Xuất bản thông tin

null Chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự - thực tiễn áp dụng và giải pháp

Chi tiết bài viết VKS_TIN PHAPLUAT_XAHOI_BLKHOAHOC

Chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự - thực tiễn áp dụng và giải pháp

Chứng cứ điện tử, dữ liệu điện tử, nguồn chứng cứ, thu thập tài liệu chứng cứ, BLTTDS...

= = =

Tóm tắt vấn đề: Với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị điện tử được sử dụng hàng ngày để giải quyết hầu hết các vấn đề từ cá nhân, gia đình, đến việc giao dịch hay các vấn đề chuyên môn. Thời đại thông tin đang dần thay đổi cuộc sống của chúng ta và do đó, như một hệ quả tất yếu, mọi lĩnh vực của cuộc sống bao gồm cả nghề luật cần phải thay đổi để bắt kịp với sự phát triển. Cũng vì điều đó, dữ liệu điện tử tất yếu sẽ trở thành nguồn của chứng cứ trong tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng. BLTTDS 2015 lần đầu tiên công nhận tính hợp pháp của nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể gây ra nhiều lúng túng, khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Bài viết tập trung phân tích quy định của pháp luật về chứng cứ điện tử, quan điểm của tác giả và thực tiễn áp dụng, từ đó nêu lên một số giải pháp để thực hiện công tác kiểm sát xét xử được tốt hơn đối với những vụ án liên quan đến loại chứng cứ này.

 

1. Quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về chứng cứ điện tử

Chứng cứ điện tử không còn là một thuật ngữ mới lạ trong pháp luật tố tụng dân sự của các quốc gia trên thế giới, thậm chí thuật ngữ này đã xuất hiện từ rất sớm ở các nước có nền công nghệ phát triển.

Tại Hoa Kỳ, chứng cứ điện tử bước đầu được đề cập vào khoảng năm 1999 khi Công ước Liên Hợp quốc về sử dụng chứng từ điện tử trong hợp đồng quốc tế thừa nhận tính hợp pháp hay giá trị pháp lý của hợp đồng thương mại điện tử. Đây có thể được xem là bước đầu trong việc công nhận giá trị của chứng cứ điện tử[1].

Bên cạnh Hoa Kỳ, Canada cũng là một trong những quốc gia sớm có quy định pháp luật về chứng cứ điện tử.

Trong tố tụng dân sự, có rất nhiều tình tiết, sự kiện mà Tòa án cần dựa vào đó để xác định sự kiện pháp lý và lấy đó làm cơ sở để giải quyết vụ việc dân sự[2]. Do vậy, để xem xét những sự việc này, cần cân nhắc đến việc xem xét, đánh giá những dấu vết mà sự việc đó để lại. Trong tố tụng dân sự, những dấu vết này được thể hiện dưới hình thức nhất định theo quy định của pháp luật, được Tòa án xem xét để làm cơ sở giải quyết vụ việc dân sự, khi đó những dấu vết đó được gọi là chứng cứ. Hiện nay, con người có thể dễ dàng trao đổi, liên lạc cũng như giao dịch thông qua các công cụ, ứng dụng công nghệ, thiết bị điện tử, kỹ thuật số… Việc tham gia vào các công cụ này cũng để lại dấu vết trong bộ nhớ của các thiết bị điện tử kỹ thuật số. Từ lý luận này, BLTTDS 2015 định nghĩa “chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật, được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”[3]

Hiện nay, chưa có một định nghĩa pháp lý nào về chứng cứ điện tử.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có đề cập đến dữ liệu và thông điệp dữ liệu[4], đồng thời thừa nhận giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp điện tử. Cụ thể, Điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định:

“1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”

Theo đó, Luật Giao dịch điện tử tiếp tục không đưa ra định nghĩa thế nào là chứng cứ điện tử mà trực tiếp khẳng định giá trị làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu.

BLTTDS 2015 đề cập đến dữ liệu điện tử là nguồn của chứng cứ, nhưng không định nghĩa thế nào là chứng cứ điện tử dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng cũng như xác định dữ liệu điện tử có phải chứng cứ hay không cũng như việc thu thập, đánh giá, nghiên cứu và sử dụng chúng. Pháp luật tố tụng dân sự chỉ xác định “thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”[5].

  1. Một số vấn đề pháp lý liên quan đến chứng cứ điện tử và thực tiễn xét xử của Tòa án

Trường hợp 1:

Trong vụ án Ly hôn, chia tài sản khi ly hôn giữa nguyên đơn là Lê Tô M và bị đơn là Bùi Thị Mỹ H. Anh M yêu cầu chị H phải chia đôi tài sản chung, tổng giá trị tài sản ước tính là 2 tỷ 400 triệu. Anh M cho rằng chị H không lịch sự, lễ phép, không trung thực trong quản lý tài sản còn chị H thì cho rằng anh M có mối quan hệ nam nữ với người phụ nữ khác, nhiều lần bị bắt gặp. Chị H có cung cấp tài liệu chứng cứ là những tin nhắn trên mạng xã hội, video clip được trích xuất… để chứng minh anh M có lỗi dẫn đến việc mâu thuẫn trong hôn nhân đồng thời yêu cầu Tòa án căn cứ vào các tài liệu chứng cứ mà chị cung cấp để xác định yếu tố lỗi của anh M.

