, Chúng cho rằng: “tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ, không thể cải tạo, cần phải làm một cuộc cách mạng thay đổi nó về bản chất, tức là phải huỷ bỏ cái chế độ sinh ra nó, chế độ độc tài đơn đảng...[5]. Dưới sự tiến độ vượt bậc của khoa học công nghệ, các trang mạng phản động như: Việt Tân, VOA Tiếng Việt, Dân làm báo, RFA, BBC… lợi dụng lợi thế và tính mở của không gian mạng với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, không ranh giới giữa “thực” và “ảo” đã tìm mọi cách tung những luận điệu xuyên tạc, bóp méo thông tin, sự thật và tầm quan trọng của vấn đề này[6]. Đáng chú ý là các trang mạng này dẫn lại những bình luận mang tính suy đoán không căn cứ, xuyên tạc, bịa đặt, chúng xuyên tạc rằng, “chống tham nhũng thực chất là đấu đá, thanh trừng nội bộ, phe phái”, là “ông ấy tập trung vào phe kia, ông ấy chưa dám động vào những người thuộc phe ông ấy[7]Những luận điệu đó hoàn toàn sai trái, phản động và cần phải được đấu tranh loại bỏ.

Với tư cách là thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương[8], cấp tỉnh[9] về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng; tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; đảm bảo việc xử lý tội phạm tham nhũng nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật[10].

Trên cơ sở nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta, VKSND có trách nhiệm đấu tranh phản bác bằng những lập luận xác thực, vừa đảm bảo tính lý luận, vừa bám sát thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng. Các luận cứ lập luận bao gồm:

Thứ nhất, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, thuộc phạm trù lịch sử, nó gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước, còn Nhà nước là còn tham nhũng không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, tính chất, mức độ tham nhũng ở mỗi quốc gia có khác nhau, tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội, vào chính sách, pháp luật và các biện pháp phòng, chống tham nhũng ở quốc gia đó như thế nào. Ở nước ta, tham nhũng tồn tại lâu đời trong chế độ phong kiến, đế quốc, nó là sản phẩm tất yếu của chế độ cũ. Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đã đưa nước ta từ thắng lợi này đến tháng lợi khác. Hơn 68 năm qua, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không ngừng phát triển, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước; thấy trước được tệ quan liêu tham nhũng trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương biện pháp để phòng và chống tệ quan liêu tham nhũng đối với cán bộ, đảng viên. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tham nhũng:

Theo Từ điển tiếng Việt thì tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của. Theo Ngân hàng thế giới và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì tham nhũng là sự lạm dụng chức vụ, vai trò hoặc nguồn lực công để trục lợi cá nhân[11].

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) - một tổ chức phi chính phủ đi đầu trong nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu thì tham nhũng bao gồm hành vi của công chức trong khu vực công, bất kể là chính trị gia hay công chức dân sự, làm giàu một cách không chính đáng hay bất hợp pháp cho bản thân hay cho người thân của mình bằng cách lạm dụng quyền lực công đã giao cho họ[12]. Bên cạnh đó, tổ chức này còn cho rằng “tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó phần lớn tham nhũng xảy ra ở các quốc gia có chế độ đa đảng, tam quyền phân lập[13]. Do vậy luận điệu “tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ, không thể cải tạo, cần phải làm một cuộc cách mạng thay đổi nó về bản chất, tức là phải huỷ bỏ cái chế độ sinh ra nó, chế độ độc tài đơn đảng…”[14] trên là thiếu cơ sở, không thể xuyên tạc rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở những nước có chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam.

