Xuất bản thông tin

null Vướng mắc trong thực hiện quy định về cấp, tống đạt, thông báo quyết định, văn bản về Thi hành án Dân sự cho Hộ gia đình

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Vướng mắc trong thực hiện quy định về cấp, tống đạt, thông báo quyết định, văn bản về Thi hành án Dân sự cho Hộ gia đình

Thực tiễn tổ chức thi hành án cho thấy, một số quy định hiện hành vẫn chưa bao quát hoặc dự trù hết các tình huống xảy ra trong thực tiễn, những vấn đề thực tiễn mới phát sinh chưa được bổ sung vào luật

= = =

Việc cấp, tống đạt, thông báo quyết định, văn bản về thi hành án dân sự là hoạt động có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự.  Việc cấp, tống đạt, thông báo quyết định, văn bản về thi hành án dân sự được quy định cụ thể tại các điều từ điều 39 đến điều 43 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật thi hành án dân sự hiện hành); Hướng dẫn chi tiết tại Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015, Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 08/01/2016. Nhìn chung, các quy định trên đã có nhiều điểm mới ưu việt, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc mà các Cơ quan thi hành án gặp phải khi thi hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.

Vướng mắc trong công tác tống đạt cho Hộ gia đình

Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thi hành án cho thấy, một số quy định hiện hành vẫn chưa bao quát hoặc dự trù hết các tình huống xảy ra trong thực tiễn, những vấn đề thực tiễn mới phát sinh chưa được bổ sung vào luật và chưa được hướng dẫn kịp thời, cụ thể là phát sinh trong áp dụng các quy định về cấp, tống đạt văn bản về thi hành án cho các thành viên trong cùng hộ gia đình.

Ví dụ: Theo quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Y, ông Hồ Văn H, bà Trần Thị D có trách nhiệm liên đới trả cho bà A số tiền 260.000.000 đồng. Qua xác minh điều kiện thi hành án được biết, hộ ông H có tài sản là thửa đất số 76 diện tích 1.971,5m2 tọa lạc xã X, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông H vào năm 1996. Thời điểm cấp đất hộ ông H gồm có 08 thành viên gồm ông H, bà D và 06 người con (Hiện nay chỉ có 02 người con còn sống chung hộ khẩu với vợ chồng ông H).

Ngày 17/6/2018 Chi cục thi hành án dân sự thành phố Y ban hành Thông báo số 358A/TB-CCTHA về việc yêu cầu các thành viên trong hộ ông H thỏa thuận xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản đối với thửa đất nêu trên. Thông báo này do ông H đại diện hộ gia đình ký nhận vào biên bản giao nhận văn bản của Chấp hành viên, kèm theo nội dung “Ông Hồ Văn H đại diện hộ gia đình nhận và cam kết giao lại thông báo này cho các con trong thời hạn 01 ngày”. Hết thời hạn 30 ngày, các thành viên trong hộ ông H không thỏa thuận và không khởi kiện. Do đó, người được thi hành án khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu của ông H, bà D trong khối tài sản chung để thi hành án. Quyết định giải quyết sơ thẩm của Tòa án thành phố Y xác định đây là nguồn gốc tài sản do ông H nhận thừa kế từ cha mẹ để lại từ năm 1976, thời điểm này các người con của ông H và bà D chưa sinh ra đời nên xác định ông Hồ Văn H và bà Trần Thị D mỗi người có quyền sử dụng ½ diện tích đất.