Tuy nhiên, anh M không thừa nhận những tài liệu chứng cứ mà chị H cung cấp và chị H cũng không chứng minh được tính xác thực của chứng cứ này (không chứng minh được tài khoản này là do ông M tạo lập, sử dụng và cũng không chứng minh được tên của người phụ nữ…).

     Về nguyền tắc, khi giải quyết theo pháp luật thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi. Trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì được phân chia theo quy định của pháp luật. Luật HN&GĐ có quy định tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác trong đó có yêu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. (điểm d khoản 2 Điều 59)

Rõ ràng, trong trường hợp này mặc dù bị đơn đã cung cấp dữ liệu điện tử nhưng vì thiếu tính xác thực, Tòa án không thể thừa nhận và khó có thể áp dụng điểm d khoản 2 Điều 59 để xem xét, giải quyết vụ án.

Trường hợp 2:

Ông S tranh chấp với ông T về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo đó, thì ông T đã nhận của ông S tổng cộng là 720.000.000đ nhưng ông T chỉ thừa nhận 520.000.000đ. Ông S có ghi âm cuộc nói chuyện, trong đoạn ghi âm ông T thừa nhận đã nhận đủ tiền S đưa nhưng khi S xuất trình đoạn ghi âm thì T không thừa nhận giọng nói trong đoạn ghi âm là của mình. S yêu cầu giám định giọng nói Tòa án đã triệu tập ông T, yêu cầu cung cấp giọng nói ghi âm để tiến hành giám định nhưng ông T không cung cấp và cho rằng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Tòa án đã nhận định ông T từ bỏ việc chứng minh đồng thời công nhận bản ghi âm là chứng cứ.

Trường hợp 3:

Vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác và đòi lại tài sản thực tiễn đã diễn ra như sau: Anh Qu và anh Kh cùng hợp tác để mở salon tóc, trong thời điểm dịch bệnh Covid 19 anh Qu và anh Kh tạm đóng cửa. Tuy nhiên, anh Kh lợi dụng thời điểm salon tóc khóa cửa không ai trông coi đã mang những vật dụng, trang thiết bị ở tiệm về địa điểm kinh doanh khác trong khi chưa được sự đồng ý của anh Qu. Anh Qu phát hiện không yêu cầu xử lý hình sự chỉ yêu cầu anh Kh phải thanh toán 30% tỷ lệ vốn góp mà anh Kh chưa góp đủ và yêu cầu anh Kh phải trả giá trị ½ các tài sản, vật dụng trang thiết bị mà anh Kh tự ý mang đi. Qua yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn cho rằng hai bên không có tồn tại hợp đồng hợp tác và anh Qu là người được anh Kh thuê về làm công ăn lương nên không thống nhất yêu cầu khởi kiện của Qu.

Tại phiên tòa, mặc dù đã được phổ biến nội quy phiên tòa nhưng nguyên đơn đã lén ghi âm mà không xin phép HĐXX. Sau khi kết thúc phần xét hỏi, nguyên đơn xuất trình 2 đoạn ghi âm, một đoạn là đã được ghi âm trước đó có nội dung là anh Kh hứa sẽ thực hiện đúng hợp đồng và một đoạn ghi âm khi xét xử, đồng thời thừa nhận hành vi của bản thân là sai. Nguyên đơn yêu cầu trưng cầu giám định giọng nói, bị đơn thống nhất giám định. Kết quả giám định cho thấy: Tiếng nói của người đàn ông trong mẫu cần giám định và giọng nói của Kh trong mẫu so sánh là của cùng một người. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Qua 03 trường hợp xảy ra trong thực tiễn mà người viết đã nêu trên, thấy rằng: Tòa án đã rất nỗ lực trong việc đưa bản ghi âm, ghi hình nói riêng và dữ liệu điện tử nói chung vào làm cơ sở để giải quyết vụ việc dân sự. Rõ ràng khi các bên đương sự cung cấp bằng chứng là dữ liệu điện tử, Tòa án vẫn xem xét một cách toàn vẹn và xác thực của dữ liệu. Trong trường hợp Tòa án không thể tự mình đánh giá, dữ liệu này có thể được đem đi giám định hoặc bằng công cụ, phương pháp khác để khẳng định dữ liệu đó không bị cắt ghép mà vẫn đảm bảo tính toàn vẹn và xác thực.