Mặt khác luận điệu xuyên tạc rằng chống tham nhũng là “đấu đá”, là “thanh trừng nội bộ” trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là sáo rỗng. Thực tế đã chứng minh điều mà những đối tượng phản động rêu rao đó là hoàn toàn vô căn cứ. Trong Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đã nêu rõ: “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ[15]. Ngoài ra trong báo cáo tổng kết ngành Kiểm sát năm 2022 có nêu rõ: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp tục giải quyết kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 40 vụ/426 bị can, giải quyết 15 vụ/231 bị can đạt tỉ lệ 37,5%; đã truy tố 11 vụ/178 bị can; Tòa án đã xét xử sở thẩm 15 vụ/241 bị cáo. Ngành kiểm sát đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan áp dụng nhiều biệp pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản nhằm thu hồi số tiền và tìa sản của Nhà nước bị thất thoát; kết quả thu hồi được hơn 364.081 tỷ đồng/440.036 tỷ đồng, tăng gần 350.000 tỷ đồng so với năm 2021, đạt tỉ lệ 82.7%”[16]. Đây chỉ là những ví dụ trong hàng nghìn vụ án đã bị điều tra, truy tố, xét xử hơn 10 năm qua. Hàng loạt cán bộ cấp cao của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương đã bị xử lý vì những vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng, nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai đã và đang được triệt để thực hiện trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Tuy nhiên, phủ nhận thực tế đó, không ít trang tin thiếu nhận thức, chống phá chế độ, những tổ chức phản động núp bóng dân chủ, nhân quyền và những phần tử bất đồng chính kiến vẫn ra rả luận điệu cũ, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, là “thanh chừng nội bộ”, là “phe này đánh phe kia”.

Bên cạnh đó, Các cơ quan báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực đưa tin, bài, tăng thời lượng phát sóng, mở các sai trái, thù địch, trong đó có các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như: Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng; áp dụng pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lý luận và thực tiễn nghiệp vụ công tác kiểm sát trong đấu tranh chống tội phạm về tham nhũng; kết quả hoạt động của ngành Kiểm sát trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng qua việc giải quyết các vụ án cụ thể; thông tin về kinh nghiệm nước ngoài trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Các cơ quan thông tin, báo chí của ngành như Tạp chí Kiểm sát, Báo bảo vệ pháp luật… đã đăng tải hàng nghìn tin, bài, chương trình truyền hình, phóng sự tuyên truyền các đạo luật mới về tư pháp; cập nhật các hoạt động của lãnh đạo VKSND tối cao, các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân; thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ công tác kiểm sát, trong đó có việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là các bài viết về phản bác các luận điệu xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng , qua đó định hướng dư luận và đưa thông tin chính xác nhất tới nhân dân về cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đang tiến hành.

  1.  Một số giải pháp bảo đảm thực hiện đúng trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian sắp tới

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, Đảng ta đã dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tiếp theo tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng. Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”; “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn. Đây được nhận định là một trong những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ và tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới. Do đó để phát trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới cần nhận thứ đúng đắn và tiếp tục thực hiện có hiệu quả một số công tác trọng tâm sau:

Thứ nhất, Thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; cụ thể là Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X” và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Phối hợp với cấp ủy cùng cấp triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng; tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; đảm bảo việc xử lý tội phạm tham nhũng nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quản lý, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật; xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.Thực hiện đầy đủ “Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân”; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị, quy định về định mức tiêu chuẩn, chế độ và quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng. Chủ động chỉ đạo công tác tự thanh tra, kiểm tra, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khắc phục sai sót và xử lý các hành vi tham nhũng; đồng thời bảo vệ, khen thưởng người dũng cảm tố cáo tham nhũng.

