Xuất bản thông tin

null VKSND huyện Cao Lãnh ban hành kháng nghị phúc thẩm

Chi tiết bài viết VKS_ANNINH_TRATTU_CHUYENVUAN

VKSND huyện Cao Lãnh ban hành kháng nghị phúc thẩm

VKSND huyện Cao Lãnh ban hành kháng nghị phúc thẩm

===

Kháng nghị phúc thẩm dân sự là một trong những quyền năng pháp lý của VKSND được quy định trong tố tụng dân sự, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, góp phần vào việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân được tôn trọng và bảo vệ.

 

ảnh minh hoạ

Ngày 14/5/2024, Viện KSND huyện Cao Lãnh đã ban hành Kháng nghị phúc thẩm số 153/QĐ-VKS-DS đối với Bản án Dân sự sơ thẩm số 52/2024/DS-ST ngày 02/5/2024 của TAND huyện Cao Lãnh giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là Đặng Văn T và bị đơn là Nguyễn văn M.

Thông qua công tác Kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự và Kiểm sát xét xử tại phiên Tòa. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã phát hiện vi phạm nghiêm trọng về nội dung giải quyết vụ án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cụ thể:

Nội dung vụ án: Phần đất tranh chấp là 03 thửa đất tọa lạc tại ấp An Nghiệp, xã An Bình, huyện Cao Lãnh do ông M đứng tên quyền sử dụng đất ngày 18/4/1994, cấp đổi cho hộ ông M đứng tên quyền sử dụng vào năm 2022. Vào năm 2008 ông M làm văn bản thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ 03 thửa đất trên cho ông T với giá 11 cây vàng 24Kra và ông T đã nhận đất canh tác từ năm 2008 đến nay. Ông T đã giao tổng cộng là 10 cây vàng và 10.000.000 đồng, nhưng đến nay ông M không thực hiện việc sang tên quyền sử dụng đất cho ông T. Năm 2022 ông M được cấp đổi lại quyền sử dụng đất 03 thửa trên do hộ ông M đứng tên, không làm thủ tục sang tên giấy đất cho ông T.

Bản án sơ thẩm số: 52/2024/DS-ST ngày 02/05/2024 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lãnh tuyên xử:

-Không chấp nhận yêu cầu của ông T;

-Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông M và yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

-Hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T với ông M đối với 03 thửa.

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án nói trên, nhận thấy: Bản án sơ thẩm buộc ông T có nghĩa vụ giao lại 03 thửa đất cho hộ ông M là chưa phù hợp theo quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông T.

Thứ nhất, vì giao dịch dân sự lập ngày 30/8/2008 hai bên đã thực hiện hơn 2/3 tổng giá trị thanh toán của hợp đồng như quy định tại điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao địch đó, phía ông M đã giao đất cho ông T quản lý sử dụng liên tục công khai từ năm 2008 đến nay không có ai tranh chấp hay có ý kiến phản đối gì nên hợp đồng này phát sinh hiệu lực buộc các bên phải thực hiện các bước tiếp theo. Do đó có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T với ông M đối với 03 thửa đất.

Thứ hai, ông M cho rằng không chuyển nhượng đất cho ông T mà là cố đất nhưng ông M không có chứng cứ gì để chứng minh. Trong các lần hòa giải tại Tòa án, ông M đều thừa nhận có chuyển nhượng đất cho ông T nhưng gia đình không biết, đến khi xét xử thì ông M cho rằng không chuyển nhượng mà là cố đất, lời trình bày của ông M từ đầu đến cuối không có sự đồng nhất với nhau.

Thứ ba, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng, phần đất này ông M được các thành viên trong hộ thống nhất giao canh tác, quản lý, sử dụng để hưởng hoa lợi (chỉ nói miệng). Ngày 30/8/2008 do ông M cần tiền để giải quyết công việc cá nhân nên ông M đã tự ý làm giấy tay cố đất cho ông T với giá 01 cây vàng 24Kra/năm. Tuy nhiên lời trình bày của những người liên quan cũng không có giấy tờ gì chứng minh có việc cố đất. Người liên quan cho rằng tự cá nhân ông M nhận vàng, tiền tiêu xài cá nhân nhưng không chứng minh được cá nhân ông M sử dụng vào việc gì trong khi số vàng nhận từ ông T là rất lớn và nhận nhiều lần. Đồng thời ông T quản lý sử dụng đất từ năm 2008 đến nay, sử dụng thời gian dài và các thành viên hộ gia đình ông M cho rằng không biết việc chuyển nhượng là không phù hợp khách quan.

Thứ tư, Đối với nội dung tờ chuyển nhượng trên mặt đất lập ngày 30/8/2008, mặc dù không thể hiện cụ thể diện tích đất chuyển nhượng, thửa đất và ranh giới tứ cận nhưng giữa ông T và ông M chỉ thỏa thuận chuyển nhượng phần đất thuộc ấp An Nghiệp, xã An Bình, huyện Cao Lãnh, không còn chuyển nhượng hay giao dịch phần đất nào khác và ông M cũng chỉ có duy nhất phần đất đang tranh chấp này tại ấp An Nghiệp, xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đồng thời ông M cũng đã giao toàn bộ đất cho ông T canh tác liên tục từ năm 2008 đến nay. Do đó có đủ căn cứ xác định phần đất thuộc ấp An Nghiệp, xã An Bình, huyện Cao Lãnh là phần đất mà ông T đã nhận chuyển nhượng bị đơn.

Với nhận xét, đánh giá trên, Viện kiểm sát huyện Cao Lãnh đã kháng nghị Bản án sơ thẩm số 52/2024/DS-ST ngày 02/5/2024 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp về phần nội dung giải quyết vụ án và đề nghị TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa Bản án sơ thẩm theo hướng đã phân tích trên.

Ngọc Châu