Tuy nhiên, việc đánh giá chứng cứ điện tử vẫn còn tồn tại một số khó khăn, khả năng áp dụng như sau:

Thứ nhất, quy định của pháp luật về chứng cứ điện tử hiện nay chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa có khái niệm cụ thể về chứng cứ điện tử, chưa quy định cách thức giao nộp chứng cứ điện tử, các quy trình về thu thập, bảo quản, xác định, đánh giá chứng cứ điện tử. Bên cạnh đó, thói quen đánh giá và sử dụng các chứng cứ thông đường đã hình thành từ lâu. Dữ liệu điện tử lần đầu được công nhận là một nguồn của chứng cứ trong BLTTDS 2015. Như vậy, trong lịch sử tố tụng dân sự trước khi BLTTDS 2015 có hiệu lực, Tòa án các cấp chưa có kinh nghiệm sử dụng chứng cứ điện tử trong giải quyết các vụ việc dân sự nên có thể hiểu được sự lúng túng trong việc áp dụng của các Tòa án.

Thứ hai, phải nhìn nhận một cách đúng đắn là năng lực và khả năng hiểu biết về chứng cứ điện tử của Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Lĩnh vực công nghệ thông tin là một lĩnh vực khó và phức tạp, các Thẩm phán nói riêng và những người tiến hành tố tụng nói chung đều xuất phát từ cơ sở đào tạo luật, nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát chứ không được bồi dưỡng, đào tạo những kiến thức về tin học, công nghệ thông tin gặp những vụ án có chứng cứ điện tử khó khăn phức tạp thì lúng túng.

Thứ baviệc sử dụng chứng cứ điện tử có thể làm phát sinh thêm nhiều công việc cho Tòa án mà điển hình nhất là việc xác minh quá trình khởi tạo, lưu trữ, truyền tải của chứng cứ. Chứng cứ điện tử mang đặc điểm là một loại chứng cứ đặc biệt và đôi khi phải có sự tham gia hỗ trợ của công cụ chuyên dụng hoặc người có chuyên môn để chuyển đổi dữ liệu điện tử sang các dạng mà pháp luật công nhận (nhìn được, thấy được, nghe được). Nếu đương sự cung cấp bằng chứng là dữ liệu điện tử được mã hóa, đòi hỏi phải được giải mã dữ liệu thì sẽ phát sinh thêm công việc cho Tòa án. Hoặc một tình huống đơn giản hơn, nếu đương sự cung cấp bằng chứng là bản ghi âm hoặc ghi hình, thì Tòa án bằng cách nào đánh giá được tính toàn vẹn của nó, làm sao khẳng định rằng bản ghi âm, ghi hình đó không bị cắt ghép? v.v…

3. Kiến nghị

Một là. Hiện nay pháp luật TTDS không phân biệt trình tự, thủ tục thu thập nguồn chứng cứ điện tử (dữ liệu điện tử) với các nguồn chứng cứ khác mà được quy định chung tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS 2015 nên quy định về trình tự, thủ tục thu thập nguồn dữ liệu điện tử.

Hai là, Kiểm sát viên khi được phân công kiểm sát những vụ án có liên quan đến chứng cứ điện tử cần đánh giá chứng cứ đó thật sự khách quan và toàn diện; chứng cứ phải liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến vụ việc dân sự cần giải quyết. Điều quan trọng là phải xem xét chứng cứ đó phải được thể hiện đầy đủ nội dung, không bị cắt ghép.

Ba là, Khác với tố tụng hình sự yêu cầu cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh, pháp luật tố tụng dân sự quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Trong trường hợp 2 đã nêu trên, Kiểm sát viên nên căn cứ khoản 2 và khoản 4 Điều 91 BLTTDS để giải quyết vụ án.

Bốn là, Đối với 1 vụ án mà việc phân biệt “trắng” – “đen” phụ thuộc phần lớn vào chứng cứ điện tử thì Kiểm sát viên phải có những phương án yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ khác để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đương sự, phát huy quyền yêu cầu, đề nghị Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ.

Điển hình như đối với vụ án Tranh chấp về hợp đồng hợp tác nêu trên. Trong trường hợp, nguyên đơn bật ghi âm tại phiên tòa, yêu cầu giám định giọng nói ở đoạn ghi âm nhưng bị đơn từ chối giám định thì khó có thể giải quyết được vụ án một cách khách quan, toàn diện. Đối với những vụ án có tình tiết tương tự như trên, KSV nên chủ động phối hợp với Thẩm phán đề nghị cho các đương sự đối chất hoặc xác minh, thu thập thêm tài liệu chứng cứ là con người sống gần đó v.v.


[1] “Khung pháp lý về thương mại điện tử của một số nước và khu vực”, http://quanlydoanhnghiep.edu.vn/khung-phap-ly-ve-thuong-mai-dien-tu-cua-mot-so-nuoc-va-khu-vuc/

[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nguyễn Công Bình, Nxb. Công an nhân dân, tr.168

[3] Điều 93 BLTTDS 2015

[4] khoản 5 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”

khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”

[5] khoản 3 Điều 95 BLTTDS 2015

Trương Ngọc Oanh – Viện KSND thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp