Xuất bản thông tin

null Về hoà giải theo Tố tụng Dân sự

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Về hoà giải theo Tố tụng Dân sự

Hiện nay, hoà giải trong tố tụng dân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án...

= = =

 

Đây là phương thức hiệu quả để đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Hoà giải trong tố tụng dân sự không chỉ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

  Pháp luật tố tụng đã giành một chương là Chương XIII quy định Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015). Về mặt nguyên tắc, thủ tục hòa giải là thủ tục bắt buộc phải tiến hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên, việc không tiến hành hòa giải và hòa giải không thành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử không làm mất đi quyền tự thỏa thuận, định đoạt của các đương sự.

Ảnh từ Internet

Qua đó, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm các bên đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận và Tòa án luôn khuyến khích tạo điều kiện để các bên hòa giải, tự thỏa thuận. Tôi xin phân tích làm rõ nội dung, trình tự, thủ tục, hậu quả pháp lý của việc các đương sự hòa giải được với nhau tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm theo BLTTDS 2015.

Qua vụ việc cụ thể sau.

Theo nguyên đơn bà Nguyễn Thị L trình bày vào năm 2021 gia đình bà có mua phần đất của gia đình ông Nguyễn Hồng La và bà Đỗ Thị Lo, ngày 08/3/2021 lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà L gồm 03 thửa đất. Sau đó, bà L lập hợp đồng cho ông La thuê lại các thửa đất nêu trên với giá 50.000.000đ/năm.

Bà L phát hiện gia đình ông Võ Văn M ngang nhiên vào sử dụng phần đất của bà L và mé các nhánh xoài nên bà L giăng lưới B40 xung quanh khu đất nêu trên thì bị ông M tháo dỡ. Bà L khởi kiện yêu cầu anh M trả quyền sử dụng đất các thửa đất trên do bà L đứng tên; Yêu cầu anh M bồi thường số tiền 60.494.000 đồng, di dời toàn bộ vật kiến trúc trên đất và tài sản trên đất; Yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh M và ông La, bà Lo đối với các thửa đất trên và Yêu cầu ông La, bà Lo trả bà L tiền thuê quyền sử dụng đất là 50.000.000 đồng.

Bị đơn ông Võ Văn M trình bày thì vợ chồng ông La và bà Lo đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất các thửa đất đang tranh chấp cho anh M với giá 1.400.000.000 đồng, anh M đã thực hiện giao trước số tiền 685.000.000 đồng, đồng thời ông La đã giao đất cho anh M canh tác. Sau khi nhận tiền xong, ông La và bà Lo hứa rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng mang về sang tên chuyển nhượng cho anh M nhưng sau đó ông La không thực hiện đúng cam kết mà lén lút chuyển nhượng cho bà L. Anh M yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà L và ông La, bà Lo đối với các thửa đất trên; Yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do bà L đứng tên; Yêu cầu tiếp tục thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh M và ông La, bà Lo; anh M đồng ý trả cho ông La, bà Lo số tiền còn lại là 715.000.000 đồng và Yêu cầu hủy Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất giữa bà L và ông La, bà Lo.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông La và bà Lo trình bày thì thống nhất nợ và trả anh M số tiền 685.000.000 đồng. Đồng ý giao cho bà L quyền sử dụng đất đối với thửa đất tranh chấp và yêu cầu anh M trả cho ông La, bà Lo tiền huê lợi từ việc canh tác các thửa đất tranh chấp với số tiền 50.000.000 đồng.

Ở giai đoạn sơ thẩm,

Khi thực hiện thủ tục hoà giải thì các bên không thoả thuận được với nhau để giải quyết, nên Toà sơ thẩm đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L; Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông M; Không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông La, bà Lo về việc yêu cầu ông M trả tiền sử dụng đất 50.000.000 đồng.

Ngày 06/12/2022, ông M kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 08/3/2021 giữa bà L và ông La, bà Lo; Hủy giấy chứng nhận QSDĐ đối với các thửa do bà L đứng tên; Hủy hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất giữa bà L với ông La, bà và yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 21/12/2020, giữa ông M với ông La, bà Lo. Ông M sẽ trả số tiền còn lại của hợp đồng chuyển nhượng.

Ở giai đoạn phúc thẩm,

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn M thay đổi kháng cáo, yêu cầu hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra xác minh, điều tra xử lý hành vi lừa đảo của vợ chồng ông La.

Tuy nhiên, sau khi được Hội đồng xét xử và Đại diện Viện kiểm sát phân tích, động viên các bên hiểu về quyền, lợi ích và hậu quả phát sinh từ giao dịch của các bên. Nên, bị đơn M và người có quyền và nghĩa vụ liên quan ông La, bà Lo đã thỏa thuận được với nhau để giải quyết vụ an. Nên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông M. Sửa Bản án sơ thẩm theo hướng công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

  Qua vụ án cho thấy rằng, thực hiện tốt công tác hoà giải này sẽ giúp đỡ các đương sự thỏa thuận, thương lượng với nhau về giải quyết vụ án ở cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm hiệu quả, nhanh chóng; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là các bên tranh chấp, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

Nhự vậy, hòa giải trong tố tụng dân sự là hoạt động tố tụng tiến hành theo quy định pháp luật tố tụng dân sự, và là một thủ tục nhằm giúp đỡ các đương sự hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật tố tụng.

Phước Dư, Viện KSND tỉnh Đồng Tháp