Xuất bản thông tin

null Hậu quả pháp lý khi người bị tuyên bố chết còn sống trở về

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Hậu quả pháp lý khi người bị tuyên bố chết còn sống trở về

Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết, trong một số trường hợp, người bị tuyên bố chết đột nhiên trở về hoặc có tin tức xác thực người đó vẫn còn sống

= = = = =

 

Bộ luật Dân sự (sau đây viết tắt là BLDS) có dự liệu và quy định cách thức giải quyết khi vấn đề này xảy ra. Khi đó, quyết định tuyên bố chết có thể bị hủy bỏ. Quy định của pháp luật về hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân và tài sản của người bị tuyên bố chết còn sống trở về còn một số vướng mắc, bất cập, tác giả chia sẻ và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Khi một người biệt tích quá lâu khỏi nơi cư trú và không thể xác định người đó còn sống hay đã chết thì việc biệt tích đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan trong các giao dịch dân sự với người đó. Vì thế pháp luật có quy định về “cái chết pháp lý” của người biệt tích để tạm dừng hoặc chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân nhằm giải quyết các quan hệ về nhân thân và tài sản của người đó, đó là “Tuyên bố cá nhân chết”.

Có thể đưa ra khái niệm tuyên bố cá nhân chết là việc Tòa án xác định cái chết của cá nhân theo yêu cầu của người có quyền khi có đủ điều kiện luật định thông qua việc ra quyết định tuyên bố cá nhân đó là đã chết. Tuyên bố này của Tòa án làm chấm dứt tư cách chủ thể của một người về mặt pháp lý, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có quyền và lợi ích liên quan. Cũng bằng tuyên bố này, các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị tuyên bố chết sẽ có những tác động đáng kể.

Khi ra quyết định tuyên bố một người đã chết, hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người đó được phát sinh. Theo Điều 72 BLDS 2015 quy định:  

“1. Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

2. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế”.

Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết, trong một số trường hợp, người bị tuyên bố chết đột nhiên trở về hoặc có tin tức xác thực người đó vẫn còn sống. BLDS có dự liệu và quy định cách thức giải quyết khi vấn đề này xảy ra. Khi đó, quyết định tuyên bố chết có thể bị hủy bỏ. Sau khi quyết định tuyên bố chết bị hủy bỏ, vấn đề rất quan trọng và rất được quan tâm nghiên cứu, đó chính là giải quyết hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân và tài sản của chính người đó và những người có quyền, lợi ích liên quan.

Sau đây là quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân và tài sản của người bị tuyên bố chết còn sống trở về, một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

1. Quy định của pháp luật về hậu quả pháp lý về nhân thân và tài sản của người bị tuyên bố chết còn sống trở về.

1. Hậu quả pháp lý về nhân thân

Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh số 27-LCT/HĐNN8 ngày 07/12/1989 về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (sau đây viết tắt là Nghị quyết 03/HĐTP ngày 19/10/1990 ) quy định rằng: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người mà Tòa án xác định là đã chết đã kết hôn với người khác, thì không được khởi kiện, khởi tố hủy việc kết hôn đó”. Điều đó có nghĩa là quan hệ hôn nhân này vẫn được công nhận. Nhưng ở đây không nói rõ trường hợp nếu vợ hoặc chồng của người mà Tòa án xác định là đã chết chưa kết hôn với người khác thì hậu quả pháp lý ra sao, còn các quan hệ nhân thân khác thì như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, BLDS 1995 ghi nhận khá rõ ràng, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật, kể cả khi Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết. Các quan hệ khác về nhân thân của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được khôi phục kể từ khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết. BLDS 2005 đã bổ sung khoản 2 Điều này, quy định rằng quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, bên cạnh đó còn làm rõ hai trường hợp ngoại lệ: Một là, vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Toà án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của BLDS 2005  thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật; hai là, vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

Thứ nhất, chưa nói đến hai trường hợp ngoại lệ vừa nêu, riêng vấn đề quan hệ nhân thân được khôi phục từ thời điểm nào thì quy định của Luật qua các thời kỳ đã có khác nhau.