Thứ ba, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phải có những việc làm thiết thực, luôn ý thức tuyệt đối trung thành với đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Gương mẫu trong mọi hành động của bản thân đối với đồng nghiệp và nhân dân nơi cư trú. Không nghe và không làm theo những tuyên truyền sai trái về các chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước. Sống giản dị, tiết kiệm, tăng cường trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết gắn kết giữa việc thực hiện Nghị quyết 35 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ra sức cùng cơ quan, đơn vị đưa công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đi vào nền nếp đạt hiệu quả cao, phải luôn chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; không để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá trên Internet, mạng xã hội. Sử dụng lành mạnh các trang mạng xã hội như Facebook, Internet, v.v…để phục vụ cho công tác chuyên môn của bản thân. Chủ động nhận diện, đấu tranh loại bỏ trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động xấu xa của các thế lực thù địch, phản động, từ việc viết bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, bôi xấu các lãnh đạo cấp cao, nhằm gây chia rẽ nội bộ; đến những việc như kêu gọi tụ tập, kích động biểu tình, chống phá; gây hấn, lăng nhục, chửi bới vô cớ, phạm pháp… để khiêu khích chính quyền, lực lượng chức năng “trấn áp” và quay video clip, chụp ảnh, livestream để vu oan cho chính quyền… Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, nhân dân hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyệt đối không nghe, đọc, tán phát, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận; đồng thời, phải tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Tóm lại những kết quả không thể phủ nhận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó cũng làm cho các tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Do đó, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua thể hiện rõ dã tâm chính trị muốn hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm minh tội phạm tham nhũng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam, hòa bình, thống nhất, giàu đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Hữu Tín - Viện KSND thành phố Sa Đéc

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 72.
  2.  Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3.  Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Thắng , Thượng tá , TS. Nguyễn Đức Hà (Đồng Chủ biên), Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới,  Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 203.
  4.  Nguyễn Việt Lâm (2023), “ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tác động của cuộc chiến thông tin trên không gian mạng”, Tạp chí Cộng sản, Số 1.006, Trang 49.
  5.  Tạp chí xây dựng Đảng (2022), “Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, truy cập ngày 23/05/2023.
  6.  Bộ chính trị (2021), Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xem Điều 5.
  7.  Bộ chính trị  (2022), Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 02/06/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Xem điều 12.
  8.  Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2019), Chỉ thị số 02/CT-VKSTC, ngày 22/03/2019 về Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành kiểm sát nhân dân, Hà Nội.
  9.  Ngân hàng phát triển Châu á (2003), Phục vụ và duy trì cải thiện hành chính công trong thế giới cạnh tranh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.tr. 682
  10.  Lê Minh Quân (2019), “Nhận diện bản chất của hiện tượng tham nhũng”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 8, tr.11-12

  Trang thông tin điện tử Ủy ban kiểm tra trung ương (2022), “Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022”, truy cập ngày 23/05/2023.

 Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2022), Báo cáo số 188/BC-VKSTC, ngày 27/12/2022 về tổng kết công tác năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân. Trang 11.

 

[1] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 73.

[2] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 42.

[3] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 72.

[4] Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5] Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Thắng , Thượng tá , TS. Nguyễn Đức Hà (Đồng Chủ biên), Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới,  Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 203.

[6] Nguyễn Việt Lâm (2023), “ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tác động của cuộc chiến thông tin trên không gian mạng”, Tạp chí Cộng sản, Số 1.006, Trang 49.

[7] Tạp chí xây dựng Đảng (2022), “Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”, truy cập ngày 23/05/2023.

[8] Bộ chính trị (2021), Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xem Điều 5.

[9] Bộ chính trị  (2022), Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 02/06/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Xem điều 12.

[10] Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2019), Chỉ thị số 02/CT-VKSTC, ngày 22/03/2019 về Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành kiểm sát nhân dân, Hà Nội.

[11] Ngân hàng phát triển Châu á (2003), Phục vụ và duy trì cải thiện hành chính công trong thế giới cạnh tranh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.tr. 682

[12] Ngân hàng phát triển Châu á (2003), Phục vụ và duy trì cải thiện hành chính công trong thế giới cạnh tranh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.tr. 682

[13] Lê Minh Quân (2019), “Nhận diện bản chất của hiện tượng tham nhũng”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 8, tr.11-12

[14] Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Thắng , Thượng tá , TS. Nguyễn Đức Hà (Đồng Chủ biên), Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tình hình mới,  Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Trang 203.

[15] Trang thông tin điện tử Ủy ban kiểm tra trung ương (2022), “Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022”, truy cập ngày 23/05/2023.

[16] Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2022), Báo cáo số 188/BC-VKSTC, ngày 27/12/2022 về tổng kết công tác năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân. Trang 11.