Có thể thấy, thông báo số 358A/TB-CCTHA về việc yêu cầu các thành viên trong hộ ông H thỏa thuận xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản đối với tài sản thi hành án là cơ sở quan trọng để các người con của ông H và bà D biết và thực hiện quyền tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp tài sản chung theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự hiện hành. Chấp hành viên căn cứ vào thông tin quyền sử dụng đất cấp cho hộ vào thời điểm năm 1996, tất cả 08 thành viên trong hộ đều chung hộ khẩu để thực hiện việc cấp, tống đạt văn bản về thi hành án cho hộ hiện nay. Tuy nhiên, việc cấp, tống đạt thông báo của Chấp hành viên chỉ thực hiện đối với ông Hồ Văn H mà chưa có đủ cơ sở cho rằng ông H sẽ thông báo lại cho các thành viên khác trong hộ theo như cam kết đã ghi trong biên bản. Đồng thời, đối với 04 người con không cùng hộ khẩu với ông H hiện nay đã sinh sống và có địa chỉ cư trú mới nhưng Chấp hành viên chưa xác minh địa chỉ và chưa cấp, tống đạt hợp lệ văn bản thông báo. Thực tiễn cho thấy, đa số các trường hợp phải tống đạt văn bản về thi hành án cho hộ gia đình, Chấp hành viên thường cho rằng cùng hộ thì chỉ cần một người ký nhận nên ai nhận cũng được. Do đó, Chấp hành viên chỉ lập một biên bản giao nhận đối với một thành viên đại diện trong hộ, trong khi chưa có đủ căn cứ để xác định người nhận văn bản này có đủ tư cách đại diện theo quy định của pháp luật dân sự hay không. Việc tống đạt này rất dễ phát sinh những thiếu sót, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại của đương sự về sau.

Theo quan điểm của người viết trong tình huống này, rõ ràng quyền và lợi ích của ông H, bà D và 06 người con là đang đối lập nhau, một bên đang cần lấy tài sản để thi hành án và một bên đang là người có quyền sở hữu đối với tài sản chung của hộ nhưng không phải là người có nghĩa vụ thi hành án (Người viết loại trừ tình huống ông H và bà D cũng muốn chia nhỏ tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án). Như vậy, việc ông H đại diện hộ gia đình để nhận thay Thông báo về việc xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản đối với tài sản thi hành án của Cơ quan thi hành án trong trường hợp này là không đảm bảo tính khách quan. Ông H hoàn toàn có thể không thông báo lại cho các người con của mình, điều này làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc xác định tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung hiện nay còn gặp nhiều khó khăn nhất là đối với tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ, việc xác minh làm rõ về nguồn gốc tài sản là rất phức tạp, quan điểm xác định quyền sở hữu từng nơi cũng chưa được thống nhất. Cho nên, việc xác định, phân chia tài sản chung từ đó cũng rất dễ phát sinh những thiếu sót, dẫn đến khiếu nại, tranh chấp về sau làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Do đó, để đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án đúng trình tự, đảm bảo cho quyền và lợi ích của những thành viên trong hộ gia đình đòi hỏi Chấp hành viên phải đề cao trách nhiệm, nắm vững các quy định của pháp luật, có kỹ năng, kinh nghiệm, đặc biệt là nhạy bén trong những trường hợp “nhạy cảm” như trên để thực hiện việc tống đạt đầy đủ, chặt chẽ.

Từ  vướng mắc nêu trên, người viết cho rằng, trong trường hợp này Chấp hành viên phải tiến hành xác minh địa chỉ cư trú hiện nay của tất cả các thành viên trong hộ gia đình để tống đạt văn bản đầy đủ cho từng người. Trường hợp có nhiều thành viên hộ hiện nay cùng sống chung nhưng vào thời điểm Chấp hành viên tống đạt thông báo mà có người vắng mặt thì xem như đây là trường hợp không thể thực hiện việc thông báo trực tiếp, do đó, Chấp hành viên phải thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 Luật Thi hành án dân sự hiện hành. Đối với những người có mặt bắt buộc phải ký tên đầy đủ vào biên bản tống đạt của Chấp hành viên. Đồng thời, đề nghị Tổng Cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về cấp, tống đạt, thông báo quyết định, văn bản về thi hành án cho hộ gia đình theo hướng quy định một số quyết định, văn bản bắt buộc không được tống đạt cho người đại diện trong hộ. Có như vậy, việc tổ chức thi hành án mới đảm bảo tính khách quan, không để kéo dài thời gian giải quyết các khiếu nại, tranh chấp về sau một cách không cần thiết.

Lê Thị Bích Thuyền - Kiểm sát viên Viện KSND thành phố Cao Lãnh