Quan hệ hôn nhân là một loại quan hệ nhân thân. Theo như quy định của BLDS 1995 và BLDS 2005, quan hệ hôn nhân phải được khôi phục từ thời điểm Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết, thời kỳ hôn nhân cũng bắt đầu từ lúc ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết. Điều đó có nghĩa BLDS 1995 và 2005 chưa xác định rõ thời kỳ hôn nhân trong trường hợp này.

Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục. Cả luật chung và luật riêng thời bấy giờ đều không xác định rõ quan hệ hôn nhân được khôi phục từ thời điểm nào, thời kỳ hôn nhân có bị gián đoạn trong khoảng thời gian quyết định tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật hay không? BLDS 2015 giữ nguyên quy định này của BLDS 1995 và 2005. Tuy nhiên Luật riêng thì có điều chỉnh, tại khoản 1 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn. Đây là điểm tiến bộ trong nhận thức pháp luật và xây dựng pháp luật của nước ta theo hướng ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn khách quan.

Thứ hai là hai trường hợp ngoại lệ mà BLDS 2005 có bổ sung so với BLDS 1995 tại khoản 2 Điều 83. BLDS 2015 tại khoản 2 Điều 73 cũng theo hướng giữ nguyên BLDS 2005. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng trên tinh thần này, tôn trọng việc ly hôn trong trường hợp đã có quyết định cho ly hôn của Tòa án và trường hợp vợ, chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật.

Có ý kiến đặt ra rằng, sau khi một người bị tuyên bố chết thì quan hệ hôn nhân chấm dứt. Khi người ấy quay trở về thì quan hệ hôn nhân có đương nhiên được khôi phục hay phải tiến hành đăng ký kết hôn lại? Và cũng có ý kiến cho rằng: nếu tình cảm vợ chồng vẫn còn thì Tòa án công nhận việc tái tục cuộc hôn nhân, và nếu tình cảm vợ chồng đã không còn thì Tòa án không công nhận việc tái tục cuộc hôn nhân. Khoản 2 Điều 73 BLDS 2015 đã quy định rõ: “Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết…”, và theo khoản 1 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn. Vậy, khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó chết có nghĩa là quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục, không cần phải đăng ký kết hôn lại và cũng không cần Tòa án công nhận việc tái tục cuộc hôn nhân. Nếu tình cảm vợ chồng đã không còn thì có quyền khởi kiện vụ án xin ly hôn. Khi đó, không chỉ quan hệ hôn nhân được giải quyết mà cả quan hệ về tài sản chung vợ chồng và nuôi con chung cũng được giải quyết dứt điểm.

2. Hậu Quả pháp lý về quan hệ tài sản

Quan hệ tài sản của người bị tuyên bố chết sau khi hủy quyết định tuyên bố người đó là đã chết là một trong những vấn đề rất đáng được quan tâm nghiên cứu. Bởi lẽ, điều đó ảnh hưởng đến quyền, lợi ích về tài sản của nhiều người, của người đã từng bị tuyên bố chết, những người thừa kế của người đó và những người khác có lợi ích liên quan. Từ những quy định sơ khai, để bảo vệ quyền lợi của người đã bị xác định là đã chết, Nghị quyết 03/HĐTP ngày 19/10/1990 quy định rằng tài sản mà “đã được chuyển giao theo pháp luật về thừa kế thì được trả lại cho họ theo yêu cầu của họ”. Quy định này, thoạt nhìn đã thấy quá sơ sài, không khả thi bởi nó đã bỏ quên quyền, lợi ích của người nhận thừa kế và người thứ ba ngay tình. Những người nhận thừa kế vốn ngay tình, Tòa án cho họ được nhận di sản thừa kế nhưng lại chính Tòa án buộc họ phải trả lại tài sản cho chủ cũ nếu chủ cũ thật sự không chết (theo yêu cầu của người đó). Đặt trường hợp rằng, nếu tài sản đã bị định đoạt (chuyển nhượng, tặng cho người thứ ba ngay tình), chẳng lẽ buộc người thứ ba phải trả lại tài sản? Pháp luật thời bấy giờ không có quy định xử lý vấn đề này. Trái với quy định trên, mặc dù có những thời điểm áp dụng trùng nhau nhưng BLDS 1995 lại quy định trái ngược hoàn toàn, cụ thể là: “Người bị tuyên bố chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản hiện còn” Tuy nhiên không có hướng dẫn thế nào là “tài sản hiện còn”, phải chăng nếu tài sản đã được chuyển giao, chuyển đổi cho người thứ ba thì xem như không còn tài sản ấy nữa, chủ cũ của tài sản sẽ không được nhận lại? Qua nghiên cứu, phân tích và kiến nghị hoàn thiện pháp luật khi xây dựng BLDS 2005 thì BLDS 2005 đã hoàn thiện hơn quy định về vấn đề này. Cụ thể là ngoài việc nhận lại tài sản hiện còn thì người bị tuyên bố chết mà còn sống còn được nhận lại giá trị tài sản hiện còn. Chẳng hạn như, nếu tài sản đã được bán lấy tiền, thì những người thừa kế phải trả lại giá trị tài sản. BLDS 2005 bổ sung thêm phần giá trị tài sản hiện còn, không nhất thiết chỉ là tài sản hiện còn như quy định của BLDS 1995. Đây là điểm tiến bộ trong nhận thức pháp luật và xây dựng pháp luật ngày càng phù hợp với thực tiễn khách quan của Nhà nước Việt Nam ta. BLDS 2015 kế thừa sự tiến bộ và giữ nguyên quy định này của BLDS 2005.

Bên cạnh đó, BLDS 1995, BLDS 2005 cũng như BLDS 2015 còn có một quy định khá chặt chẽ, đó là: “Trong trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Quy định như vậy là vì trong trường hợp này, họ không ngay thẳng, không trung thực, họ muốn giấu giếm để nhằm hưởng tài sản của người bị tuyên bố chết mà còn sống. Pháp luật không bảo vệ những người không ngay tình, đây chính là biện pháp chế tài cho sự không ngay tình đó.

Tuy nhiên BLDS 2005 còn bỏ ngõ quan hệ tài sản chung vợ chồng của người bị tuyên bố chết còn sống trở về, căn cứ xác định tài sản riêng, tài sản chung của hai vợ chồng chưa được đề cập đến. Khắc phục hạn chế này, khoản 4 Điều 73 BLDS 2015 quy định:Quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được giải quyết theo quy định của Bộ luật này, Luật Hôn nhân và gia đình”. Tại khoản 2 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ việc xác định tài sản riêng, tài sản chung vợ chồng khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về. Cụ thể:

“a) Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó;

b) Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.”

2. Một số khó khăn, vướng mắc của quy định hiện hành về hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân và tài sản đối với người bị tuyên bố chết còn sống trở về

2.1. Hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân

Quy định hiện hành về khôi phục quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố chết còn sống trở về vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể:

Khoản 2 Điều 73 BLDS 2015 quy định: “Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết…”. Vấn đề tác giả đặt ra là quan hệ nhân thân được khôi phục lại như chưa bao giờ chết hay thời điểm khôi phục từ khi ra quyết định hủy bỏ tuyên bố chết? Nếu áp dụng theo khoản 2 Điều 73 BLDS 2015 thì thân phận pháp lý của họ như thế nào trong thời gian Tòa án chưa ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết? Hơn nữa, tại địa phương này người đó bị tuyên bố chết, nhưng tại địa phương khác vẫn sinh sống bình thường, vẫn xác lập giao dịch bình thường, bản thân không biết việc mình đã bị tuyên bố chết. Vậy, năng lực chủ thể của họ trong thời gian bị tuyên bố chết được giải quyết thế nào? Lẽ nào các giao dịch xác lập trong khoảng thời gian đó đều bị vô hiệu? Tại điểm a khoản 2 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thừa nhận tài sản có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó. Như vậy, các giao dịch phát sinh trong khoảng thời gian ấy vẫn được thừa nhận. Tuy nhiên, BLDS chưa quy định rõ vấn đề này, ngoài ra cũng chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Chính vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn về sự khôi phục quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố chết còn sống trở về.

2.2. Hậu quả pháp lý về quan hệ tài sản

Thứ nhất, xác định tài sản, giá trị tài sản hiện còn:

Khoản 3 Điều 73 BLDS 2015 quy định rằng: “Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn”. Từ trước đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là tài sản hiện còn, giá trị tài sản hiện còn. Để xác định đâu là tài sản hiện còn, giá trị tài sản hiện còn là một vấn đề không đơn giản và hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ, ông A có vợ là bà B và con chung là C và D. Ông A và bà B có tạo lập một căn nhà, bà B chết trước ông A, sau đó ông A bỏ địa phương đi biệt tích. Các con ông A yêu cầu Tòa án tuyên bố ông A là đã chết theo quy định của pháp luật. C và D đã bán căn nhà ông A để lại. Sau đó ông A trở về mới biết việc căn nhà của mình đã được bán cho chủ mới và bản thân đã bị Tòa án tuyên bố chết. Vậy, qua sự việc nêu trên, ông A phải yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố chết để khôi phục tư cách chủ thể. Tuy nhiên còn vấn đề về tài sản là căn nhà của ông đã bị bán cho người khác thì xử lý ra sao? Để giải quyết được vấn đề này, cần có cách hiểu thống nhất tài sản hiện còn, giá trị tài sản hiện còn là như thế nào? Có quan điểm cho rằng, sau khi Tòa hủy quyết định tuyên bố ông A chết thì mọi quyền lợi của ông đối với căn nhà sẽ được phục hồi. Ở đây, người mua nhà hợp pháp, ngay tình nên không có trách nhiệm dân sự đối với ông A. Do đó, theo khoản 3 Điều 73 BLDS 2015, các con của ông sẽ phải trả lại giá trị phần tài sản ông A được hưởng trong căn nhà đó. Cụ thể là một nửa giá trị căn nhà của ông với phần thừa kế của ông trong một nửa giá trị căn nhà mà người vợ để lại. Cũng có quan điểm cho rằng, các con ông A đã bán căn nhà cho người khác nghĩa là tài sản không còn, nếu tiền có được từ việc bán nhà đã được tiêu dùng hết thì giá trị tài sản cũng không còn, ông A không được nhận lại bất cứ tài sản gì trong trường hợp này.

Tiền có được do bán tài sản trên đã được tiêu dùng một phần hay đã tiêu dùng hết thì vấn đề hoàn trả được giải quyết như thế nào? Nếu chỉ trả phần còn lại chưa được tiêu dùng thì vấn đề là làm sao xác định số tiền có được do bán tài sản đó đã được tiêu dùng hết hay chưa? Nếu là người không trung thực thì chưa tiêu dùng hết mà họ cũng nói là đã dùng hết, do đó phần thiệt hại thuộc về người bị tuyên bố chết mà còn sống trở về đó.

Thứ hai, hoa lợi, lợi tức có được từ tài sản thừa kế:

Theo Điều 109 BLDS 2015, hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại, lợi tức là khoản thu được từ việc khai thác tài sản. Vậy hoa lợi, lợi tức có được từ tài sản thừa kế thì giải quyết ra sao? Ai là người được hưởng hoa lợi, lợi tức ấy? Có quan điểm cho rằng, tài sản là của người có quyết định tuyên bố chết bị hủy bỏ thì hoa lợi, lợi tức cũng thuộc về người đó. Có quan điểm khác cho rằng, việc người nhận thừa kế và khai thác tài sản trong thời gian quyết định tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật đến trước khi quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật là ngay tình, và họ là người có công sức gìn giữ, quản lý, khai thác tài sản nên họ hưởng hoa lợi, lợi tức là phù hợp lẽ công bằng. Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn áp dụng vấn đề này. Vì thế cần có hướng dẫn chi tiết để việc áp dụng được thống nhất, đảm bảo tính công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích các bên một cách tốt nhất và đúng quy định của pháp luật.

Tóm lại, các vấn đề vướng mắc cần phải giải quyết đó là: thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn về sự khôi phục quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố chết còn sống trở về; thứ hai, xác định tài sản, giá trị tài sản hiện còn; thứ ba, hoa lợi, lợi tức có được từ tài sản thừa kế thì giải quyết thế nào?

Chính vì vậy, quy định pháp luật cũng cần hoàn thiện, có sự giải thích, hướng dẫn rõ ràng ở những điểm này để việc áp dụng được dễ dàng và thống nhất.

3. Đề xuất

3.1. Về quan hệ nhân thân

Như đã đề cập ở phần vướng mắc, khó khăn, quan hệ nhân thân được khôi phục từ thời điểm nào là hợp lý nhất? Trong trường hợp người bị tuyên bố chết còn sống trở về, sự thật chứng tỏ rằng người này chưa bao giờ chết, tuyên bố của Tòa án là không chính xác. Trong khi quyết định tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật, người bị tuyên bố vẫn sống, vẫn xác lập giao dịch, năng lực pháp luật dân sự vẫn tồn tại. Do vậy, quan điểm tác giả cho rằng, để cụ thể hóa Điều 73 BLDS 2015, cần có văn bản hướng dẫn điều luật này theo hướng: Xác định quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố chết còn sống trở về được khôi phục lại từ đầu, năng lực chủ thể không bị gián đoạn, mọi giao dịch mà người này xác lập trước khi quyết định tuyên bố chết được hủy bỏ đều có hiệu lực, trừ trường hợp vô hiệu theo quy định khác của pháp luật.

3.2 Về quan hệ tài sản

Để phù hợp thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền lợi người bị tuyên bố chết còn sống trở về cũng như quyền lợi của người nhận thừa kế và để công tác áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 73 BLDS 2015 theo hướng phân tích sau:

Theo quan điểm tác giả, khái niệm “tài sản, giá trị tài sản hiện còn” nên hiểu như sau:

  1. Tài sản hiện còn là tài sản chưa được tiêu dùng hết, chưa tiêu hủy, thiệt hại, chưa bị định đoạt. Trường hợp đổi lấy tài sản khác thì tài sản mới được đổi phải được hoàn trả. Đối với tài sản đã được tặng cho người thứ ba thì không phải hoàn trả, việc tặng cho chỉ có hiệu lực trong khi chưa biết tin tức về người bị tuyên bố là đã chết còn sống.
  2. Giá trị tài sản hiện còn là khi tài sản đã bị định đoạt, được bán hoặc chuyển nhượng. Số tiền có được do việc bán (chuyển nhượng) tài sản phải được hoàn trả lại cho cho chính chủ ban đầu, nếu đã tiêu dùng cá nhân thì phải kê khai cụ thể tiêu dùng vào việc gì, tiêu hết bao nhiêu tiền, còn bao nhiêu tiền thì phải trả lại cho chủ cũ (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). Trường hợp những người thừa kế đã sử dụng tài sản để đầu tư kinh doanh thì giá trị tài sản chính là số tiền, số cổ phần, hoặc vốn góp còn hiện hữu.

Thật vậy, tài sản, giá trị tài sản hiện còn cần được hoàn trả, nhưng về hoa lợi, lợi tức có được từ tài sản thừa kế thì giải quyết như thế nào? Theo quan điểm tác giả, những hoa lợi, lợi tức ấy phải thuộc về người thừa kế. Bởi vì, đó chính là thành quả mà họ có công sức trong việc quản lý, sử dụng, khai thác công dụng của tài sản. Tuy nhiên, những người này chỉ được hưởng hoa lợi, lợi tức từ ngày được chia di sản cho đến ngày quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ đó, thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng phân tích trên.

 

Lê Thị Ngọc Lợi –  Kiểm sát viên VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp